Việt Nam chi 1 tỷ USD nhập khẩu gạo

Thứ tư, 02/10/2024 - 09:53

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã chi tới 1 tỷ USD cho việc nhập khẩu gạo, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử kim ngạch nhập khẩu gạo đạt mốc tỷ USD.

 

 Việt Nam chi 1 tỷ USD nhập khẩu gạo- Ảnh 1.

Nông dân chủ yếu trồng gạo thơm, gạo chất lượng cao nên nhập khẩu gạo có giá thấp hơn để làm bún, phở. 

Trong cùng thời gian, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 7 triệu tấn, thu về 4,37 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và 23,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu gạo của Việt Nam cũng tăng mạnh, đặc biệt trong tháng 9/2024, nhập khẩu gạo đạt 117 triệu USD, tăng 154,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng cộng, nước ta đã chi gần 1 tỷ USD để nhập khẩu gạo trong 9 tháng đầu năm, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm trước và vượt xa kim ngạch nhập khẩu của cả năm 2023.

Rất nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao một nước đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu, tại sao vẫn chi 1 tỷ USD để nhập khẩu.

Theo đó, việc nhập khẩu gạo nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa, đặc biệt là trong các phân khúc gạo phục vụ chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Các doanh nghiệp ưu tiên nhập khẩu gạo có giá thấp hơn, đồng thời bổ sung nguồn cung cho xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam hiện ở mức 624 USD/tấn, trong khi giá gạo nhập khẩu phổ biến từ 480-500 USD/tấn, giúp các doanh nghiệp duy trì lợi nhuận và ổn định thị trường.

Những năm gần đây, nông dân cũng dần chuyển sang trồng giống gạo thơm, gạo chất lượng cao. Giá những loại gạo này trên thị trường rất cao. Làm bún, phở, bánh tráng chỉ cần gạo dai, nở và giá thấp. Do đó, với khoảng cách chênh lệch lớn giữa gạo trong nước và nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất lựa chọn gạo ngoại nhập có lợi hơn.

Hiện tại với tình hình nguồn cung gạo trong nước giảm sút do bão và vụ thu đông có sản lượng thấp, các doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung và hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu cuối năm.

Bảo Minh