Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có 5 năm liên tiếp đạt kết quả cao nhất, xếp vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) từ năm 2015-2019. Chính nhờ quá trình cải cách, cả ngân hàng và DN đều đạt được những lợi ích to lớn, thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, xây dựng được niềm tin ngày càng vững chắc.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị công bố chỉ số CCHC sáng 19/5. Ảnh:VGP/ Lê Sơn.
Đây là trao đổi của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú bên lề Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng của người dân, ngày 19/5, tại Hà Nội.
Thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8/11 của Chính phủ, công tác CCHC của ngành ngân hàng luôn thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, trước hết từ nhận thức sau đến hành động, từ Thống đốc đến toàn thể cán bộ công chức và người lao động, thông qua việc chỉ đạo triển khai đồng bộ các lĩnh vực CCHC.
Gần 10 năm qua, các cấp lãnh đạo của NHNN đều xác định rõ: CCHC không đơn thuần là một lĩnh vực cụ thể, tách rời mà là “xương sống” của hoạt động quản lý, điều hành và nhiệm vụ chính trị của ngành. Trong lĩnh vực cải cách thể chế, NHNN đã cơ bản hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động ngân hàng, xử lý nợ xấu về quản lý thị trường vàng, quản lý hoạt động tín dụng, thanh toán của các tổ chức tín dụng (TCTD)... Hoàn thiện khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh các lĩnh vực hoạt động ngân hàng đã được cắt giảm mạnh mẽ từ giai đoạn triển khai Đề án 30 từ năm 2009 đến nay, với hơn 80% TTHC được cắt giảm, đơn giản hóa, đáp ứng tốt yêu cầu giao dịch hành chính thuận tiện, minh bạch, tiết giảm chi phí, đối với DN và người dân.
Các tổ chức tín dụng (TCTD) mặc dù là DN nhưng có tính chất phục vụ của loại hình kinh doanh dịch vụ tiền tệ cũng được cải tiến, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục, ứng dụng công nghệ số và dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho DN, người dân trong mọi lĩnh vực giao dịch về tiền tệ, tín dụng, thanh toán.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Ngân hàng muốn tạo ra quan hệ bình đẳng giữa cung và cầu vốn để huy động, cho vay nhiều hơn. Muốn khách hàng tin yêu thì phải làm tốt trong từng khâu cải cách để tạo ra được những sản phẩm hiện đại nhiều hơn và năng lực cạnh tranh tốt hơn.
“Chính việc nhận thức rõ rằng, CCHC không chỉ là thực hiện trách nhiệm tạo ra sự thuận lợi cho khách hàng và DN phục vụ mà hơn thế còn đem đến quyền lợi cho chính mình đã mang đến động lực cho các TCTD phấn đấu, cải cách tích cực hơn trong những năm qua”, ông Đào Minh Tú chia sẻ.
Mọi người dân và DN đều được tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại. Áp lực cải cách cũng khiến các ngân hàng trở nên lớn mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế cả trong nước và quốc tế.
Đây cũng là nền tảng và điều kiện giúp cho các TCTD hiện nay đã và đang triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ người dân và DN để khắc phục hậu quả tác động của dịch COVID-19.
Bằng nguồn vốn huy động và nguồn lực tài chính, các TCTD đã hoãn, giãn các khoản nợ vay gốc và lãi đến hạn, tiếp tục cho vay mới duy trì sản xuất, cắt giảm lợi nhuận và chi phí nghiệp vụ để có điều kiện giảm lãi suất, giảm phí để hỗ trợ trực tiếp cho người dân và DN trong vay vốn kể cả nợ cũ và vay mới.
Những cải cách đồng bộ, liên tục và bền bỉ của NHNN cùng với hệ thống các TCTD trong nhiều năm qua, đã kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, hiệu quả, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo đà tăng trường kinh tế ở mức cao, liên tục trong vòng 10 năm qua.
Theo Báo cáo hàng năm của Ngân hàng Thế giới (WB), môi trường kinh doanh của Việt Nam hàng năm đều có sự cải thiện tích cực, trong đó Chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam năm 2019 đứng thứ 2 trong các nước ASEAN tăng 7 bậc so với năm 2018 (vượt mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là tăng ít nhất 1 bậc trong năm 2019).
Cải cách không có điểm kết thúc
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đưa ra một số bài học kinh nghiệm rút ra qua những kết quả bước đầu đạt được.
Thứ nhất, NHNN luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CCHC và cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN; Bám sát sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo. Từ đó, xác định chương trình hành động của toàn ngành trong cả giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch nhiệm vụ từng năm. Quan điểm và trọng tâm trong điều hành CCHC của NHNN là phải có sự thống nhất từ lãnh đạo cao nhất là Thống đốc NHNN đến từng cán bộ, nhân viên trong ngành, từ Trung ương đến địa phương và phải thực hiện bền bỉ, kiên trì, liên tục không có điểm dừng.
Thứ hai, NHNN thường xuyên, giám sát, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị trong toàn Ngành để đánh giá sát tình hình, kịp thời quán triệt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Định kỳ, lãnh đạo NHNN, Ban chỉ đạo của ngành đều trực tiếp đi kiểm tra tại các địa phương, các đơn vị trong ngành về việc tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch CCHC.
Thứ ba, NHNN đã tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện 6 lĩnh vực CCHC, trọng tâm vào 3 trụ cột, đó là: cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở hiện đại hóa đồng bộ hóa hạ tầng cơ sở; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và công chức công vụ nói riêng.
Thứ tư, phải tiếp cận ứng dụng nhanh công nghệ số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đưa nhiều sản phẩm tiện lợi, an toàn nhất, có nhiều lựa chọn cho DN và người dân trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán.
Thứ năm, NHNN đã chủ động đề xuất với Chính phủ và chủ động phối hợp với các Bộ, ngành địa phương để thực hiện các chương trình cải cách thủ tục hành chính, triển khai giải pháp thanh toán điện tử đối với dịch vụ công mức độ 3, 4; thanh toán các nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.
Cuối cùng, để triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch CCHC, phải có bộ máy làm thường trực công tác CCHC có trách nhiệm, năng động có tinh thần cải cách và quyết liệt trong công việc; ý thức trách nhiệm, năng lực công tác và đạo đức tác phong công vụ công chức trong toàn ngành phải được quan tâm và nâng cao.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nhấn mạnh quan điểm của NHNN, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng: Cùng với tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước, CCHC sẽ không có điểm kết thúc.
“NHNN xác định đây là quá tiếp tục lâu dài, thường xuyên, gắn liền với cuộc sống hàng ngày vì sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tạo thuận lợi đa dạng nhiều mặt cho các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là đối với người dân. Đây cũng là đích đến mà NHNN đặt ra cho kế hoạch cải cách 10 năm tiếp theo và xa hơn nữa” Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Huy Thắng/Chinhphu