Kho dự trữ đã cạn kiệt đáng kể sau khi cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine để chiến đấu với Nga, Mỹ và các thành viên khác của NATO như Pháp và Đức đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Kiev.
Bên cạnh đó, lãnh đạo của những nước này, đặc biệt là Tổng thống Mỹ Joe Biden, đang phải đối mặt với các rào cản chính trị trong nước trong việc đáp ứng danh sách mong muốn dài vô tận của Ukraine.
Tổng thống Ukraine Zelensky dường như đã nhận ra thực tế này và Kiev phải chuẩn bị “Kế hoạch B” cho chính mình.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký tên lên tên lửa hành trình SCALP do Pháp viện trợ. Nguồn: Văn phòng Tổng thống Ukraine
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với tạp chí Economist, ông Zelensky nói về “sức mạnh của chính Ukraine”. Mặc dù vẫn lạc quan rằng cuối cùng Mỹ sẽ vẫn tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự , nhưng ông cho hay Ukraine cũng đang xây dựng cơ sở sản xuất của riêng mình trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung từ phương Tây.
“Đó là thông điệp mà ông Zelensky đã nhắc đến trong bài phát biểu Năm mới. Ông đang đề nghị chính phủ Mỹ cấp giấy phép cho Ukraine sản xuất nhiều loại vũ khí, từ hệ thống pháo binh, tên lửa cho đến phòng không như một phần của Kế hoạch B”, tạp chí Economist tiết lộ.
“Kế hoạch B” của Ukraine
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 và Ukraine trở thành một quốc gia độc lập, Kiev đã thừa hưởng gần 30% ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Xô. Các nhà máy của Ukraine từng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như trong việc sản xuất và bảo trì các hệ thống vũ khí của Liên Xô, bao gồm tên lửa, xe tăng, động cơ máy bay và các thiết bị cho ngành công nghiệp vũ trụ.
Nhưng khi công nghệ thời Liên Xô mất đi ưu thế, khách hàng trên thị trường quốc tế ngày càng ít đi. Xuất khẩu quốc phòng của Ukraine chỉ giới hạn ở Nga. Điều này đã chấm dứt khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào đầu năm 2022, ông Zelensky đã nỗ lực cải cách ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine, vốn phụ thuộc vào công nghệ lạc hậu và thiếu nhiều nhân lực có tay nghề cao.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine bị ảnh hưởng bởi nạn tham nhũng và sự can thiệp chính trị. Mục tiêu của ông Zelensky trong việc tái cơ cấu tập đoàn quốc phòng nhà nước Ukroboronprom (UOP) với các quy tắc thân thiện với doanh nghiệp và việc thực hiện chúng một cách minh bạch vẫn chưa hoàn thành.
Tuy nhiên, đã có một số thay đổi tích cực ở Ukraine kể từ khi xung đột với Nga bùng phát. Nhiều nhóm tình nguyện, công ty khởi nghiệp được thành lập để phát triển các công cụ và thiết bị cần thiết cho lực lượng vũ trang, chẳng hạn như đạn cối và pháo binh, máy bay không người lái, xe bọc thép và tên lửa.
Theo ông Oleksandr Kamysyhin, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp chiến lược Ukraine, khoảng 500 công ty trong ngành công nghiệp quốc phòng nước này đang tham gia sản xuất vũ khí cho quân đội. Trong số đó có 70 nhà máy thuộc sở hữu nhà nước, hơn 200 nhà máy tư nhân sản xuất hệ thống không người lái và hơn 200 công ty tư nhân sản xuất các loại vũ khí và đạn dược.
Theo ông Kamyshin, ngành công nghiệp vũ khí Ukraine đã tăng trưởng hàng chục, thậm chí hàng trăm lần vào năm 2023 so với một năm trước đó ở một số phân khúc. Sản lượng đạn pháo đã tăng 20 lần trong 10 tháng qua và sản lượng xe bọc thép đã tăng gấp 5 lần trong cùng thời kỳ.
