TNV - Như một lời tri ân gửi trao đến lực lượng y tế, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM đã tổ chức đêm vinh danh và trao giải cho công trình, mô hình xuất sắc...
Nghề y là một trong những nghề nghiệp cao quý nhất, gắn liền với sự sống của con người. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vừa qua, người dân Thành phố nói riêng và cả nước nói chung đã có dịp chứng kiến rõ hơn chân dung của lực lượng y tế xông pha nơi tuyến đầu để giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân trước SARS-Cov-2.
Những chiếc áo trắng, áo xanh với khẩu trang bịt kín có lẽ mãi là hình ảnh thật khó quên trong tâm khảm của mỗi người dân về những ngày chống dịch.
Lễ trao giải đã được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Thành phố vào tối qua, 26/2, cũng vừa đúng dịp chào mừng kỉ niệm 67 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam năm nay.
Ra đời vào tháng 10/2020, Giải thưởng “Thành tựu Y Khoa Việt Nam 2020” chính thức ra mắt công chúng với số phát sóng đầu tiên, trở thành một sân chơi ý nghĩa dành cho ngành y tế Thành phố và cả nước.
Phát huy thành công của lần đầu tiên, Giải thưởng “Thành tựu Y khoa Việt Nam lần thứ 2 năm 2021” được tổ chức với chủ đề “Phòng chống Covid-19 – Sứ mệnh blouse trắng” trong giai đoạn Thành phố bắt đầu bước vào những ngày bình thường mới đầy những tổn thương do Covid-19 để lại.
Nói về nỗ lực tổ chức Giải thưởng năm nay, ông Lê Công Đồng – Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM - Trưởng Ban tổ chức phát biểu tại đêm trao giải diễn ra ở Nhà hát Thành phố: “Để tổ chức thành công giải này, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn lãnh đạo Thành phố, Sở Y tế Thành phố và các tỉnh/thành bạn, Hội đồng chuyên môn, đặc biệt là sự đóng góp trí tuệ tâm sức của những thầy thuốc đã làm nên các thành tựu y khoa để giải thưởng thêm phần giá trị…”.
Đã 3 năm liên tiếp, các y bác sĩ, nhân viên y tế không có một lễ kỉ niệm thật sự trọn vẹn trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam vì nhiệm vụ chăm lo sức khỏe nhân dân thời điểm này vẫn hết sức quan trọng. Lãnh đạo Thành phố đánh giá cao sáng kiến tổ chức Giải thưởng Thành tựu Y khoa của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM và Sở Y tế Thành phố.
Ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố nhận định: “Lãnh đạo Thành phố đánh giá cao giải thưởng. Đây không chỉ là sự ghi nhận mà còn là lời tri ân của Nhân dân Thành phố gửi đến lực lượng ngành Y tế đã có nhiều đóng góp trong thời gian qua để bảo vệ sức khỏe cộng đồng…”.
Ở góc độ chuyên môn, Sở Y tế TPHCM cũng đánh giá cao các thành tựu tham gia giải thưởng năm nay. PGS.TS.BS.Tăng Chí Thượng – thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế TPHCM - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn phát biểu: “Đã có rất nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay. Mặc dù Ban tổ chức chỉ chọn ra 10 sản phẩm nhưng ngành Y tế xin được trân trọng ghi nhận và vinh danh tất cả các sản phẩm đã đăng kí… ”.
Sau 3 tháng phát động, cổng bình chọn dành cho các đề cử bắt đầu mở vào ngày 15/2 đến hết ngày 20/2/2021, đã nhận được gần 40.000 tin nhắn qua tổng đài 8136 và gần 90.000 lượt bình chọn trên facebook. Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức đã vinh danh và trao giải cho 10 thành tựu. Đó là:
1 - Ứng dụng Dr.Home điều trị hậu Covid-19 – Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị Bệnh nghề nghiệp.
2 - Mô hình “Bệnh viện chị” hỗ trợ “Bệnh viện em” – Bệnh viện Nhân dân Gia Định
3 - Mô hình “Tổ y tế từ xa” – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
4 - Mô hình chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng – Đại học Y dược TPHCM
5 - Mô hình tư vấn F0 từ xa qua tổng đài 1022 – Hội Y học TPHCM
6 - Mở rộng cơ sở thu dung điều trị hiệu quả Covid-19 – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới
7 - Phối hợp liên viện và ECMO cứu sống mẹ con sản phụ mắc Covid-19 nguy kịch – Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM
8 -Thực hiện da kề da và cho trẻ bú mẹ sớm sau sinh ở sản phụ mắc Covid-19 – Bệnh viện Từ Dũ
9 - Mô hình chạy thận nhân tạo tại các trung tâm cách ly Covid-19 – Bệnh viện Lê Văn Thịnh
10 - Trung tâm H.O.P.E – Chăm sóc trẻ sơ sinh của thai phụ mắc Covid-19 nguy kịch – Bệnh viện Hùng Vương.
