Vì sao Ecuador “ruồng bỏ” Julian Assange sau 7 năm “che chở”?

Thứ hai, 15/04/2019 - 08:38

Sau 7 năm, Ecuador đã tước quy chế tị nạn của Jualia Assange tại Đại sứ quán ở London, và cho phép cảnh sát Anh tới bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks.

Cách đối xử của vị khách với chủ nhà?

Nhiều giờ sau khi Julian Assange bị đưa đi khỏi Đại sứ quán Ecuador tại London – nơi nhà sáng lập WikiLeaks đã tị nạn suốt 7 năm qua, các quan chức Ecuador đã công bố một bản danh sách các chi phí giành cho vị khách đặc biệt của mình suốt 7 năm qua.

Ngoại trưởng Ecuador Jose Valencia cho biết nước này đã phải chi 5,8 triệu USD cho các hoạt động an ninh, cùng khoảng 400.000 USD cho các chi phí khác như y tế, thực phẩm và giặt là cho người sáng lập WikiLeaks Julian Assange kể từ khi ông này sống trong khuôn viên Đại sứ quán Ecuador ở London năm 2012.


Hình ảnh Julian Assange thời gian đầu sống trong khuôn viên Đại sứ quán Ecuador tại London. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng José Valencia và Bộ trưởng Nội vụ María Paula Romo cũng cáo buộc Assange thường xuyên đi scooter (kiểu xe trượt 2 bánh của trẻ con) xung quanh đường sảnh chật hẹp của Đại sứ quán, có các hành vi không đúng mực, gây phẫn nộ cho các nhân viên trong Đại sứ quán.
Không còn nghi ngờ gì việc Ecuador đã cảm thấy mệt mỏi khi phải “che chở” cho một vị khách như vậy trong ngôi nhà ở London của mình. Tuy nhiên lý do Ecuador tước quyền tị nạn của Assange và cho phép cảnh sát Anh tới bắt giữ nhân vật này dường như lại phức tạp hơn.

WikiLeaks đã “chọc tức” giới chức Ecuador theo nhiều cách khác nhau. Suốt nhiều tháng, Assange đã theo đuổi vụ kiện chính phủ Ecuador, cáo buộc nước này vi phạm quyền của ông ta khi đưa ra các quy tắc nghiêm ngặt đối với việc ông sống trong khuôn viên Đại sứ quán. Tuy nhiên, một thẩm phán Ecuador đã bác bỏ vụ kiện này vào tháng 10/2018.

Ecuador cũng bị chọc giận bởi sự ủng hộ của Assange đối với phong trào độc lập ở Catalonia. Bộ ngoại giao nước này đã đề nghị Assange kiềm chế đưa ra các tuyên bố có thể làm tổn hại quan hệ Ecuador với các nước khác, trong đó có cả Tây Ban Nha.

Gần đây, WikiLeaks cũng đã nhắm vào cá nhân cụ thể của Ecuador. Ngày 25/3, Wikileaks đã đăng tải một tuyên bố trên Twitter thu hút chú ý tới cáo buộc tham nhũng mà Tổng thống Ecuador Lenin Moreno đang phải đối mặt. Dòng trạng thái trên Twitter còn liên kết đến một trang web ẩn danh có tập “Hồ sơ INA” chứa các email bị rò rỉ, các đoạn tin nhắn và các văn bản khác liên quan đến đời tư của Tổng thống Moreno.

Chính phủ Ecuador cáo buộc WikiLeaks rò rỉ các văn bản kể trên trong tập Hồ sơ INA của trang web ẩn danh. Mặc dù WikiLeaks bác bỏ có liên quan, nhưng đây cũng là cái cớ khiến chính phủ Ecuador tước quy chế tị nạn của Assange.

“Ông Assange không có quyền hack các tài khoản hay điện thoại cá nhân”, Tổng thống Moreno nói với Hiệp hội phát thanh truyền hình Ecuador hôm 9//4.

Bộ Ngoại giao Ecuador cũng ra tuyên bố chỉ trích nhà sáng lập WikiLeaks, bác bỏ những “tin tức giả được truyền bá trên truyền thông xã hội những ngày qua, rất nhiều trong số chúng được phát tán bởi một tổ chức có liên quan đến ông Julian Assange”.

Quan hệ giữa Assange và Ecuador càng trở nên tệ hơn khi ngày 10/4, WikiLeaks mở một cuộc họp báo và tuyên bố rằng nhóm này đã phát hiện ra các hoạt động do thám chống lại Assange ngay trong Đại sứ quán Ecuador ở London.

Nói với các phóng viên tại London, Kristinn Hrafnsson, Giám đốc điều hành WikiLeaks cho rằng, Ecuador đã bí mật ghi hình và ghi âm Assange và các hoạt động của ông này tại Đại sứ quán, trong đó có cả hoạt động kiểm tra y tế và các cuộc gặp với đại diện pháp lý.

“Sự phản bội lớn nhất”

Assange là người Australia nhưng được cấp quốc tịch Ecuador năm 2017.

Chưa đầy 24 giờ sau cuộc họp báo của WikiLeaks, quyền công dân Ecuador của Assange đã bị thu hồi, quy chế tị nạn cũng bị bãi bỏ, cảnh sát Anh được cho phép tới Đại sứ quán Ecuador để bắt giữ Assange.

Ở Ecuador, Bộ Nội vụ nước này tuyên bố, họ đã bắt giữ một người “thân tín” của Assange ở sân bay Quito khi ông này chuẩn bị đến Nhật Bản hôm 11/4.

Bộ trưởng Nội vụ Maria Paula Romo nói với CNN rằng, nhân vật bị bắt giữ là Ola Bini, một nhà phát triển phần mềm người Thụy Điển, đã từng vài lần ghé thăm Đại sứ quán Ecuador ở London.

Trong cuộc họp báo ngày 11/4, bà Romo nói rằng, Bini, Assange và WikiLeaks đã cố gây bất ổn cho chính phủ của Tổng thống Moreno. Bà cáo buộc Bini đã làm việc với Ricardo Patiño, người từng làm Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Rafael Correa. Assange được cấp quy chế tị nạn dưới thời Tổng thống Correa.

“Suốt 7 năm tới nay, một trong những nhân vật chủ chốt của tổ chức Wikileaks và một người thân cận với Assange đã sống ở Ecuador”, bà Romo nói.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Ecuador Correa nói với CNN ngày 12/4 rằng, quyết định của người kế nhiệm ông về việc hủy quy chế tị nạn của Assange “có thể là sự phản bội lớn nhất trong lịch sử Mỹ Latin”.

Có thể đó là lời nói ngoa. Nhưng cho dù sự thật là gì, thì câu chuyện về 2.488 ngày “hỗn loạn” của Assange tại Đại sứ quán Ecuador vẫn chưa kết thúc./.

Thùy Linh/VOVTheo CNN