Thừa nhận rằng nhiều nước đã cạn kiệt nguồn dự trữ và khó có thể viện trợ thêm cho Ukraine, ông Kamyshin cho hay Kiev hiện đang tìm kiếm “các hình thức hợp tác khác, bao gồm cả việc cùng sản xuất vũ khí”.
Hơn 60 công ty đã ký thỏa thuận trở thành một phần của “Liên minh các ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine”. Các công ty này chủ yếu đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng 11/2023, ông William LaPlante, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm cho biết: “Chúng tôi đang bắt đầu chuyển sang xây dựng lại hoặc xây dựng mới một cơ sở công nghiệp bên trong Ukraine”.
Giải pháp cho cả Ukraine và phương Tây?
Những diễn biến nêu trên cho thấy thực tế: xung đột ở Ukraine sẽ còn kéo dài và sự hỗ trợ mà Mỹ và các đồng minh NATO khác dành cho Ukraine đã làm cạn kiệt kho dự trữ của chính họ đến mức đáng lo ngại. Dư luận các nước phương Tây đặt câu hỏi liệu họ có còn đủ số lượng vũ khí trong kho để phục vụ việc huấn luyện và thực hiện các kế hoạch chiến tranh trong trường hợp xảy ra xung đột mà chính họ có liên quan trực tiếp hay không.
“Kế hoạch B” của ông Zelensky có thể là giải pháp cho tất cả các vấn đề đó.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có nhiều thách thức đối với Kế hoạch B của Ukraine, trong đó có 2 vấn đề đặc biệt đáng chú ý. Vấn đề đầu tiên là yếu tố bảo mật. Các dây chuyền sản xuất ở Ukraine rất dễ bị Nga tấn công. Các khoản đầu tư hàng triệu USD của phương Tây có thể tiêu tan chỉ trong một cuộc tập kích.
Thứ hai, một lượng đáng kể nguyên liệu thô và tài nguyên nằm trong hoặc gần các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát và điều này tạo ra vấn đề cho chuỗi cung ứng cũng như lực lượng lao động. Xung đột khiến Ukraine không thu hút được nguồn lao động nước ngoài vào thời điểm lực lượng lao động của nước này đang bị căng thẳng.
Theo bà Kateryna Bondar, cựu cố vấn đặc biệt của Chính phủ Ukraine, các vấn đề nêu trên có thể giải quyết được. Với vấn đề thứ nhất, các liên doanh giữa phương Tây và Kiev này nên được đặt bên ngoài Ukraine, “lý tưởng nhất là ở một quốc gia NATO gần đó, để giảm thiểu chi phí và thời gian cần thiết cho việc vận chuyển đến tiền tuyến. Điều đó sẽ giảm bớt lo ngại về an ninh của các công ty phương Tây. Khả năng Nga tấn công một nhà máy trên lãnh thổ NATO là rất nhỏ, vì Moscow cũng sẽ phải tính đến khả năng NATO kích hoạt điều 5”.
Việc đặt các liên doanh sản xuất vũ khí ở một nước khác ngoài Ukraine cũng giải quyết được bài toán về nguồn lao động. Hoạt động trong các khu vực pháp lý của EU và theo luật pháp EU, các liên doanh sẽ được hưởng lợi từ các cấu trúc pháp lý mạnh mẽ, bao gồm các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền của nhà đầu tư. Nguy cơ tham nhũng hoặc can thiệp chính trị sẽ tương đối thấp
Theo bà Bondar, bằng cách này, Ukraine sẽ được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng và đổi mới của Mỹ và châu Âu, đồng thời cho phép các nước NATO kết hợp bài học từ kinh nghiệm chiến trường của Ukraine để cải thiện năng lực quốc phòng cũng như cơ sở công nghiệp quốc phòng của chính họ.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)Theo Eurasian Times