Đây là lần thứ 2 liên tiếp, Bệnh viện Hùng Vương có công trình được vinh danh tại Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam. PGS. TS. Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ về Mô hình H.O.P.E – Trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh của thai phụ mắc Covid-19 nguy kịch: “Năm nay Lễ trao giải được tổ chức hoành tráng hơn. Chúng tôi rất vui vì đã nhận được giải thưởng này. Hi vọng rằng tập thể các y, bác sĩ, người lao động của bệnh viện Hùng Vương sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của mình để phục vụ cho người dân tốt hơn…”.
Có thể thấy trong mùa dịch vừa qua, những mô hình tư vấn, chăm sóc bệnh nhân từ xa đã ra đời rất kịp thời và hỗ trợ rất nhiều cho người dân Thành phố. Những mô hình tuy “xa mà gần” đó không chỉ giúp giảm tải cho hệ thống y tế trên thực địa mà còn giúp người dân tin tưởng rằng sẽ không ai bị bỏ lại phía sau nếu không may nhiễm bệnh.
Vào những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất tại TPHCM, để đảm bảo an toàn và tránh lây nhiễm chéo trong các bệnh viện, rất nhiều bệnh nhân không thể tìm được nơi chạy thận định kỳ. Hoang mang, lo lắng là tâm trạng chung của rất nhiều bệnh nhân thận nhân tạo, đặc biệt là khi họ là F0, F1, người có nguy cơ cao… thì những lo lắng đó càng tăng thêm gấp bội.
Trong cuộc chiến chống Covid-19 tại TPHCM vừa qua, khốc liệt có, đau thương có và mất mát cũng không ít nhưng cũng chính trong cuộc chiến này nhiều cách làm hay, sáng tạo, dám nghĩ dám làm đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân giữa lằn ranh sinh tử.
Đó là sáng kiến về triển khai mô hình chạy thận nhân tạo tại các Trung tâm cách ly trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, TPHCM
Đứng trước sứ mệnh phải giành giật sự sống cho bệnh nhân, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã triển khai mô hình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân suy thận mạn là F0, F1... những người đang sinh sống trong các khu vực phong tỏa.
Như một chiếc phao cứu sinh, sau rất nhiều bệnh viện khác từ chối, anh Tăng Quốc Hải ở Bình Chánh TPHCM - một bệnh nhân chạy thận không giấu được lòng mình khi các nhân viên y tế ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh thực hiện chạy thận cho anh. Mỗi lần được xe đón đến nơi để chạy thận là mỗi lần anh không biết phải cảm ơn như thế nào cho đủ.
Với quyết tâm chống dịch như chống giặc, quá trình triển khai thực hiện để thành lập trung tâm chạy thận trong khu cách ly được thực hiện rất nhanh chóng khẩn trương tất cả quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, nguồn nước RO đến lối di chuyển của người bệnh, nhân viên y tế đều được quản lý chặt chẽ. Đến cả việc tận dụng xe cứu thương 0 đồng đến đón bệnh nhân chạy thận cũng được bệnh viện chuẩn bị chu đáo.
Trong phòng chạy thận, nhân viên y tế túc trực và bệnh nhân đều mặc đồ bảo hộ. Mỗi ca chạy thận khoảng 3-4 giờ. Sau mỗi ca, nhân viên y tế thực hiện phun khử khuẩn, vệ sinh phòng bệnh, hệ thống chạy thận. Có những ngày trung tâm phải chạy hết công suất, ca 4 ca 5...
Có những bệnh nhân sau khi chạy thận về đến nhà là 2, 3 giờ sáng, đó cũng là giờ các bác sĩ ở trung tâm tiến hành khử khuẩn vệ sinh, chuẩn bị cho ca chạy tiếp theo vào mờ sáng. Không những vậy các nhân viên y tế ở đây còn động viên, an ủi các bệnh nhân chạy thận ở trung tâm mình vì hơn ai hết họ thấu hiểu bệnh nhân của mình mong manh đến thế nào.
Không những thực hiện chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân ở TPHCM và các tình lân cận như Long An mà Bệnh viện Lê Văn Thịnh còn hỗ trợ triển khai thành công đơn vị chạy thận cách ly trong khu cách ly Trung tâm Y tế Long Điền là khu cách ly của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ cán bộ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, các bệnh nhân chạy thận không phải chuyển lên tuyến trên và quan trọng đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch tốt nhất.
Với những hiệu quả đạt được, việc triển khai chạy thận nhân tạo đã được công nhận sáng kiến cấp bộ y tế vào cuối năm qua. Tuy nhiên điều quan trọng hơn hết, điều các nhân viên y tế ở khoa thận nhận tạo của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, TPHCM tự hào nhất là nhiều bệnh nhân đã được cứu sống, bớt đi những lo lắng hoảng loạn trong đại dịch Covid-19 vừa qua, được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế nhanh nhất và sớm nhất.
Khép lại đêm vinh danh trao giải đầy trang trọng và ý nghĩa, những người mang “sứ mệnh blouse trắng” lại tiếp tục quay về với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.
Mỗi năm chỉ có một ngày 27/2 là Ngày Thầy thuốc Việt Nam nhưng có lẽ cả 364 ngày còn lại, xã hội cũng luôn dành cho các nhân viên y tế một tình cảm đong đầy biết ơn và trân trọng.
Tấn Tài