Vĩnh biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - Người về cao xanh chẳng có chiến tranh

Thứ bảy, 15/08/2020 - 16:30

TNV - 12 giờ 30 phút trưa nay (15/8), cả dân tộc Việt Nam vĩnh biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu- nhà lãnh đạo thương yêu, gần gũi với nhân dân; nhà quân sự có công lớn trong cuộc chiến tranh vệ quốc và tầm nhìn xa rộng về quân sự quốc phòng trong thời bình lặng im tiếng súng; vị tướng thương yêu bộ đội như máu thịt của mình. Ông đã vĩnh biệt dương gian, nhưng tên và công lao to lớn của ông vẫn lưu danh trong lịch sử và triệu triệu trái tim người Việt về một Tổng Bí thư trọn đời cống hiến cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân và sự trường tồn của dân tộc.

Tư tưởng cấp tiến về đào tạo cán bộ

Sinh thời, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Khiêu đã có quan điểm “Để chống tham nhũng phải đào tạo những cán bộ không có mưu đồ tham nhũng”. Quan điểm của ông thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khoá VIII, mà sau này tổng kết công tác xây dựng Đảng, nhiều người gọi là “Nghị quyết đi trước thời cuộc”.

Ông Nguyễn Cao Thế - người đã làm thư ký cho bác Phiêu 21 năm kể về thủ trưởng đáng kính của mình. “Tôi có nhiều kỷ niệm lắm với bác Phiêu. Ở bác Phiêu lúc nào cũng toát lên người cán bộ bình dị, mẫu mực, thanh liêm, đặc biệt là tư tưởng đào tạo cán bộ tương lai để chống tham nhũng”.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và đại tướng Võ Nguyên Giáp, ảnh TL

Theo ông Thế, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn mong muốn phải có một đội ngũ cán bộ sạch về tư tưởng, liêm khiết về đạo đức, không có mưu đồ tham nhũng thì mới có thể chống tham nhũng. Và đó được coi là “tiêu chí tiên quyết” trong công cuộc chống tham nhũng của một thể chế chính trị có đảng cộng sản cầm quyền. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từng nói: “Người nào luôn vì nước, vì dân, vì Đảng thì người đó luôn quan tâm đến việc xây dựng tổ chức của mình trong sạch, vững mạnh. Còn nếu ai mà chỉ vì mình thì những việc khác sẽ không tốt”.

Cũng theo tư tưởng, lý luận của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trong công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo “con người là quyết định nhất, vì vậy xây dựng cán bộ phải là người có đức có tài. Phải xây dựng con người như thế thì mới làm được việc”.Đối với  việc xây dựng Đảng trong quân đội, Tướng Phiêu cho rằng: “Làm sao để cán bộ chiến sĩ hoàn toàn tin tưởng vào Đảng, nhà nước ta. Xây dựng quân đội luôn hùng mạnh, tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Để làm được điều đó, trước hết phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong sạch, sĩ quan tâm huyết xây dựng đơn vị, để cán bộ chiến sĩ yêu mến đơn vị mới phục vụ tốt được”.

Thượng tướng Lê Khả Phiêu sống mãi trong tim thế hệ cán bộ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam

Sớm 15/8, tại nhà riêng của Thượng tá Hoàng Văn Thể- nguyên thuyền trưởng tàu săn ngầm 11 anh hùng, những cựu chiến binh hải quân đã có thời gian làm việc hoặc đón tiếp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ngồi lại tưởng nhớ về vị tướng đáng kính nhiều năm lưu giữ trong lòng họ.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đến chào nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 27/12/2013, tại Hà Nội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bên ấm trà nóng giữa bộ bàn ghế bình dị, cựu binh Hải quân - Đại tá Trần Văn Giáo kể, ông được gặp bác Phiêu 2 lần. Một lần gặp ở Hải Phòng nhân dịp bác Phiêu về thăm, một lần đi trên chuyến tàu vượt biển cùng tướng Phiêu ra Trường Sa. “Bác Phiêu rất giản dị khiêm nhường. Ngay cả khi bác gặp những người lính binh nhất, binh nhì, bác vẫn xưng hô “cậu-tớ” hoặc “bác- cháu”. Với những sĩ quan lãnh đạo cấp dưới trung tuổi, bác xưng hô “cậu-mình”. Ở bác Phiêu lúc nào cũng toát lên sự gần gũi, giản dị thương yêu bộ đội”, cựu binh Giáo xúc động chia sẻ.

Cựu binh Hải quân Đại tá Hoàng Kim Nông, nguyên Phó Lữ đoàn trưởng về chính trị Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 Hải quân- người đã đón tiếp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Khiêu mùa thu 1995, khi ông giữ chức Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đeo hàm Trung tướng. Cựu binh Nông xúc động chia sẻ: “Chú học được ở tướng Phiêu tác phong gần gũi giản dị, thương yêu bộ đội. Kỷ niệm với ông Phiêu ngày ấy không thể nào quên trong tâm trí chú”.

