VIB lên kế hoạch tăng vốn lên 34.000 tỷ đồng bằng cách nào?

Thứ ba, 04/03/2025 - 07:12

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 34.000 tỷ đồng trong năm 2025 thông qua hai đợt phát hành cổ phiếu thưởng.

VIB lên kế hoạch tăng vốn lên 34.000 tỷ đồng bằng cách nào?- Ảnh 1.

VIB lên kế hoạch tăng vốn vượt 34.000 tỷ đồng trong năm 2025.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã: VIB) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 (ĐHĐCĐ), dự kiến tổ chức vào sáng ngày 27/3 tới đây. Theo kế hoạch, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 11.020 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với kết quả đạt được năm 2024, đồng thời kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Tại ĐHĐCĐ sắp tới, VIB sẽ trình cổ đông thông qua phương án trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2024. Theo đó, ngân hàng dự kiến chia cổ tức tiền mặt tối đa 7% và ủy quyền cho HĐQT thực hiện các công việc liên quan đến chi trả cổ tức.

Bên cạnh đó, VIB cũng sẽ trình kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng thông qua hai hình thức: phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ tối đa 14% và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ tối đa 0,26%. Kế hoạch tăng vốn này nhằm củng cố tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng dài hạn của ngân hàng.

Năm 2024, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 22%, cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Tổng tài sản của VIB đạt hơn 493.000 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Tổng doanh thu của VIB đạt 20.570 tỷ đồng, giảm 7% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận hơn 9.000 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc lãi suất điều chỉnh theo xu hướng thị trường và ngân hàng tiếp tục gia tăng đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số.

Dù vậy, biên lãi ròng (NIM) vẫn giữ ở mức 3,8%, nhờ chiến lược tối ưu chi phí vốn và tăng thu nhập ngoài lãi.

Một điểm tích cực trong kết quả kinh doanh của VIB là thu nhập ngoài lãi tăng 6% so với năm trước, chiếm 19% tổng doanh thu. Điều này cho thấy ngân hàng đang đa dạng hóa nguồn thu, giảm phụ thuộc vào lãi suất cho vay.

Trong cập nhật mới nhất về danh sách cổ đông lớn tại VIB tính đến ngày 28/2/2025, đã xuất hiện một pháp nhân mới là Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) – thành viên phụ trách mảng chứng khoán của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Theo đó, ACBS hiện nắm giữ hơn 29,85 triệu cổ phiếu VIB, tương đương hơn 1% vốn điều lệ của ngân hàng. Ngoài ra, cá nhân có liên quan đến ACBS cũng sở hữu 995.454 cổ phiếu, nâng tổng số cổ phần của nhóm này lên hơn 30,85 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 1,035% vốn điều lệ.

Trước đó, vào tháng 8/2024, VIB công bố danh sách 18 cổ đông lớn (sở hữu trên 1% vốn điều lệ), trong đó có 13 cá nhân và 5 tổ chức, với tổng số cổ phần nắm giữ lên tới 1.854 triệu cổ phiếu, chiếm hơn 73% vốn điều lệ của ngân hàng. Một số cổ đông lớn đáng chú ý gồm ông Đặng Khắc Vỹ – Chủ tịch HĐQT VIB, hiện nắm giữ 125 triệu cổ phiếu, tương đương 4,949% vốn, trong khi nhóm người có liên quan đến ông sở hữu hơn 15,316%, tương đương hơn 388 triệu cổ phần của VIB. Một cổ đông cá nhân khác, bà Hoàng Vân Anh, cũng xuất hiện trong danh sách cổ đông lớn của VIB từ ngày 12/11/2024 với 91,5 triệu cổ phần, tương đương 3% vốn ngân hàng, trong khi người có liên quan sở hữu hơn 0,2% vốn điều lệ.

Anh Mai