Từ lâu, Suzuki Super Carry Pro vẫn là cái tên gần như mặc định trong phân khúc xe tải nhẹ tại Việt Nam. Động cơ xăng bền bỉ, thiết kế đơn giản dễ sửa, tải trọng cao và khả năng “cày” đường dài đã khiến mẫu xe này chễm chệ ở ngôi vương, gần như không có đối thủ. Tuy nhiên, thời thế đang thay đổi khi chi phí xăng dầu leo thang, luật siết phương tiện nội đô ngày một nghiêm ngặt và cuộc đua “xanh hóa” giao thông được đẩy lên cao trào. Một kẻ thách thức mới của Suzuki Super Carry Pro đã chính thức xuất hiện, đó là VinFast EC Van - mẫu xe tải điện đầu tiên dám đặt chân vào địa hạt xe thương mại cỡ nhỏ.

VinFast EC Van mới ra mắt.

Suzuki Super Carry Pro - đối thủ trực tiếp của VinFast EC Van
Câu hỏi đặt ra: Liệu VinFast EC Van chỉ là một chiêu quảng bá “màu xanh” nhất thời hay thực sự là một lựa chọn nghiêm túc và đáng giá cho các doanh nghiệp nhỏ đang ngày đêm bươn chải cùng xe tải? Sau đây, hãy cùng chúng tôi đặt VinFast EC Van lên bàn cân để so sánh với Suzuki Super Carry Pro.
Kích thước nhỏ, tham vọng lớn
Đúng như cái tên “E-City Van”, VinFast EC Van là mẫu xe được thiết kế dành riêng cho đô thị với kích thước gọn gàng, linh hoạt và dễ luồn lách. Với chiều dài chỉ 3,76 m, ngắn hơn gần 50 cm so với Suzuki Super Carry Pro, mẫu xe này dễ dàng quay đầu ở những ngõ hẹp, bãi đỗ chật hay vỉa hè nội đô, nơi mà nhiều mẫu xe tải truyền thống phải vất vả mới xoay sở được.
Về khả năng chở hàng, VinFast EC Van tỏ ra không hề lép vế. Dù là xe điện, mẫu ô tô này vẫn “gánh” được hơn 600 kg, đủ để chở hàng tạp hóa, thực phẩm, đơn hàng thương mại điện tử hoặc vật dụng kinh doanh nhỏ. Dung tích khoang hàng 2.600 lít với thiết kế khoang kín liền cabin cũng là điểm cộng, giúp bảo vệ hàng hóa khỏi nắng mưa, phù hợp với nhu cầu giao hàng sạch, bảo quản hàng khô, hàng cần tránh bụi bẩn hoặc nhiễm ẩm. Ở khía cạnh này, VinFast EC Van đang nhắm rất trúng đối tượng là các doanh nghiệp trẻ, mới khởi nghiệp, tiểu thương bán hàng trực tuyến hoặc đơn vị giao hàng nội đô.
Ngược lại, Suzuki Super Carry Pro không được thiết kế như một mẫu xe chuyên đô thị mà là xe tải đa địa hình. Nói cách khác, Suzuki Super Carry Pro có thể đi cả nội thành lẫn đường dài. Với chiều dài gần 4,2 m, mẫu xe nhà Suzuki có khoang chở hàng lớn hơn, thậm chí tùy biến được từ thùng kín, thùng bạt đến thùng đông lạnh, tùy theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Suzuki Super Carry Pro là lựa chọn lý tưởng để đi xa.
Tải trọng gần 1 tấn cũng khiến Suzuki Super Carry Pro phù hợp với những lô hàng nặng, cồng kềnh hoặc cần chuyên chở số lượng lớn. Ở khía cạnh “chở hàng là chính, đi xa là thường xuyên”, Super Carry Pro vẫn là lựa chọn thực dụng hơn cả.
Chi phí vận hành: Xe điện thắng áp đảo
Nếu coi phương tiện là một khoản đầu tư dài hạn thì bài toán chi phí vận hành là yếu tố tối quan trọng. Đây là nơi VinFast EC Van thực sự đè bẹp đối thủ truyền thống.
Hãy làm một phép tính đơn giản. Một doanh nghiệp nhỏ, nếu mỗi ngày chạy khoảng 100 km (mức trung bình của một vòng giao hàng trong nội đô), Suzuki Super Carry Pro tiêu hao trung bình 8 lít/100 km và giá xăng 24.000 đồng/lít, chủ xe sẽ phải chi khoảng 192.000 đồng/ngày tiền nhiên liệu, chưa kể những chi phí bảo trì như thay dầu, lọc nhớt, bugi, máy lạnh,...

