Thời gian qua, Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được ngành y tế triển khai rất tích cực, mang lại nhiều hiệu quả trong công tác này. Để biết rõ hơn về kết quả, thách thức và những giải pháp trong công tác này, phóng viên trang tin Tiếng Chuông có cuộc trao đổi với PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Ảnh: Thùy Chi
Tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm xuống còn 1,9%
Xin bà cho biết kết quả Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được Việt Nam triển khai và thực trạng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở nước ta hiện nay?
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương: Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính lây truyền HIV. Nếu không có can thiệp nào thì tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con lên tới 45%. Tuy nhiên, nếu được dự phòng tích cực cho mẹ và con thì tỉ lệ này có thể dưới 2%, có nghĩa là cứ 100 phụ nữ nhiễm HIV sinh con thì có 2 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Từ năm 2016, các can thiệp về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được lồng ghép vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản theo Quyết định số 5650/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Quy chế phối hợp giữa hệ thống phòng chống HIV/AIDS và hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản trong triển khai dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Theo đó, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em là đơn vị chủ trì, phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức triển khai các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Thời gian qua, các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được triển khai lồng ghép với việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và điều trị HIV, bao gồm: 1. Tư vấn sự cần thiết của việc xét nghiệm HIV và cung cấp xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; 2. Điều trị ARV ngay cho PNMT có XN HIV dương tính; 3. Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV cho trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV. 4. Quản lý cặp mẹ con, điều trị dự phòng cho trẻ, tư vấn chế độ nuôi dưỡng phù hợp với trẻ. 5. Cung cấp xét nghiệm chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV ở trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV.
Hiện nay các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đang được triển khai trên toàn quốc. Phần lớn các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản cung cấp các dịch vụ xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, chăm sóc thai nghén và thực hiện các can thiệp sản khoa an toàn để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, điều trị dự phòng sau sinh cho trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV.
Các cơ sở điều trị HIV thực hiện điều trị ARV cho mẹ, quản lý cặp mẹ - con sau sinh, chăm sóc, điều trị dự phòng và cung cấp xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV, điều trị ARV cho trẻ nhiễm HIV.
Xin bà cho biết đối với mục tiêu giảm tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% vào năm 2030 đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã đạt được kết quả thế nào?
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương: Nhờ triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các can thiệp về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con mà tỉ lệ trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ trong số các trường hợp được tiếp cận với các can thiệp này đã giảm đáng kể. Tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm từ 10% vào năm 2011 xuống còn 1,9% vào năm 2022. Phần lớn các trường hợp trẻ nhiễm HIV là do người mẹ phát hiện tình trạng nhiễm HIV muộn, thời gian điều trị ARV ngắn. Đây là kết quả rất khích lệ trong tiến trình hướng đến mục tiêu loại trừ trẻ nhiễm HIV từ mẹ vào năm 2030 đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.
Tuy nhiên, kết quả trên chưa phản ánh đúng thực trạng tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ hiện nay. Lý do là phần lớn số liệu báo cáo được ghi nhận tại các tỉnh, thành phố lớn, khu đô thị. Hiện vẫn còn khoảng trống mà chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa tiếp cận được tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ước tính hằng năm có khoảng 1.500 – 1.800 phụ nữ nhiễm HIV sinh con. Tuy nhiên, số trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV hằng năm dao động từ 600 đến 1.400 trẻ. Đây chính là các khoảng trống mà ngành y tế cần phải triển khai các đánh giá, can thiệp nhằm tăng cường độ bao phủ của chương trình cũng như công tác theo dõi, đánh giá hiệu quả của chương trình.
Nhiều chính sách ưu việt hỗ trợ cho chương trình can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
Xin bà cho biết Chương trình dự phòng lây truyền HIV tự mẹ sang con hiện có những thuận lợi, khó khăn, thách thức gì?
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương: Thời gian qua ngành y tế đã có nhiều thuận lợi trong việc triển khai Chương trình dự phòng lây truyền HIV tự mẹ sang con.
Thứ nhất, Có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong những năm qua đã được tổ chức triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ và thường quy trên cả nước. Các đơn vị, cơ quan liên quan đều xây dựng kế hoạch triển khai, lồng ghép giới thiệu các dịch vụ tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ thông qua buổi tiêm chủng thường xuyên, khám thai định kỳ.
Thứ hai, có các chính sách hỗ trợ cho việc triển khai can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi năm 2020 quy định phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV theo chỉ định chuyên môn được quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước chi trả chi phí xét nghiệm như sau: Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho người có thẻ bảo hiểm y tế theo mức hưởng quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; Ngân sách nhà nước chi trả phần chi phí Quỹ bảo hiểm y tế không chi trả cho đối tượng quy định tại điểm a khoản này và chi trả cho người không có thẻ bảo hiểm y tế theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Để triển khai chính sách trên, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BYT quy định quy trình, thời điểm, số lần xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; chăm sóc, điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, khi sinh con, cho con bú và các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Theo đó, phụ nữ mang thai chưa biết tình trạng nhiễm HIV và đồng ý làm xét nghiệm HIV được chỉ định xét nghiệm HIV trong những lần khám thai định kỳ hoặc khi chuyển dạ, sinh con theo hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai của Bộ Y tế với lần xét nghiệm HIV thứ nhất càng sớm càng tốt.
Bên cạnh chính sách về xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, nhà nước cũng đồng thời cấp thuốc ARV miễn phí điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đây là các chính sách rất ưu việt và cần thiết để hỗ trợ cho việc triển khai các can thiệp nhằm loại trừ trẻ nhiễm HIV từ mẹ.
