Tháng 7/1978, Bjorn Borg đoạt danh hiệu Wimbledon thứ ba liên tiếp – điều không tay vợt nào làm được trong suốt 40 năm. Kỷ lục đó được tạo nên một phần là do sự nghiệp của các tay vợt trước kỷ nguyên Mở tương đối ngắn.
Vào thập niên 1980, Borg đoạt danh hiệu Wimbledon thứ năm và Roland Garros thứ sáu. Những thành tựu vĩ đại giúp huyền thoại Thụy Điển được xem là tay vợt hay nhất thời điểm đó. Ông chơi giải Grand Slam cuối cùng ở tuổi 25, trước khi gây sốc cho cả thế giới bằng tuyên bố giải nghệ ở tuổi 26.
Bốn thập kỷ sau giai đoạn rực rỡ của Borg, kỷ lục của ông chỉ còn là những con số bình thường khi đặt cạnh thống kê của các hậu bối. Rafael Nadal vừa có Roland Garros thứ 13 – con số mà nhiều chuyên gia tin rằng không thể xô đổ trong tương lai. Roger Federer đã tám lần vô địch Wimbledon, còn Novak Djokovic cũng có từng ấy lần đăng quang tại Australia Mở rộng.
"Big 3" sở hữu tổng cộng 57 danh hiệu Grand Slam. Ảnh: ES.
Không chỉ Grand Slam, ở những giải đấu nhỏ hơn, sự thống trị cũng xảy ra. Federer đã cán mốc 10 danh hiệu ở hai sự kiện tại Halle và Basel. Djokovic chưa bao giờ thua ở Bắc Kinh, đoạt sáu chiếc cup với thành tích 29 trận thắng. Nadal thì vẫn là kẻ thống trị ở mặt sân đất nện với 11 cup ở hai giải Monte Carlo và Barcelona, cùng chín lần lên ngôi ở Rome.
"Chiến thắng nối tiếp chiến thắng", HLV Craig O’Shannessy – từng làm việc với nhiều tay vợt nổi tiếng, trong đó có Djokovic – nhận xét về sự thống trị của "Big 3". "Chúng ta đã chứng kiến họ thắng năm này qua năm khác ở cùng một sự kiện. Đó là sự thống trị tuyệt đối chưa từng có trong môn thể thao này".
O’Shannessy tin rằng một trong những lý do giúp "Big 3" duy trì thành công nằm ở việc quản lý lịch trình một cách cẩn trọng, hướng đến mục tiêu lâu dài. "Ở Halle, Federer ban đầu cam kết chơi trong năm năm", ông nói. "Sau thời gian dài, anh ấy quá quen với khí hậu, sân đấu và nhiều thứ khác ở đó. Điều tương tự cũng xảy ra ở Basel, quê nhà của anh ấy".
Federer tham dự Halle Open suốt từ năm 2003 tới nay và đoạt 10 chức vô địch. Ảnh: ATP.
Cách Federer ưu tiên tham dự Halle hay Basel đôi khi còn tới từ quan hệ kinh doanh với các nhà tài trợ. Nhưng không thể phủ nhận một điều là huyền thoại Thụy Sĩ cảm thấy thoải mái khi tới hai địa điểm này mỗi năm. "Đôi khi một tay vợt thấy thích ở thành phố này hơn thành phố khác", nhà vô địch đôi nam Roland Garros 1993, Luke Jensen nói. "Đó có thể là vì khách sạn, nhà hàng, việc di chuyển trong thành phố, tốc độ mặt sân, sự thân thiện của ban tổ chức và người hâm mộ. Tất cả những điều nhỏ nhặt đều góp phần vào khác biệt lớn mà bạn thể hiện trên sân".
Giám đốc giải đấu, những người làm việc trực tiếp với các tay vợt "Vedette" như Federer, Nadal hay Djokovic, luôn sẵn sàng điều chỉnh mọi thứ, thậm chí cả yếu tố khó như lịch thi đấu, để đảm bảo các "thuộc tính thân thiện" được duy trì mỗi năm. Đó không còn là lợi thế vô hình, mà hoàn toàn hữu hình. Ngay cả ở Grand Slam, không ít lần các tay vợt "chiếu dưới" phàn nàn về việc lịch thi đấu của họ bị xô lệch, nhằm chiều lòng các tên tuổi lớn.
Dù vậy, bản thân "Big 3" phải duy trì được phong độ - thứ cốt lõi tạo nên thành công. Việc duy trì phong độ lại là kết quả từ sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó đội ngũ huấn luyện chiến thuật và các chuyên gia thể lực có vai trò quan trọng. Khi Borg đến dự các giải đấu ở thập niên 1970, ông chỉ sát cánh cùng huấn luyện viên Lennart Bergelin. Mỗi lần cơ thể đau nhức, Borg phải nhờ các nhân viên y tế của giải đấu – những người còn phải phục vụ hàng chục tay vợt khác cùng thời điểm.
