Nông dân rủ nhau thành lập Câu lạc bộ hát dân ca đầu tiên của huyện, của tỉnh
Câu lạc bộ hát dân ca Tày hay còn gọi là Câu lạc bộ hát khắp cọi xã Mường Lai được thành lập tháng 8/2022 với 22 thành viên và hiện nay đang có 34 thành viên tham gia. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Câu lạc bộ (CLB) đã tham gia biểu diễn hàng chục lượt trong xã, trong huyện và nhiều địa phương khác ngoài huyện, ngoài tỉnh; làm khởi sắc rõ rệt đời sống văn hóa tinh thần cho bà con nhân dân trong xã, trong huyện; mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân trong xã.
Điều đáng nói, đây không chỉ là CLB hát dân ca truyền thống đầu tiên của huyện, của tỉnh, góp công đầu trong việc khơi nguồn khôi phục, bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa dân tộc cũng như cổ vũ việc thành lập nhiều CLB hát dân ca ở các địa phương khác trong huyện, trong tỉnh. Mà đặc biệt hơn, khi CLB được thành lập một cách tự phát do chính những người nông dân yêu làn điệu dân ca trong xã rủ nhau dóng dựng.
Bà Nông Thị Kiệm (Chủ nhiệm CLB) cho biết, sau hơn 2 năm hoạt động, CLB đã sưu tầm và luyện tập thành thạo hàng trăm bài hát thuộc các làn điệu hát then, khắp cọi, hát ru, hát bụt, phong slư, vỉ quan làng, cùng các tiết mục tấu sáo, múa hát dậm thuông,... mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày; đồng thời duy trì sinh hoạt và tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện lớn của huyện, của tỉnh. "Nhiều người từ chỗ tỏ ra không mặn mà, thậm chí bỏ ra về mỗi khi CLB biểu diễn, đến nay đã thu hút được đông đảo nhân dân trong xã, huyện quan tâm yêu mến" – bà Kiệm phấn khởi nói.
Đáng chú ý, nhờ sự tiếp sức của CLB, trường TH&THCS xã Mường Lai đã thành lập được Câu lạc bộ khắp cọi, thu hút hơn 50 học sinh tham gia và trở thành trường học đầu tiên của huyện Lục Yên thành lập được CLB hát dân ca. Qua đó, vừa tạo sân chơi, môi trường học tập bổ ích, lành mạnh, vừa giúp các thế hệ học sinh có điều kiện tiếp cận, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Dùng tre làm cột điện thắp sáng đường quê
Không trông chờ ỷ lại vào nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, vào đóng góp của Nhân dân, các hộ dân ở thôn 6 đã chủ động dùng những cây tre có sẵn của địa phương làm cột điện thắp sáng đường quê. Đây là những khu vực dân cư sinh sống thưa thớt, rải rác, nằm tách biệt trung tâm của thôn/xã.
Ông Hoàng Văn Dầu - Bí thư chi bộ thôn 6 - cho hay, do chưa có đủ kinh phí để làm cột bê tông cốt thép, nên bà con thống nhất dùng cột tre để kéo điện thắp sáng các tuyến đường trong thôn, giúp nhân dân đi lại thuận lợi nhất là vào buổi tối và góp phần giữ gìn an ninh thôn, xóm.
Theo vị trưởng thôn 6 – Nông Văn Chuẩn, khi thống nhất chủ trương dùng cột tre rất nhiều hộ dân đã hăng hái góp tre ủng hộ, tiêu biểu nhất là hộ Nông Văn Chính. Đặc biệt ngày dựng cột kéo điện, được sự giúp sức của lực lượng đoàn viên trong xã, của đông đảo bà con nên tuyến đường điện bằng cột tre đầu tiên ở xóm Khuổi Đâu dài gần 1,2 km và 0,6 km ở xóm Khuổi Đắng đã không mất chi phí dựng cột, tiết kiệm được đáng kể kinh phí đóng góp cho bà con.
Hiện cả thôn mới có 2/5 tuyến đường được kéo điện thắp sáng với chiều dài khoảng 2,4 km, trong đó chỉ có 0,6 km là có cột bê tông cốt thép còn lại 1,8 km (chiếm 3/4 chiều dài) đều dùng cột tre kéo điện. "Dự kiến trong tháng 9/2024, thôn 6 sẽ tổ chức thi công tiếp 2 tuyến đường ở xóm Khảnh và xóm Điệu có chiều dài gần 1,2 km cũng bằng cột tre", Bí thư Dầu vui mừng bật mí.
Sáng kiến dùng hàng rào xanh thân thiện môi trường
Cũng chính từ bài toán tiết giảm kinh phí gắn với phát huy nội lực và xây dựng môi trường xanh, Đảng ủy – chính quyền và nhân dân xã đã nảy ra sáng kiến dùng hàng rào xanh thay cho tường rào xây. Theo đó, tại 10/12 nhà văn hóa thôn thuộc xã Mường Lai hiện đang hoạt động, đã có hàng nghìn mét tường rào quây xung quanh khuôn viên nhà văn hóa thôn được bà con triển khai thực hiện bằng việc trồng cây xanh. Hai nhà văn hóa còn lại: một đang xây dựng, một mới hoàn thành – đều sẽ được trồng hàng rào xanh vào mùa xuân tới.