Thứ ba, các phác đồ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện đang cung cấp là các phác đồ ARV tối ưu, giảm nhanh tải lượng HIV ở người mẹ, góp phần giảm mạnh việc lây truyền HIV cho con. Theo một báo cáo khoa học thì khi người mẹ có tải lượng HIV dưới 50 bản sao/ml vào lúc chuyển dạ thì tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm xuống còn dưới 0,5%.
Hiện nay chương trình điều trị ARV ở người nhiễm HIV tại Việt Nam đạt hiệu quả cao với tỉ lệ người bệnh có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế là trên 96%, dưới ngưỡng 20 bản sao/ml là trên 93%. Điều này cho thấy, nếu người phụ nữ mang thai biết sớm tình trạng nhiễm HIV và điều trị sớm ARV thì hoàn toàn chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu loại trừ trẻ nhiễm HIV từ mẹ để đạt mục tiêu kết thúc AIDS vào năm 2030.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cũng gặp nhiều thách thức. Do xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai không có các triệu chứng nghi nhiễm HIV hiện đang được xem là xét nghiệm sàng lọc nên BHYT không chi trả xét nghiệm này. Đây thực sự là một thách thức cho việc triển khai chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong khi việc xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai là chìa khóa để biết được tình trạng nhiễm HIV của bà mẹ, từ đó bà mẹ được điều trị ARV sớm và làm giảm lây nhiễm HIV ở trẻ em. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì việc xét nghiệm HIV cho tất cả phụ nữ mang thai vẫn là một chi phí hiệu quả ngay cả với các quốc gia có tỉ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai dưới 0,1% như Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là rào cản cho việc tiếp cận dịch vụ phòng lây truyền mẹ con. Một khó khăn nữa cũng cần được giải quyết đó là cung ứng thuốc ARV điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Hiện nay toàn bộ thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho trẻ đang được Quỹ toàn cầu viện trợ. Trong khi đó, trong nước hiện chưa có doanh nghiệp dược đăng ký lưu hành các loại thuốc này. Tuy nhiên, nếu Quỹ toàn cầu ngừng viện trợ các thuốc này, thì việc cung ứng thuốc ARV cho trẻ để điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ là một khó khăn trong thời gian tới.
Để loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con, phụ nữ và phụ nữ mang thai cần phải làm gì? Xin bà cho biết trong thời gian tới chúng ta cần triển khai những giải pháp gì để thực hiện tốt dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con?
PGS.TS. Phan Thị Thu Hương: Đối với phụ nữ mang thai, cần xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt ngay trong lần khám thai đầu tiên trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Trường hợp chưa làm được xét nghiệm HIV trong 3 tháng đầu thai kỳ thì cần được xét nghiệm HIV trong kỳ khám thai kế tiếp. Nếu kết quả xét nghiệm HIV dương tính thì cần được điều trị ARV ngay cho mẹ, đồng thời theo dõi chặt chẽ hiệu quả điều trị ARV thông qua việc xét nghiệm tải lượng HIV để có phương án tối ưu trong điều trị ARV dự phòng lây nhiễm HIV cho trẻ. Người mẹ cần tuân thủ việc hướng dẫn điều trị ARV để đạt được tải lượng HIV ở mức không phát hiện được. Đây chính là chìa khóa để con của họ không bị nhiễm HIV từ mẹ.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chúng ta cần tập trung một số nội dung:
Về chính sách và vận động xã hội, chúng ta cần tiếp tục vận động sự cam kết và ủng hộ của chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng và loại trừ viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con vào năm 2030, bố trí ngân sách xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai đối với các trường hợp chưa được BHYT chi trả theo quy định của Luật phòng chống HIV/AIDS.
Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh và ban hành các văn bản, hướng dẫn chuyên môn tạo điều kiện để người dân, phụ nữ mang thai được tiếp cận sớm nhất có thể với dự phòng, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Tạo môi trường thuận lợi, phát huy tối đa vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Về thông tin, giáo dục và truyền thông, cần tiếp tục triển khai công tác thông tin giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và cán bộ y tế về nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, hiệu quả và sự sẵn có của các thuốc ARV điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các loại hình truyền thông, ứng dụng các loại hình truyền thông mới như internet, SMS, mạng xã hội, truyền hình tương tác, phát thanh tương tác… nhằm cung cấp thông tin, giáo dục về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, cách tiếp cận với các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng lây truyền mẹ con.
Về chuyên môn, kỹ thuật, cần cập nhật văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản theo hướng xét nghiệm HIV là một thành phần thiết yếu của gói chăm sóc sức khỏe sinh sản; Tiếp tục mở rộng xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, điều trị ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; Triển khai các phương án bảo đảm cung cấp đủ, kịp thời thuốc ARV điều trị dự phòng lây truyền HIV cho trẻ.
Về cung ứng thuốc ARV cho trẻ để điều trị phòng lây truyền mẹ sang con, đề nghị Quỹ toàn cầu thông tin đến các doanh nghiệp dược đang cung cấp thuốc ARV cho trẻ đăng ký các thuốc này tại Việt Nam.
Xem xét, báo cáo Bộ Y tế, chính phủ cơ chế mua sắm đặc biệt đối với thuốc ARV điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con khi Quỹ toàn cầu ngừng viện trợ cho Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Thùy Chi (thực hiện)
Theo Chinhphu