VinFast EC Van có lợi thế về chi phí vận hành.
Cùng quãng đường đó, VinFast EC Van chỉ tiêu thụ khoảng 11-12 kWh điện, tức chi phí chưa đến 40.000 đồng/ngày nếu sạc ban đêm tại nhà. Đó là chưa kể đến việc xe điện không cần bảo trì thường xuyên và phức tạp như ô tô xăng, dầu truyền thống vì không có động cơ đốt trong, không bugi, không dầu máy, cũng không cần thay lọc gió. Pin của mẫu xe tải điện này được bảo hành 7 năm hoặc 160.000 km, đủ để các doanh nghiệp “cày” ít nhất nửa thập kỷ mà không cần lo lắng về pin.
Nói cách khác, sau 2-3 năm sử dụng, số tiền tiết kiệm từ nhiên liệu và bảo trì có thể đủ để mua… nửa chiếc xe mới.
Pháp lý và quyền được… chạy trong thành phố
Một điểm then chốt mà nhiều người thường bỏ qua khi so sánh xe vận tải, đó chính là vấn đề luật giao thông đô thị.
Suzuki Super Carry Pro dù nhỏ nhưng vẫn bị xếp vào nhóm xe tải nhẹ, nghĩa là bị hạn chế giờ hoạt động trong nội thành. Tại Hà Nội cũng như Tp. Hồ Chí Minh, xe tải bị cấm vào trung tâm từ 6h-9h và từ 16h-20h hàng ngày. Doanh nghiệp muốn chạy vào giờ cấm phải xin cấp phép.
VinFast EC Van, dưới dạng xe van điện dưới 5 chỗ, không bị xếp vào nhóm xe tải. Điều đó có nghĩa là mẫu xe này được tự do lưu thông toàn thời gian trong đô thị, không cần giấy phép. Với các đơn vị giao hàng theo khung giờ hoặc vận chuyển hàng tươi sống cần giao sớm/giao tối, đây là ưu thế chiến lược không thể thay thế.
Khác biệt về triết lý sản phẩm và thông điệp thương hiệu
Suzuki bán Super Carry Pro như một cỗ máy và điều đó không có gì sai. Đây vốn là mẫu xe thực dụng, chắc chắn, không phô trương, bền bỉ như chính những người chủ của chúng: âm thầm làm việc, không cần ánh hào quang.
Trong khi đó, VinFast bán EC Van không chỉ như một chiếc xe mà như một phần của thông điệp “ai cũng có xe xanh”, như một lời mời gọi: “Hãy để doanh nghiệp bạn cũng góp phần giảm phát thải”.
Với các doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thực phẩm sạch, giao hàng thân thiện môi trường hay khởi nghiệp hướng đến môi trường - xã hội - quản trị (ESG), hình ảnh một chiếc EC Van dán logo thương hiệu lăn bánh không tiếng động trong phố đông, không mùi khói, không xả thải là một tuyên ngôn thương hiệu đáng giá hơn cả chi phí vận hành.
Kẻ truyền thống, người tiên phong: Ai thắng, ai thua?
Nói một cách công bằng, Suzuki Super Carry Pro chưa thể bị thay thế ngay lập tức. Ở những vùng ngoại thành, nơi có địa hình phức tạp, với những ai có nhu cầu chở nặng, đi tỉnh dài ngày, xe điện vẫn là một lựa chọn chưa thật sự linh hoạt. Dù pin 17 kWh của VinFast EC Van đủ chạy 150 km/ngày nhưng đó là con số lý tưởng khi điều hòa tắt, đường bằng phẳng và không chở hàng.
Chưa hết, Suzuki Super Carry Pro còn là mẫu xe đã có mặt trên thị trường từ lâu, độ tin cậy và bền bỉ đã được kiểm chứng. Do đó, chủ xe không cần phải lo lắng đến việc xe nằm đường, nằm xưởng, lỡ làng chuyến hàng và mất uy tín với khách, thậm chí có thể mất mối hàng. Điều này so với chi phí nhiên liệu còn quan trọng hơn nhiều.
Trong khi đó, VinFast EC Van lại đi đúng với xu thế đô thị hóa, siết chặt phương tiện gây ô nhiễm và sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng trạm sạc. Hệ sinh thái VinFast đang phủ dày trạm sạc trên toàn quốc cũng mang lại lợi thế cho EC Van.
Nhìn chung, EC Van không cần phải đánh bại Suzuki Super Carry Pro mà chỉ cần chạm đúng vào nhu cầu thị trường đang thiếu và có vẻ như VinFast đang đi đúng đường.
Cuộc chơi đã thay đổi
Thị trường xe tải nhỏ tại Việt Nam từ lâu vốn nhàm chán và bị thống trị bởi những mẫu xe xăng truyền thống. Sự xuất hiện của VinFast EC Van không chỉ thêm một lựa chọn, mà còn cho thấy sự chuyển dịch cả về tư duy, từ “xe tải là để chở hàng”, sang “xe tải còn là cách doanh nghiệp thể hiện bản sắc”.
Trong cuộc chơi này, Suzuki đại diện cho cái cũ đã được chứng minh, còn VinFast mở ra một chương mới đầy thách thức nhưng nhiều triển vọng. Câu hỏi không còn là “xe nào mạnh hơn?”, mà là doanh nghiệp của bạn đang muốn đi theo hướng nào?
Cộng tác viên Lan Quyên