Vì sao Triều Tiên không mạo hiểm đạt thỏa thuận hạt nhân với Mỹ?

Chủ nhật, 14/07/2019 - 07:05

Triều Tiên không dễ dàng đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn hoặc thậm chí giới hạn chương trình hạt nhân của nước này.

Trong bài viết có tiêu đề “Hãy biết điều đó: Triều Tiên không liều lĩnh đạt thỏa thuận hạt nhân với Mỹ”, ông David Axe, chuyên gia quốc phòng của tạp chí National Interest của Mỹ giải thích rất rõ về nhận định này.


Cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Các giả thuyết đặt ra

Trang mạng 38 độ Bắc chuyên giám sát và phân tích dữ liệu về Triều Tiên thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ) mới đây cho biết, có nhiều bằng chứng cho thấy Triều Tiên không quan tâm đến các mối đe dọa trừng phạt của Mỹ.

Sau khi xem xét những hình ảnh chụp từ vệ tinh hồi đầu tháng 6/2019, các nhà phân tích của trang mạng này khẳng định: “Triều Tiên tiếp tục tiến hành các hoạt động nạo vét sông, đặc biệt lưu ý hoạt động đặt ống dẫn kéo dài từ Cơ sở sản xuất đồng vị phóng xạ tới hai tòa nhà kiểu công nghiệp gần đó”. Cũng theo nguồn tin này, Triều Tiên vẫn tiếp tục các hoạt động tại nhà máy làm giàu uranium tại Trung tâm nghiêm cứu khoa học hạt nhân Yongbyon, trong đó có việc điều động nhân viên, các phương tiện, trang thiết bị”.

Trong báo cáo công bố vào tháng 7, một nhà phân tích của trang mạng này nhận xét: “Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ đánh giá cao việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, một hiệp định hòa bình, một thỏa thuận đầu tư và thương mại nhưng họ cũng có những lựa chọn khác”.

Đánh giá này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Donald Trump bước qua đường ranh giới phân cách giữa Hàn Quốc với Triều Tiên, trở thành lãnh đạo Mỹ đầu tiên gặp Chủ tịch Kim Jong Un tại khu phi quân sự (DMZ), hôm 30/6.

Theo nhà phân tích trên, cái bắt tay biểu tượng của Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại DMZ, cũng như hai Hội nghị Thượng đỉnh trước đó, đã góp phần nâng cao vị thế của ông Kim Jong Un, song lại không giúp ích gì trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân Triều Tiên.

“Hiểu sai tình hình Triều Tiên vào thời điểm này là rất nguy hiểm. Nếu các cuộc đàm phán dựa trên giả thuyết rằng Triều Tiên cần một thỏa thuận và họ tin thỏa thuận này chỉ có thể đạt được với Tổng thống Trump thì sẽ rất khó để tin Triều Tiên đưa ra nhượng bộ trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Nếu ông Trump không tái đắc cử thì đó sẽ là một dấu hỏi lớn và cánh cửa cơ hội sẽ khép lại”.

“Giả thuyết thứ hai là Triều Tiên thực sự mong muốn giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt và sẵn sàng đánh đổi vũ khí hạt nhân để tiếp cận các thị trường thương mại thì vẫn có dự đoán rằng, Triều Tiên, giống như một số quốc gia khác trên thế giới, khó có thể đạt được tăng trưởng kinh tế cao nếu Mỹ không muốn điều đó”, chuyên gia của trang 38 độ Bắc giải thích.

Lôgic phía sau cách suy luận này là không một công ty hay quốc gia nào có quy mô đáng kể dám vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc lệnh trừng phạt do Mỹ hậu thuẫn đối với các lĩnh vực thương mại, giao dịch tài chính và chuyển giao công nghệ.

Có thể hưởng lợi từ cuộc đối đầu giữa các nước lớn

Tuy nhiên, cách lập luận như vậy có vẻ không còn đúng trong bối cảnh tình hình địa chính trị đang thay đổi. Triều Tiên có thể trở thành quốc gia tiên phong trong nỗ lực vượt qua các biện pháp trừng phạt.

Từ khi ra đời đến giai đoạn khoảng năm 1990, Bình Nhưỡng đã có thể hưởng lợi rất nhiều từ trật tự thế giới lưỡng cực. Hiện nay, cuộc chiến tranh Lạnh 2.0 đang có nguy cơ xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Với Châu Âu- khu vực phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thương mại tự do, cuộc chiến này sẽ là thảm họa. Nhưng Triều Tiên thì khác. Nước này một lần nữa có thể khai thác lợi ích từ tình huống như vậy. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể hành động giống như ông nội ông, Chủ Tịch Kim Nhật Thành – người mà ngay cả các đối thủ của ông cũng phải công nhận là bậc thầy trong việc giành được sự nhượng bộ từ các đối tác vượt trội hơn về kinh tế lẫn quân sự.

Hơn thế nữa, Triều Tiên, ngay cả trong điều kiện tình hình thế giới biến chuyển phức tạp suốt 3 thập kỷ qua, vẫn tìm cho nước này một đối tác sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ khi cần thiết. Thật khó tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu việc hỗ trợ cho Triều Tiên một lần nữa trở thành vấn đề nguyên tắc cho một cường quốc như trường hợp trước khi Liên Xô tan rã.

Căn cứ vào những giả thuyết và tình hình nêu trên, chuyên gia quốc phòng David Axe cho rằng, Triều Tiên sẽ không dễ mạo hiểm hy sinh chương trình hạt nhân để nhận được những “nhượng bộ mơ hồ” từ phía Mỹ. Điều này sẽ khiến hy vọng về việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân giữa Washington với Bình Nhưỡng ngày càng trở nên xa vời./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo National Interest