Điều đó không còn xảy ra trong thời đại này. "Rất nhiều tiền đã đổ vào quần vợt, đặc biệt khi bạn chơi ở cấp độ cao nhất", O’Shannessy chia sẻ. "Những tay vợt hàng đầu có khả năng thuê hẳn một đội ngũ hùng hậu. Mỗi người trong họ lại làm một nhiệm vụ khác nhau. Roger, Rafa và Novak có thể thuê người này để gia tăng sức mạnh cơ bắp, người khác giúp họ cải thiện sự linh hoạt. Roger có người chăm sóc cơ thể hàng ngày, mỗi chỉnh sửa nhỏ đều được quan tâm ngay lập tức. Vì vậy cơ bắp của anh ấy không bị lão hóa như các tay vợt thời xưa. Thể chất của anh ấy được duy trì một cách ổn định".
Djokovic từng thuê chuyên gia huấn luyện yoga và thiền để nâng cao sự dẻo dai của cơ thể. Ảnh: ES.
Từng làm việc với 10 tay vợt số một thế giới, HLV Nick Bollettieri không còn ngạc nhiên về sự bền bỉ của "Big 3". "Họ không chỉ tập với các HLV, mà còn hoàn thiện bản thân như một cuốn từ điển sống", chuyên gia người Mỹ nói. "Họ nghiên cứu, đo lường kỹ lưỡng việc ăn gì, uống gì, ngủ ra sao và nghỉ ngơi bằng cách nào. Điều đó giúp họ thay đổi hoàn toàn cả thể chất lẫn tinh thần. Đó là khoa học thể thao".
Theo Bollettieri, với những tài năng thiên bẩm như Federer, Nadal và Djokovic, sự kết hợp với khoa học tạo nên sức mạnh đáng sợ mỗi khi họ ra sân. "Tư duy của Roger, Rafa và Novak rất tuyệt vời", người từng dẫn dắt Boris Becker nhấn mạnh. "Họ nghĩ họ là những người chiến thắng và họ chứng minh được điều đó. Tôi tin rằng điều đó cũng được công nhận trong đầu các tay vợt khác. Họ đã gieo rắc nỗi sợ hãi cho mọi đối thủ".
Trong 10 năm qua, một câu hỏi lặp đi lặp lại: Sự thống trị của "Big 3" còn đến bao giờ? Rõ ràng, các tay vợt trẻ tài năng ngày càng nhiều. Khoảng cách trình độ trong top 100 chắc chắn ít rõ rệt hơn trước, và mối đe dọa từ các tay vợt có thứ hạng thấp ngày càng lớn hơn. Cuộc lật đổ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào giữa các tay vợt trong top 10. Nhưng cuối cùng, Federer, Nadal và Djokovic vẫn ở đó chinh phục danh hiệu này tới danh hiệu khác.
"Big 3" có lẽ cũng là nhân chứng cho tài năng của chính họ. Hãy nghe chính họ lý giải về sự thống trị chưa từng có trong lịch sử.
Federer (phát biểu sau khi giành Wimbledon thứ tám): "Với tôi, danh hiệu Wimbledon thứ tám không phải là điều có thể nhắm tới. Nếu làm được như thế, hẳn bạn có rất nhiều tài năng, các HLV sẽ thúc đẩy bạn từ khi ba tuổi và cha mẹ phải nghĩ rằng bạn là một dự án đầu tư của họ. Tôi chỉ chơi với đam mê, cố gắng mỗi ngày và làm việc một cách nghiêm túc nhất cho mỗi giải đấu".
Djokovic (phát biểu sau chức vô địch Australia Mở rộng thứ tám): "Tôi được nuôi dạy trong khó khăn ở Serbia, nơi bị cấm vận và chúng tôi phải xếp hàng để chờ bánh mì, nước và sữa. Những điều đó giúp bạn trở nên mạnh mẽ và khát khao thành công hơn. Đó là một trong những lý do vì sao tôi luôn cố gắng đến cùng. Tôi nghĩ sức mạnh tinh thần giúp tôi vượt qua mọi thử thách".
Nadal (phát biểu sau chức vô địch Roland Garros thứ 13): "Thể thao luôn thay đổi nhanh chóng. Tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ to lớn từ đội của tôi. Họ đã ở bên tôi những lúc khó khăn nhất và giúp tôi vượt qua. Tôi hạnh phúc vì có những chuyên gia tuyệt vời thúc đẩy tôi cầm vợt mỗi ngày".
Nhân Đạt (theo Tennis.com)