Hôm chúng tôi đến thăm nhà văn hóa thôn 4 vào một ngày hè nắng chói chang. Khoảnh sân bê tông rộng mấy trăm mét hắt nắng nóng hầm hập làm lóa mắt. Nhưng may thay, nhờ có hàng rào xanh đang trổ hoa lác đác viền quanh làm cho khuôn viên nhà văn hóa thôn trở mềm mại và dịu mắt đi rõ rệt.
Ông Mai Thanh Đôn (trưởng thôn 4) mừng rỡ kể, sau khi thống nhất chủ trương làm hàng rào xanh đông đảo bà con đã phấn khởi mang các loại cây xanh đến góp với thôn để trồng. "Quần chúng trong thôn thì trồng cây râm bụt, các đảng viên thì trồng cây hoa mẫu đơn, cau ta, muồng hoa,.. Gia đình bí thư chi bộ và trưởng thôn còn trồng thêm 2 cây hoa giấy cho leo lên cổng ra vào để nhà văn hóa thêm đẹp mắt và tươi mát hơn nhất là vào những ngày hè" – ông Đôn nhớ lại với gương mặt rạng rỡ niềm vui.
Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lai - Hoàng Thị Hà - sáng kiến dùng hàng rào xanh đã giúp cho địa phương tiết kiệm được đáng kể chi phí, tạo cảnh quan đẹp và môi trường xanh thân thiện, do vậy ngày nào cũng thu hút được các tầng lớp nhân dân kéo về sinh hoạt thể dục thể thao, đi bộ vãng cảnh làng quê, đồng lúa. Đặc biệt hơn trong xã đã xuất hiện nhiều gia đình dùng hàng rào xanh thay cho tường rào xây, làm nên những con đường xanh, những nếp nhà đẹp và nét quê thanh bình, duyên dáng.
Phát triển nghề đan lát thủ công, thu hút khách du lịch
Trước đây hầu như gia đình nào cũng tự đan lát các vật dụng thiết yếu để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng đã nhiều năm nay nghề này mai một do cạnh tranh của các sản phẩm làm từ nhựa, hợp kim,.. Bởi yêu thích các sản phẩm đan lát thủ công truyền thống của dân tộc Tày mình, nên chị Ninh Thị Hoa (thôn 4) vẫn âm thầm lưu giữ, dành thời gian nông nhàn chú tâm vào đan lát để làm ra các vật dụng cho gia đình và bán cho một số bà con còn yêu thích.
Sau mấy dịp được xã tạo điều kiện tham gia trưng bày sản phẩm tại các sự kiện lễ hội do xã, do huyện tổ chức, thấy khách du lịch từ một số thành phố đặt mối tiêu thụ thường xuyên, chị nảy ra ý tưởng thành lập tổ hợp tác đan lát thủ công truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng ở các thành phố, tạo thêm thu nhập cho một số bà con hàng xóm già cả, bệnh tật, ốm yếu,... không bươn bả công việc nặng nhọc hay đi làm ăn xa được.
Hiện tổ hợp tác có 10 thành viên, mỗi tuần xuất về Hà Nội tiêu thụ khoảng 100 sản phẩm các loại, gồm làn tế, vỏ dao, giỏ cá, sọt, cơ trầu, nón mê,.. với trị giá 5 – 6 triệu/tuần. Ngoài ra chị còn nhanh nhạy bán hàng trên Tictok, Zalo,.. từ nhiều năm trước khi thành lập tổ hợp tác, đưa sản phẩm đan lát thủ công của xã đến nhiều tỉnh thành trong cả nước; mang lại niềm vui với công việc, cải thiện đời sống cho các thành viên, vừa góp phần bảo tồn và hứa hẹn tương lai phát triển nghề đan lát thủ công gắn với phát huy thế mạnh nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường, dồi dào sẵn có của địa phương.
Từ thực tiễn phong trào xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương, thiết nghĩ cả 4 câu chuyện ở trên không chỉ là những việc làm hay, cách làm mới, mang tính tiên phong, đột phá, giàu sức lan tỏa để các địa phương khác tham khảo làm theo, mà còn khẳng định phẩm chất đẹp của đồng bào Tày ở một xã vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn nhưng tinh thần tự giác, chủ động sáng tạo rất cao, nhanh nhạy nắm bắt và biết phát huy thế mạnh, nội lực sẵn có của địa phương theo hướng bền vững, thân thiện môi trường để xây dựng quê hương hạnh phúc.
Xã Mường Lai được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Hiện xã đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025, có 02/12 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 10/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và thực hiện xây dựng thành công 01 sản phẩm đạt sao OCOP.
Đặc biệt, xã Mường Lai còn là điểm sáng của huyện về phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Trong 12 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong xã hiến 37.599,6 m2 đất, 8.974 cây cối các loại và trên 22.000 ngày công lao động để mở rộng các tuyến đường liên xã, liên thôn, tiêu biểu là tuyến đường Mường Lai - Đồng Yên (Bắc Quang - Hà Giang).
Phạm Quỳnh