Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục hơn 63.300 tỷ đồng

Thứ tư, 26/04/2023 - 10:31

TNV - Bước vào năm 2023 với nhiều thách thức, biến động giá nguyên vật liệu khó lường, song Vinamilk vẫn tự tin về triển vọng kinh doanh, lần đầu tiên đặt mục tiêu doanh thu 63.380 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) theo hình thức trực tuyến. Đây là đại hội kết thúc năm đầu tiên của giai đoạn chiến lược 5 năm 2022-2026.

Đoàn chủ tọa đại hội, chương trình tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Nội dung được cổ đông quan tâm nhiều nhất là kế hoạch kinh doanh 2023, trong bối cảnh thị trường chung còn thách thức. Theo đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu 63.380 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 10.496 tỷ đồng, bằng 2022.

Với câu hỏi "Tăng trưởng của thị trường sữa chậm lại, liệu đã tới giai đoạn bão hòa và làm thế nào để bứt phá?", Tổng giám đốc Mai Kiều Liên cho biết thị trường sữa Việt Nam chưa bão hòa vì dân số và thu nhập người dân có xu hướng tăng, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người còn thấp so với các nước (Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Malaysia…), nên, lĩnh vực này còn nhiều tiềm năng phát triển. Đó cũng là lý do, mới đây, Vinamilk tổ chức lễ ký kết với 6 tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu, nhằm ứng dụng thành tựu khoa học, cùng Vinamilk làm ra sản phẩm theo chuẩn quốc tế, giá thành phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.

Giải đáp thắc mắc "Vì sao tăng trưởng doanh thu các năm qua gần như không đổi, trong khi lợi nhuận có xu hướng giảm, liệu có xuất hiện các vấn đề trong cơ cấu hoạt động?", bà Mai Kiều Liên nhìn nhận, mỗi công ty có chu kỳ tăng trưởng, phát triển riêng, tùy tình hình chung của thị trường. Trong bối cảnh thế giới biến động, môi trường cạnh tranh, đơn vị tái cấu trúc nguồn lực, mô hình để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, kiên định với chiến lược đề ra.

Dù tự tin với các kế hoạch thay đổi thúc đẩy quá trình chuyển đổi, bà Mai Kiều Liên vẫn thừa nhận, môi trường kinh doanh còn nhiều thử thách. Không như trước đây, với sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các quốc gia và thương mại quốc tế, tác động của suy thoái kinh tế trong một nền kinh tế sẽ được cảm nhận sâu sắc hơn ở những nơi khác. Điều đó có thể tác động đến người tiêu dùng và đối tác của Vinamilk.

Trước những yếu tố này, Vinamilk bước vào năm tài chính 2023 với sự thận trọng và quyết tâm chuyển đổi, vì chỉ có chuyển đổi mới vượt qua cái bóng của những thành công trước đây, phát huy hết các tiềm năng trong thời kỳ mới.

Bà Mai Kiều Liên chia sẻ, ưu tiên ngắn hạn là tăng trưởng thị phần và doanh số bán hàng bền vững, có lợi nhuận. Đó là lý do công ty tối ưu chi phí vận hành để tái đầu tư, mở rộng kênh phân phối, củng cố sức mạnh thương hiệu.

"Năm 2022 tuy khó khăn, thị phần giảm, nhưng là năm đầu thực thi chiến lược 5 năm 2022-2026. Do đó, năm 2022, chúng tôi xác định rõ các vấn đề cần cải thiện, để triển khai ngay vào 2023, từ sản xuất, kinh doanh, đến nghiên cứu phát triển, nhân sự. Kết quả 2023 sẽ khả quan như kế hoạch đề ra", bà Mai Kiều Liên thông tin.

Biến động giá nguyên vật liệu thế giới cũng được cổ đông quan tâm. Lãnh đạo Vinamilk cho biết đã chốt giá nguyên vật liệu cho tới hết tháng 8. Quý II, III sẽ tối ưu hóa doanh thu, nhờ hưởng lợi từ việc đã mua nguyên vật liệu với giá tốt trước đó.

"Trong quá trình hoạt động 47 năm, tôi chưa thấy năm nào như 2022 - giá nguyên liệu tăng 30-50%, do chiến tranh, chi phí vận chuyển (thậm chí tăng 5-6 lần), nhưng chúng tôi không chuyển hết chênh lệch đó vào giá bán. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, chia sẻ khó khăn trong bối cảnh lạm phát, khó khăn chung, năm qua, chúng tôi chỉ tăng 3%, không đủ bù với chênh lệch do chi phí giá vốn tăng cao nên lợi nhuận giảm. Song, đó là hướng đi đúng đắn của Vinamilk", bà Liên chia sẻ.

