Người Singapore giỏi tiếng Anh phần lớn nhờ vào tầm nhìn và chính sách song ngữ của Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của Singapore.
Theo bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh năm 2019 của Tổ chức giáo dục EF E duca tion First (EF), Singapore đứng thứ năm trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ. Năm 2018, quốc gia này đứng thứ ba, vượt qua Na Uy, Đan Mạch để xếp sau Thuỵ Điển, Hà Lan.
Singapore có nền văn hóa đa dạng với ba nhóm dân tộc chính gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia. Việc này đặt ra câu hỏi tại sao quốc gia không có người bản ngữ nói tiếng Anh lại đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh?
Tiến sĩ Minh Tran, một trong những tác giả của báo cáo EF, cho rằng người Singapore giỏi tiếng Anh phần lớn nhờ vào tầm nhìn và chính sách song ngữ của Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của Singapore. Cố thủ tướng Diệu tin rằng việc sử dụng tiếng Anh rộng rãi là chìa khóa để xây dựng nền kinh tế của quốc đảo này và phát triển khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Theo kế hoạch, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính được giảng dạy tại các trường học Singapore trong khi tiếng Quan Thoại, tiếng Malay và tiếng Tamil tương ứng với ba nhóm dân tộc Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ sẽ là môn học phụ. Từ những năm 1960, phương pháp giáo dục song ngữ đã được chính phủ Singapore thông qua và đưa vào chương trình học bắt buộc.
Năm 1987, Singapore trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới coi tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy cho hầu hết môn học, bao gồm toán, khoa học và lịch sử. Vào những năm 1980, quốc gia này chuyển sang phương pháp giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường thông qua giao tiếp (CLT), trong đó trọng tâm là tạo bối cảnh thực tế để học sinh có cơ hội vận dụng, thực hành nghe nói tiếng Anh. Phương pháp CLT thay cho việc chỉ tập trung vào các quy tắc ngữ pháp, từ vựng trừu tượng, khó nhớ.
Vào những năm 1991, 2001, 2010, Singapore không ngừng đổi mới việc giảng dạy tiếng Anh thông qua hoạt động ngoại khóa và thiết kế trang web học tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông.
Học sinh Singapore sử dụng tiếng Anh trong lớp học. Ảnh: Shutterstock.
Đối với các môn học khác, giáo viên sẽ có cách dạy để vừa cung cấp kiến thức vừa cho học sinh cơ hội sử dụng tiếng Anh. Ví dụ, đối với bộ môn Khoa học, giáo viên sẽ giúp học sinh nâng cao khả năng ngữ pháp tiếng Anh thông qua việc đọc hiểu các khái niệm. Giáo viên Toán học sẽ phát triển kỹ năng suy luận Toán học và thảo luận vấn đề bằng tiếng Anh để nâng cao khả năng tư duy và kỹ năng nghe, nói. Cách tiếp cận này giúp học sinh phát triển khả năng tiếng Anh trong mọi bộ môn, từ môn ngôn ngữ đến toán học, khoa học.
Năm 2011, Học viện Anh ngữ Singapore ra đời với nhiệm vụ nâng cao trình độ, khả năng giảng dạy tiếng Anh cho giáo viên. Học viện thúc đẩy phương pháp CLT, yêu cầu chính phủ cam kết nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh.
Kế hoạch của cố thủ tướng Lý Quang Diệu đã thành công. Hiện nay, tại Singapore, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ giao tiếp chung ngoài xã hội, trên đường phố hay trong trường học, văn phòng. Tiếng Anh đã góp phần đưa Singapore trở thành cường quốc kinh tế, là nơi giao thoa thương mại quốc tế và cũng là điểm đến du học hàng đầu của sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Đông Nam Á.
Bên cạnh thay đổi phương pháp giáo dục, chất lượng giáo viên cũng được chính phủ Singapore đặc biệt quan tâm. Giáo viên dạy ngôn ngữ được đào tạo chuyên sâu, trả lương hậu hĩnh và nhận nguồn tài trợ dồi dào từ chính phủ. Giáo viên nước ngoài tại Singapore cũng rất được coi trọng và được trả công xứng đáng.
Minh Tran lưu ý, thành công của Singapore trong việc sử dụng tiếng Anh trái ngược với một số quốc gia và vùng lãnh thổ lân cận. Ông lấy ví dụ Nhật Bản, đứng thứ 49 năm 2018, thứ 53 năm 2019 trong bảng xếp hạng EF được xếp vào nhóm sử dụng tiếng Anh ở mức thấp và Hàn Quốc, đứng thứ 31 năm 2018, thứ 37 năm 2019 được xếp vào nhóm sử dụng tiếng Anh ở mức vừa phải. Hai quốc gia này có quy mô dân số và diện tích quốc gia lớn khiến việc đưa tiếng Anh vào giáo dục hoặc giao tiếp hàng ngày gặp khó khăn.
Ngoài ra, Tran nhấn mạnh yếu tố văn hóa cũng ảnh hưởng đến khả năng sử dụng tiếng Anh của người dân. Ở Hàn Quốc, việc tập trung nhiều vào các bài kiểm tra, môi trường học áp lực cao khiến học sinh không thể chuyên tâm học ngoại ngữ.
Tuy nhiên, Tran cho biết vì tập trung nhiều vào tiếng Anh, Singapore đang phải trả giá. Chiến dịch học tiếng Anh của chính phủ năm 2000 bị chỉ trích đàn áp việc sử dụng Singlish (ngôn ngữ trên cơ sở tiếng Anh được dùng ở Singapore) và gây hạn chế đối với những người lớn tuổi sử dụng phương ngữ (như tiếng Quan Thoại, tiếng Malay, tiếng Tamil).
Năm 2018, một học sinh Singapore đã viết thư gửi chính phủ, cho hay: "Cháu tin Singlish là một phần văn hóa của đất nước ta và giúp chúng ta sát lại gần nhau hơn. Vì vậy, chúng ta không nên coi thấp Singlish".
Vấn đề đặt ra cho chính phủ Singapore là thách thức mà một số quốc gia khác đang phải đối mặt, như Ireland, nơi tiếng Anh đang dần thay thế ngôn ngữ bản địa trong đời sống xã hội. Minh Tran kết luận rằng khi thế giới chuyển sang nền tảng đa ngôn ngữ, việc dùng ngôn ngữ mẹ đẻ hay sử dụng tiếng Anh là chưa đủ. Quốc gia sẽ thành công nếu biết cân bằng vấn đề đa ngôn ngữ.
Tú Anh (Theo Quartz, The Pie)