Ngày 29/7, Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo "Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen giai đoạn 2015 - 2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025 - 2023".
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN cùng với các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham gia vào công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý và triển khai công tác bảo tồn, lưu giữ, khai thác và phát triển nguồn gen.
"Thông qua Chương trình, chúng ta đã bảo tồn, lưu giữ được trên 80.000 nguồn gen đặc hữu, quý, hiếm. Đây là nguồn vật liệu vô cùng quý, phục vụ cho công tác chọn tạo, lai tạo các giống mới có năng suất, chất lượng tốt hơn, giá trị cao hơn", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay.
Bên cạnh đó, cho đến nay, chúng ta đã đánh giá ban đầu trên 55.800 nguồn gen, đánh giá chi tiết trên 14.100 nguồn gen. Nhiều nguồn gen được khai thác và ứng dụng trong sản xuất, đời sống như: Sâm Ngọc linh, tôm mũ ni, cá hô, lúa bản địa chất lượng cao, cây vù hương, lợn ỉ... góp phần nâng cao giá trị gia tăng của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, do đối tượng của Chương trình là các nguồn gen sinh vật sống nên công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục. Vì vậy, việc xây dựng hành lang pháp lý để tiếp tục triển khai Chương trình trong giai đoạn tiếp theo, không để gián đoạn Chương trình là vấn đề cấp thiết.
Đặc biệt, nhiệm vụ "bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm" tiếp tục được Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Tiếp theo đó, tại Nghị quyết số 189/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ xây dựng Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen giai đoạn 2026-2030, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2025.
Từ thực tiễn của một tổ chức khoa học công nghệ, GS. TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cho biết, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã triển khai nhiều nghiên cứu điều tra cơ bản về nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật hướng tới công tác bảo tồn, khai thác bền vững nguồn gen.
Kết quả nổi bật là bộ động vật chí, thực vật chí của Việt Nam, sách đỏ Việt Nam đã được các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KHCN thực hiện trong những năm qua.
Viện Hàn lâm KHCN cũng chỉ đạo và triển khai hỗ trợ các nhà khoa học thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen do Bộ KHCN, các bộ, ngành, địa phương quản lý.
Theo đó, các nhà khoa học đã thu thập xây dựng bộ sưu tập mẫu vật sống, bảo tồn nguồn gen quý của các loài động, thực vật, vi sinh vật. Hiện nay, Viện Hàn lâm đang duy trì phát triển Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh; Trung tâm bảo tồn và cứu hộ Phong Điền... Năm 2015, Viện Hàn lâm KHCN đã thành lập Trung tâm Giống và bảo tồn nguồn gen vi sinh vật nhằm lưu giữ và bảo tồn nguồn gen từ các nghiên cứu.
Nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của nguồn gen bản địa, GS. TS Chu Hoàng Hà cho rằng việc triển khai Chương trình giai đoạn sắp tới 2025-2030 cần tiếp tục ưu tiên phát triển nghiên cứu cơ bản chuyên sâu về nguồn gen (số hóa nguồn gen theo chuẩn quốc tế, duy trì bảo tồn, đăng ký sở hữu trí tuệ...) kết hợp với nghiên cứu truyền thống trên các nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật học.
Xây dựng bản đồ gen của nguồn gen đặc hữu, có giá trị kinh tế cao
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho thấy, cùng với các bộ ngành, các địa phương cũng tích cực tham gia Chương trình với nhiều kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Trong đó, nhiều sản phẩm đã trở thành thành sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia như: Ngọc Trai Hạ Long xuất khẩu sang Anh, Ấn Độ, Nhật Bản với giá trị khoảng 6-8 tỷ đồng/năm; Hồi Bình Liêu xuất khẩu đạt trên 50 tỷ đồng/năm...
Một số nguồn gen đã phát triển thành sản phẩm hàng hóa tập trung, được xây dựng và bảo hộ thương hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn như: Cam xã Đoài, bưởi Diễn, quýt Bắc Kạn, hồng không hạt, miến dong, vịt bầu cổ xanh, Gạo bao thai Chợ Đồn, Chè shan tuyết xã Bằng Phúc huyện Chợ Đồn...
Công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen cần tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn nữa. Trong đó, tiếp tục tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ công tác bảo tồn, lưu giữ, đánh giá nguồn gen; gia tăng nguồn lực KH&CN nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen...
Theo ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN), Chương trình giai đoạn 2025-2030 sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm khai thác tốt nhất nguồn gen quí, hiếm, đặc hữu và có giá trị kinh tế cao; tiếp tục thu thập và nhập nội thêm nguồn gen mới để đến năm 2030 có khoảng100.000 nguồn gen.
Lựa chọn và đánh giá tiềm năng di truyền nguồn gen sinh vật có giá trị khoa học và kinh tế; giải mã, xây dựng bản đồ gen của nguồn gen đặc hữu có giá trị kinh tế cao hoặc là các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của Việt Nam....
Minh Ngọc - Hoàng Giang/Chinhphu