Cựu binh Nguyễn Viết Chức- một trong nhiều sĩ quan đã từng cầm súng chiến đấu trên đất bạn Campuchia kể lại: “Trong nhiều trận chiến đấu hoặc hành quân đường dài, đường sá xa xôi, trời nắng, vừa đói vừa khát nhưng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn đến từng đơn vị thăm hỏi từng chiến sĩ. Trên đường hành quân, ông chỉ ăn cơm đùm, cơm nắm tranh thủ ăn lót dạ rồi lại tiếp tục đi. Cuộc sống của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đơn giản như vậy” - ông Chức, kể.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ảnh TL

Sau 25 năm kể từ ngày được vinh dự chở bác Phiêu trên tàu 957 ra Trường Sa thăm bộ đội, trong tim Đại tá Trần Mạnh Hổ vẫn vẹn nguyên hình ảnh vị tướng đáng kính nhảy ùm xuống biển lội phăng phăng vào đảo và để cả quần áo ướt đi thăm bộ đội. Đến từng nơi ở của chiến sĩ, ông thân mật bắt tay hỏi han, động viên bộ đội hãy chiến đấu và làm việc cho Tổ quốc từ trái tim của người lính biển. Thăm giao thông hào cơ động, ông dặn cán bộ đảo phải coi mỗi đảo là một pháo đài vững chắc về phòng thủ chiến đấu, đảo là máu thịt của Tổ quốc mà sứ mệnh của người lính là bảo vệ hòn đảo ấy. Khi hỏi “ông học được gì từ tác phong giản dị ở Thượng tướng Lê Khả Phiêu”, Đại tá Trần Mạnh Hổ trả lời khâm phục: “Đó là đức hi sinh và tình thương yêu chiến sĩ Trường Sa như máu thịt”.

Là thế hệ trẻ 7X, Thiếu tá chuyên nghiệp Đoàn Thị Thanh Hà, nhân viên thư viện Lữ đoàn 171 nhắn tin cho tôi: “Anh cho em xin bài báo đăng trên báo  để em đọc phát thanh trên loa truyền thanh nội bộ của Lữ đoàn nhé”.  Tôi vào mạng in bài “Vĩnh biệt tướng Lê Khả Phiêu- người lãnh đạo yêu thương như máu thịt của mình” đưa cho Thiếu tá Hà.

Mắt rưng rưng nhìn vào trang giấy, giọng Thiếu tá Hà nghèn nghẹn: “Đôi mắt tinh tường đã khép lại, đôi chân xông xáo trên chiến trường năm xưa đã dừng bước, trái tim nhân ái đã ngừng đập; nhưng ông sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. Ông đã tạm biệt dương trần, nhưng tác phong giản dị gần gũi, đạo đức trong sáng thanh liêm, bản lĩnh kiên cường một đời tận hiến vì dân vì nước, vẫn mãi vang vọng trong lịch sử hôm nay, mai sau và đời đời hậu thế. Lê Khả Phiêu - tên ông đã hòa vào lòng dân tộc, vào tâm khảm của các thế hệ người Việt trên mọi miền Tổ quốc”.

Phút vĩnh biệt cuối cùng

12 giờ 30 phút trưa nay ngày 15/8, hơn 93 triệu dân Việt Nam vĩnh biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về nơi an nghỉ cuối cùng. Tất cả, từ những cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, đến bộ đội, giáo viên, học sinh, người lao động đều một lòng thành kính phân ưu giành cho nguyên Tổng Bí thư đáng kính những phút giây vĩnh biệt đầy xúc động.

Lúc nào Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng có tác phong gần gũi nhân dân lao động, ảnh TL.

Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đọc lời điếu trước giờ vĩnh biệt, nhấn mạnh: “Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với nhiều năm tháng tham gia các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trên nhiều cương vị công tác đã có cống hiến không mệt mỏi đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng sự phát triển của đất nước. Tên tuổi của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gắn liền với nhiều chiến dịch quân sự oai hùng của dân tộc, ông là người trực tiếp đề xuất và triển khai nhiều chủ trương chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trên cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (12-1997 - 4-2001), ông đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đã dành nhiều tâm huyết, nỗ lực đi đầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống quan liêu tham nhũng.”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc lời điều, ảnh Nguyễn Khánh

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã vĩnh hằng giữa lòng đất mẹ, nhưng thân thế cuộc đời sự nghiệp và công lao to lớn của ông sẽ sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. Các thế hệ  người Việt, đặc biệt các thế hệ lãnh đạo đất nước thời kỳ mới sẽ tiếp tục thực hiện tư tưởng của ông về công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế, về bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong thời bình lặng im tiếng súng.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng nhà nước một phút mặc niệm cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ảnh Nguyễn Khánh

Lễ Di quan, ảnh chup màn hình.

Xin vĩnh biệt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người về cao xanh nơi chẳng có chiến tranh.

Cả cuộc đời vì dân vì nước

Đôi chân ông đã dừng bước

Đôi mắt tinh anh đã khép lại rồi

Ông vĩnh hằng nhưng sống mãi trong tôi

Và thế hệ bao người lính biển

Noi gương ông nguyện chúng tôi cống hiến

Hi sinh riêng mình vì biển đảo quê hương

Hôm nay cách biệt âm dương

Tổ quốc đón ông dưới tầng đất mẹ

Lê Khả Phiêu- Người yên nghỉ nhé

Dân tộc đời đời nhắc nhớ không phai

Mai Thắng