TNV - Ngày 25/11/2019, Việt Nam đã cùng 192 quốc gia thành viên của UNESCO cùng thông qua Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở (TNGDM) của UNESCO, điều này đã khẳng định TNGDM là một xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay, nhất là trong thời kỳ hậu COVID-19.
TNGDM là 1 trong 5 thành phần cơ bản của Kiến thức Khoa học Mở.
Để đi tới được sự đồng thuận thông qua Khuyến nghị TNGDM của thế giới, phong trào TNGDM đã trải qua một bước chuẩn bị khá dài gần 20 năm, khi UNESCO lần đầu tiên đưa ra khái niệm TNGDM tại Diễn đàn TNGDM toàn cầu lần thứ nhất vào năm 2002.
TNGDM rất cần thiết trong giáo dục đại học
Theo định nghĩa của UNESCO, TNGDM là các tư liệu học, dạy và nghiên cứu ở bất kỳ định dạng và phương tiện nào mà nằm trong phạm vi công cộng hoặc theo bản quyền mà đã được phát hành với một giấy phép mở, cho phép những người khác không mất chi phí để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy biến thích nghi và phân phối lại các tư liệu giáo dục.
Khuyến nghị của UNESCO đã chỉ ra, việc lồng ghép TNGDM vào để giúp cho tất cả các quốc gia thành viên tạo ra các xã hội tri thức bao hàm toàn diện và đạt được Chương trình nghị sự Phát triển Bền vững 2030, đó là Giáo dục chất lượng; Bình đẳng giới; Công nghiệp, đổi mới sáng tạo và hạ tầng; Giảm bất bình đẳng bên trong và xuyên khắp các quốc gia; Hòa bình, các thể chế công bằng và mạnh mẽ; Quan hệ đối tác vì các mục tiêu.
Tích hợp TNGDM trong Khung năng lực số cho các tổ chức giáo dục.
Bên cạnh đó, UNESCO cũng khẳng định Khoa học Mở cũng là xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay, với TNGDM là 1 trong 5 thành phần không thể thiếu của kiến thức Khoa học Mở; đồng thời, khuyến nghị các quốc gia tiếp tục ứng dụng và phát triển TNGDM để đạt được nhiều lợi ích tiềm tàng như giúp gia tăng sự truy cập tới các tài nguyên nghiên cứu và giáo dục khoa học mở, cải thiện các kết quả đầu ra học tập, tối đa hóa tác động của việc cấp vốn nhà nước và trao quyền cho các nhà giáo dục, những người học để trở thành các nhà đồng sáng tạo kiến thức…
Mặt khác, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2020 đã làm thay đổi mọi mặt trong đời sống kinh tế và xã hội, trong đó, giáo dục là một trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung. Và một lần nữa, TNGDM, nhất là ở dạng kỹ thuật số và kiến thức Khoa học Mở cùng với tiếp cận hướng tới học tập suốt đời, đã trở thành một định hướng tương lai đúng đắn của nền giáo dục đến năm 2050.
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Hiện trạng ứng dụng và phát triển TNGDM ở Việt Nam cho tới nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, rất cần sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị, các ngành, các cấp.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành có liên quan nhằm làm rõ cơ sở pháp lý liên quan đến một số nội dung quan trọng trong Đề án Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học.
Một là, hầu hết các tài nguyên giáo dục của Việt Nam có sẵn trên trực tuyến, hiện đều không phải là TNGDM theo định nghĩa của UNESCO được nêu trong Khuyến nghị TNGDM năm 2019.
Hai là, rất ít hoặc chưa có hoạt động nào được triển khai theo 5 lĩnh vực hành động được nêu trong Khuyến nghị TNGDM của UNESCO năm 2019.
Ba là, số lượng cán bộ, giảng viên của một số trường đại học, cao đẳng cả nước được tham gia các khóa thực hành khai thác TNGDM còn khá khiêm tốn.
Bốn là, hiện chưa có một khung pháp lý vững chắc để có thể thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc phát triển nguồn TNGDM trong giáo dục đại học ở nước ta.
Năm là, nhận thức về những lợi ích của việc xây dựng nguồn TNGDM có lúc, có nơi chưa được đầy đủ và đồng bộ.
Sáu là, nước ta hiện chưa có hệ thống chính sách riêng nhằm khuyến khích phát triển Giáo dục Mở và TNGDM, đặc biệt là ở mức quốc tế.
Giải pháp phát triển TNGDM tại Việt Nam
Khuyến cáo về TNGDM của UNESCO sẽ hỗ trợ phát triển và chia sẻ các tư liệu dạy và học được cấp phép mở, làm lợi cho các sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu khắp toàn cầu.
Để chủ trương xây dựng TNGDM trong giáo dục đại học được triển khai thuận lợi và hiệu quả, cần thực hiện các nhóm giải pháp tổng hợp, có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, từ những kinh nghiệm thế giới, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai mô hình xây dựng TNGDM, tuy nhiên, cần xây dựng một khung pháp lý vững chắc để có thể thực hiện đồng bộ, hiệu quả, trong bối cảnh thế giới đang hướng tới Giáo dục Mở và Khoa học Mở.
Thứ hai, cần khoanh vùng phạm vi TNGDM trong giáo dục đại học, để quy trình đưa tài nguyên lên đơn giản, ít thủ tục nhưng phải đảm bảo chất lượng về mặt chuyên môn, đảm bảo yêu cầu của ngành Giáo dục, đáp ứng nhu cầu người học và có sự kiểm soát quản lý của Nhà nước.
Thứ ba, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định nhằm chi tiết hóa phạm vi, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn… của mô hình nguồn TNGDM trong giáo dục đại học.
Thứ tư, thông qua việc xây dựng nguồn TNGDM, cần thực hiện đồng bộ với việc xác định các khung năng lực số, để mọi công dân, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần trong xã hội đều có đủ các năng lực số cần thiết.
Thứ năm, tiếp tục tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về những lợi ích của Giáo dục Mở và Cấp phép Mở, với nền tảng cơ bản là TNGDM, để gia tăng sử dụng lại, sao cho truy cập tới giáo dục công bằng xã hội sớm trở thành hiện thực.
Thứ sáu, xây dựng cơ chế riêng nhằm khuyến khích phát triển chính sách Giáo dục Mở và TNGDM ở mức quốc tế và xây dựng các chiến lược triển khai hiệu quả ở các mức địa phương, quốc gia, quốc tế để hỗ trợ phù hợp với đặc thù của từng cơ sở.
Thứ bảy, hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng các tài nguyên học tập là tùy chỉnh được và dễ dàng kết nối, thích nghi, truy cập và được hỗ trợ với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Thứ tám, tiếp tục làm việc, hợp tác, học hỏi kinh nghiệm với các cơ sở châu Âu và các tổ chức khác để triển khai việc xây dựng nguồn TNGDM ở Việt Nam được nhanh chóng và đạt chất lượng cao.
Tuy việc xây dựng mô hình nguồn TNGDM là vấn đề rất mới ở Việt Nam, nhưng đây là xu thế không thể đảo ngược của thế giới ngày nay, đặc biệt, thường được tích hợp trong các khung năng lực số, nhất là cho các thư viện, các cán bộ thư viện, các thủ thư, bên cạnh các năng lực và các kỹ năng khác, nhằm thực hiện thành công mục tiêu để nhiều người tiếp cận, sử dụng những học liệu, tài nguyên có chất lượng, với chi phí thấp nhất, góp phần hình thành nên một xã hội học tập, tiến tới xây dựng thành công chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Nguyễn Đức Trung
Nguyễn Thảo Hương