Trong bối cảnh này, tùy theo tỷ lệ lạm phát, Vinamilk có thể điều chỉnh giá bán ở năm 2023, nhưng sẽ tùy mặt hàng, dao động 3-5%, không thể tăng hơn vì hiện sức mua giảm, thị trường chung còn khó khăn.

"Công ty có chiến lược cụ thể cho các mảng hoạt động trong 2023, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đặc biệt chú trọng đến chất lượng, giá cả, dịch vụ, để tăng trưởng doanh số, thị phần", bà Liên thông tin.

2023 cũng đánh dấu 20 năm công ty cổ phần hóa thành công, với doanh thu tăng 15 lần, lợi nhuận gấp 13 lần so với thời điểm cổ phần hóa năm 2003.

Dù đối mặt khó khăn, Vinamilk có kết quả khả quan trong 2022. Giá trị thương hiệu lên 2,8 tỷ USD, trở thành thương hiệu sữa lớn thứ 6 toàn cầu (theo Brand Finance), duy trì thứ hạng trong top 40 doanh nghiệp sữa lớn nhất toàn cầu về doanh thu (theo Plimsoll).

Năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất 60.075 tỷ đồng, lãi sau thuế 8.578 tỷ đồng. Doanh thu thuần nội địa, xuất khẩu, các chi nhánh nước ngoài là 50.704 tỷ đồng, 4.828 tỷ đồng, 4.424 tỷ đồng.

Điểm sáng tăng trưởng trong năm 2022 còn đến từ các cửa hàng Giấc mơ Sữa Việt với doanh thu tăng trưởng trên 20%.

Hoạt động đầu tư nước ngoài có tín hiệu tích cực. Angkormilk (Vinamilk sở hữu 100%) có kết quả khả quan về doanh thu, lợi nhuận. Đây là nhà máy sữa đầu tiên của Campuchia có sản phẩm phục vụ người dân nội địa, dự kiến tăng mức đầu tư thêm 42 triệu USD, để mở rộng nhà máy trang trại.

Trang trại Lào với 1.000 con bò, bắt đầu vắt sữa, năm nay có thêm 7.000 con. Nếu chạy hết công suất 8.000 con, sẽ cho sản lượng bằng nhà máy Green Fram (Tây Ninh) hiện nay là 100 tấn sữa tươi/ngày.Hiện công ty xuất khẩu sang 58 quốc gia. Ở Trung Quốc, công ty xuất khẩu nhiều năm nay, đang mở rộng thêm nhiều danh mục sản phẩm. Vinamilk cũng liên doanh với Philipines, cung ứng sản phẩm phù hợp với người dân nơi đây.

Về dự án bò thịt, công ty hợp tác với Nhật. Ở những lứa đầu tiên, chất lượng thịt theo tiêu chuẩn Nhật, biên lợi nhuận tốt, dự án tuy không lớn nhưng tận dụng lợi thế sẵn có của Vinamilk.

Phối cảnh dự án VinaBeef Tam Đảo, Vĩnh Phúc, với vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, dự kiến đem đến cho người dùng Việt những sản phẩm thịt bò mát chất lượng cao.

Tại đại hội, các nội dung về chiến lược 5 năm cũng đã được cập nhật. Hiện Vinamilk là công ty đầu tiên tại Châu Á sở hữu các thương hiệu sữa bột trẻ em đạt giải thưởng Purity Award về an toàn, tinh khiết của Mỹ.

Vinamilk Green Farm và Vinamilk 100% Organic cũng là các sản phẩm sữa tươi đầu tiên trên thế giới đạt chứng nhận Clean Label Project cho các thương hiệu có sự minh bạch về sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm và trong việc ghi nhãn sản phẩm.

Doanh nghiệp cũng dành nguồn lực cho chiến lược phát triển bền vững. Chung tay cùng Chính phủ hướng đến cam kết Net Zero vào năm 2050, Vinamilk triển khai hoạt động trồng cây giai đoạn năm 2023-2027 cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đánh giá phát thải khí nhà kính tại các đơn vị; đầu tư công nghệ để giảm thiểu, trung hòa, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh cho sản xuất.

PV