TNV - Bức tranh về nền kinh tế toàn cầu đã trải qua một năm đầy biến động với “gam màu tối” là chủ đạo do ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch Covid-19. Tháng 12 năm 2020, vắc – xin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 ra đời giúp kiểm soát đại dịch và khôi phục hoạt động kinh tế. Kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể.
Trong lĩnh vực lao động việc làm, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhận định thị trường lao động việc làm đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu phục hồi sau những gián đoạn chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020. Tuy nhiên, sự tác động tiêu cực của đại dịch vẫn còn đang tiếp diễn. Báo cáo tác động Covid-19 của tổ chức này đưa ra số liệu mới nhất cho thấy số giờ làm việc toàn cầu năm 2020 đã sụt giảm 8,8% so với quý 4 năm 2019. Mức độ sụt giảm này bao gồm cả số giờ làm việc bị giảm của những người vẫn có việc làm và những người bị mất việc. Đáng lưu ý, khoảng 71% số người bị mất việc (tương đương 81 triệu người) quyết định rời bỏ thị trường lao động thay vì đi tìm công việc khác và trở thành người thất nghiệp. Những thiệt hại vô cùng lớn này khiến thu nhập từ lao động trên toàn cầu giảm 8,3%, tương đương với 3,7 nghìn tỷ đô la Mỹ hay 4,4% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Đào tạo nghề được xem là giải pháp căn cơ hiện nay để giải quyết việc làm cho thanh niên miền núi.
Ở trong nước, dịch Covid-19 bùng phát ở một số địa phương vào những ngày giáp Tết Nguyên đán năm nay đã tác động đến tình hình lao động, việc làm của cả nước và ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý I. Kết quả điều tra lao động việc làm quý I năm 2021 ghi nhận số người tham gia thị trường lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Thu nhập của người lao động tăng nhưng tốc độ tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ trước khi có dịch.
Thực trạng lao động- nghề nghiệp của thanh niên
Mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động việc làm trong nước, nhưng trong quý I năm 2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 trong đó nam giới chiếm 51,0% và số người trong độ tuổi từ 25 đến 54 chiếm gần hai phần ba.
Trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.
Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6% lao động khu vực thành thị còn bị ảnh hưởng, trong khi đó con số này ở nông thôn là 10,4%.Nhóm lao động thất nghiệp chịu tác động mạnh mẽ nhất khi 36,3% trong số họ vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực, tiếp đó là lao động có việc làm (15,5%), chỉ có 4,3% lao động không hoạt động kinh tế còn chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch này.
Sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch Covid-19 làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020 đồng thời khiến nhiều người lao động, đặc biệt phụ nữ trở thành lao động có việc làm phi chính thức
Trong quý I năm 2021, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, giảm 959,6 nghìn người so với quý trước và giảm 177,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới (tương ứng là giảm 491,5 nghìn người và 713,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước).
Giới thiệu việc làm cho thanh niên luôn được các cấp bộ Đoàn quan tâm.
Những năm gần đây chất lượng lao động thanh niên có nhiều thay đổi, theo hướng tỷ lệ thanh niên được đào tạo, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, tay nghề ngày càng nâng cao, dần tiệm cận được yêu cầu của khu vực và quốc tế. Công tác đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, hướng nghiệp cho thanh niên được đẩy mạnh. Hoạt động giáo dục, đào tạo được phát triển và đa dạng hóa về loại hình. Bên cạnh hệ thống các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học công lập, còn mở rộng phát triển các trường dân lập, qua đó giúp thanh niên có nhiều cơ hội được học tập. Mỗi năm có hàng trăm nghìn sinh viên hệ cao đẳng và đại học tốt nghiệp, bổ sung cho lực lượng lao động xã hội.
Nhiều chính sách cải cách, đổi mới trong nước tiếp tục phát huy hiệu quả như: Chính sách đất đai, tín dụng, cải cách bộ máy hành chính giúp cho môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, cùng những tác động tích cực từ Hiệp định Thương mại đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế, kéo theo việc làm tăng mạnh tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động thanh niên và các thành phần lao động khác trong xã hội. Cụ thể, việc triển khai các Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chương trình phát triển công nghiệp, dịch vụ; Chương trình xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao và các dự án kinh tế trọng điểm, đã góp phần đáng kể giải quyết việc làm cho lao động trẻ. Hàng năm, các chương trình, dự án này đã giải quyết việc làm cho 1,2 triệu lao động.
Mặt khác, nhiều mô hình, cách làm hiệu quả trong giải quyết việc làm cho thanh niên đã được các cấp, các ngành quan tâm như: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành cho thanh niên và sinh viên; phối hợp với địa phương và nhà trường hay các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, các trung tâm dịch vụviệc làm tổ chức tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, học sinh, sinh viên. Đặc biệt, những thanh niên là bộ đội, công an xuất ngũ luôn được ưu tiên tuyển chọn tham gia các chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao (như Nhật Bản, Hàn Quốc)... Việc hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm tiếp tục phát huy hiệu quả với doanh số cho vay hàng năm từ 2.200-2.500 tỷ đồng. Quỹ đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100 nghìn lao động, chủ yếu ở khu vực nông thôn, trong đó, khoảng 50% là lao động thanh niên.
