Cách làm tương đối khoa học của K-League
Thông thường trong những mùa giải không bị xáo trộn do những yếu tố khách quan, K-League với sự tham dự của 12 đội bóng sẽ được diễn ra trong 38 vòng. Các đội đá vòng tròn 3 lượt (tổng cộng 33 trận) trước khi bước vào loạt 5 trận cuối cùng phân hạng (6 đội dẫn đầu gặp nhau, 6 đội xếp cuối gặp nhau).
Việc bố trí lịch thi đấu như vậy không chỉ giúp các đội có thêm số trận đấu mà còn giúp giải có thêm tính cạnh tranh đến những vòng đấu cuối cùng. Ngoài Hàn Quốc, một số nước ở châu Âu cũng áp dụng thể thức thi đấu này như Scotland, xứ Wales hay Israel.
Cách K-League thay đổi thể thức thi đấu để "ứng phó" với Covid-19 đang được đánh giá khá cao. (Ảnh: AFC).
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, BTC K-League đã quyết định cắt giảm 1 lượt đấu vòng tròn. Các đội sẽ chỉ gặp nhau 2 lượt thay vì 3 lượt như bình thường trước khi bước vào loạt phân hạng. Như vậy, mùa giải sẽ chỉ kéo dài 27 trận thay vì 38 trận như các mùa giải trước. Đây là nước đi hợp lý của BTC K-League để vừa giảm tải số trận đấu, vừa giúp mùa giải diễn ra trong trọn vẹn năm 2020, không kéo dài sang năm 2021.
Liệu V-League có phù hợp để áp dụng cách làm của K-League?
Trước những sự điều chỉnh từ giải đấu của Hàn Quốc, đã có những câu hỏi được đặt ra về việc V-League liệu có thể áp dụng những thay đổi tương tự khi trở lại sau dịch Covid-19 hay không. Thật khó để đưa ra câu trả lời chính xác nhưng vẫn sẽ có những đặc thù riêng của Việt Nam khiến V-League không thể áp dụng "y nguyên" những gì mà K-League đang làm.
Thứ nhất, số lượng đội bóng tham dự V-League hiện đang là 14 (nhiều hơn 2 đội so với K-League). Nếu áp dụng nguyên công thức "tránh dịch" của bóng đá Hàn Quốc, V-League sẽ kéo dài đến 32 vòng chứ không phải 26 vòng như mọi mùa giải trước đây. Số trận đấu sẽ đội lên và đương nhiên rất khó để thực hiện trong bối cảnh chúng ta đang cần phải tính đến việc cắt giảm số trận đấu.
V-League 2020 sẽ trở lại theo phương án nào? (Ảnh: Bảo Long).
Thứ hai, cũng vì số lượng đội dự V-League là 14 nên việc "chia đôi" giải để thành các cặp đấu phân hạng như cách Hàn Quốc đang làm cũng sẽ có những bất cập. Khi đó, mỗi vòng đấu phân hạng sẽ "lẻ" một đội và đó thật sự là điều không hợp lý khi trong lịch sử V-League đã từng chứng kiến không ít những nghi vấn tiêu cực ở thời điểm giải đấu có số đội tham dự là lẻ và có những CLB được nghỉ ở mỗi vòng đấu. Nếu áp dung phương thức như Hàn Quốc, V-League mỗi vòng đấu phân hạng sẽ còn "lẻ" đến 2 đội và đó là điều thật sự hiếm găp ở bóng đá thế giới.
Thứ ba, đã có những ý kiến cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng cách thức của Hàn Quốc nhưng theo phương án "cải tiến". Có nghĩa là các đội V-League sẽ chỉ đá 1 lượt sau đó bước ngay vào vòng đấu phân hạng với 6 đội dẫn đầu đá vòng tranh chức vô địch và 8 đội xếp cuối cạnh tranh vé trụ hạng. Đây là ý tưởng có thể coi là tương đối khả thi khi chúng ta vừa có thể cắt giảm số trận đấu, vừa có thể đem đến sự cân bằng tương đối cho các đội dự giải.
Tuy nhiên khi đó sẽ có những vấn đề về số trận sân nhà mà mỗi đội được thi đấu trong mùa giải. Việc mùa giải thông thường chỉ đá 1 lượt (13 vòng đấu) khiến số trận sân nhà của các đội sẽ khác nhau, có đội được đá 7 trận sân nhà và có đội chỉ có 6. Liệu CLB chỉ có 6 trận sân nhà sẽ chấp nhận thiệt thòi để giải đấu về đích an toàn hay không vẫn là câu hỏi không dễ để giải đáp.
Chính vì thế, mọi giải pháp lúc này đều chỉ mang phương án tình thế và chắc chắn sẽ khó có phương án nào hoàn hảo nếu ngày hoãn V-League tiếp tục kéo dài, ngay cả khi đó là phương án được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng. Hãy cùng chờ vào "tài xoay xở" của ban điều hành giải để V-League có thể được tiếp tục theo cách "ít ảnh hưởng nhất" đến các CLB./.
Trần Tiến/VOV