Các nhóm nước và gần 40 nước phát biểu chia sẻ về các thách thức hiện nay như vấn đề ô nhiễm môi trường biển, hậu quả tiêu cực do biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cùng các khó khăn đối với nghề cá bền vững. Trong bối cảnh đó, các nước đề cao giá trị phổ quát, nhất quán và toàn diện của Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS), phản ánh các nguyên tắc của luật tập quán quốc tế. Nhiều nước cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định Việt Nam luôn đề cao UNCLOS với vai trò là khuôn khổ pháp lý quốc tế điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương. Việt Nam kêu gọi các nước tiếp tục tuân thủ đầy đủ UNCLOS, bao gồm nghĩa vụ giải quyết hoà bình tranh chấp và tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển khi tiến hành các hoạt động kinh tế hợp pháp trên các vùng biển của mình được xác định theo UNCLOS.
Về tình hình Biển Đông, Đại diện Việt Nam bày tỏ quan ngại về những vụ việc gần đây ở Biển Đông ảnh hưởng tiêu cực đến hoà bình, an ninh khu vực, đi ngược lại các quy định của UNCLOS. Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở UNCLOS và bày tỏ mong muốn sớm hoàn hiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển đông (COC) có nội dung thực chất và có hiệu lực, phù hợp với UNCLOS.
Đại sứ cũng hoan nghênh các nỗ lực trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, nổi bật là Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết yêu cầu Toà án công lý quốc tế cho ý kiến tư vấn về trách nhiệm của quốc gia đối với biến đổi khí hậu, thông qua Hiệp định về biển cả và đàm phán một văn kiện pháp lý ràng buộc để chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2024.
Đại sứ kêu gọi các nước cần đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề cá với nhu cầu an sinh xã hội và sinh kế của người dân ven biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cam kết ủng hộ các sáng kiến về ứng phó với biến đổi khí hậu và cho rằng các phương thức và cơ chế hỗ trợ phù hợp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực, dựa trên các nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt và tương ứng với năng lực của từng quốc gia.
Cùng ngày, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết tổng hợp về đại dương và luật biển với 140 phiếu thuận và 110 nước tham gia đồng bảo trợ, trong đó có Việt Nam.