Ngoài ra, nguồn vốn cho vay theo kênh Trung ương Đoàn quản lý cũng hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 5 nghìn lao động thanh niên. Việc triển khai các mô hình thanh niên hỗ trợ nhau lập thân, lập nghiệp để phát triển sản xuất do đoàn thanh niên các cấp phát động đã đạt được kết quả tích cực. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ thanh niên về hướng nghiệp việc làm. Tháng 10/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ phê duyệt quyết định đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên; đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; tạo môi trường thúc đẩy ý tưởng các dự án khởi nghiệp. Mục tiêu đề án đặt ra đến năm 2020, 100% các trường cao đẳng, đại học, trung cấp phải có kế hoạch hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; 90% các trường sẽ có kế hoạch cụ thể đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng khởi nghiệp; 70% các trường đại học và 50% các trường trung cấp phát triển và hiện thực hóa 2 dự án khởi nghiệp.
Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp trong thanh niên tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế nước ta. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hàng năm, cả nước có khoảng 700-800 nghìn sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học có nhu cầu tìm kiếm việc làm nhưng gặp nhiều khó khăn, trong đó có khoảng 200 nghìn người có trình độ từ cao đẳng, đại học thất nghiệp, chủ yếu trong các khối ngành kinh tế, xã hội.
Cũng theo Tổng cục thông kê,tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo (viết gọn là tỷ lệ NEET, từ tiếng Anh là Youth not in employment, e duca tion or training) trong quý I năm 2021 là 16,3%, tương đương với gần 2 triệu thanh niên; tăng 0,9 điểm phần trăm tương đương với 51,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ NEET ở khu vực thành thị, nông thôn, nam, nữ đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc tìm kiếm việc làm cũng như học tập của thanh niên, làm tỷ lệ NEET tăng lên.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng Quý I năm 2021 của khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (5,0% so với 4,9%), của lao động nam cao hơn lao động nữ (5,2% so với 4,6%). Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người dưới 35 tuổi (53,2%), trong khi đó lực lượng lao động dưới 35 tuổi chỉ chiếm 36%. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ và trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện, việc nghiên cứu các chính sách để tận dụng nhóm lao động này càng trở nên cần thiết.
Nhìn chung, Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, nhất là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Việc nâng cao chất lượng lao động và giải quyết việc làm cho thanh niên vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ cấu đào tạo lao động thanh niên chưa hợp lý, chưa có sự phân luồng giữa các ngành nghề dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Công tác đào tạo chưa gắn với nhu cầu thị trường lao động. Hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, sinh viên chưa hiệu quả. Công tác dự báo thị trường lao động còn hạn chế. Thanh niên và sinh viên ra trường còn thiếu các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc thực tế tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số chính sách ưu đãi về việc làm cho thanh niên ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa thực sự hấp dẫn. Thiếu nguồn lực thực hiện hệ thống chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên.
Giải pháp tạo việc làm cho thanh niên thời gian tới
Nhìn chung, những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý I năm 2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam và cả lao động trẻ nói riêng trong thời gian qua. Những khó khăn này là thách thức rất lớn đối với các nỗ lực của Chính phủ trước chủ trương hoàn thành tốt mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế vừa chiến thắng đại dịch.Trong tình hình này, chúng ta cần có một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường.
Thứ nhất,tích cực nghiên cứu triển khai ngay việc cấp hộ chiếu vaccine, xây dựng các tiêu chí cần thiết để mở cửa thị trường du lịch quốc tế để giúp ngành dịch vụ nói chung và ngành du lịch nói riêng không bỏ lỡ cơ hội để phục hồi và phát triển. Các ngành này phát triển sẽ thu hút lượng lớn lao động tham gia mà chủ yếu là lứa tuổi thnah niên, góp phần tận dụng tốt hơn tiềm năng sẵn có của lao động trẻ.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện chính sách giáo dục, đào tạo cho thanh niên, giúp thanh niên có điều kiện được học tập nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, kỹ năng quản lý, kiến thức thị trường để có cơ hội lựa chọn nghề phù hợp. Khuyến khích việc tổ chức đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; chú ý đào tạo nghề công nghiệp, dịch vụ cho thanh niên, học sinh mới tốt nghiệp phổ thông, đặc biệt với học sinh nông thôn, nhằm giúp họ chuẩn bị điều kiện chuyển nghề sang lĩnh vực phi nông nghiệp.
Thứ ba, tập trung vào các dự án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, dự án phát triển thị trường lao động và việc làm; đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp qua Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác; nâng cao chất lượng, tăng số lượng lao động trẻ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên.
Nâng cao năng lực dự báo nhu cầu lao động theo ngành, nghề làm cơ sở, định hướng đào tạo cho thanh niên; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, cập nhật và phổ biến thông tin thị trường lao động.Bốn là, đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với việc làm; chú trọng xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
An Hiếu