Vĩnh Phúc: 2 quý liên tiếp kinh tế tăng trưởng dương

Thứ năm, 26/10/2023 - 14:31

TNV - Quý I năm 2023, kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc tăng trưởng âm (0,5%) so với cùng kì năm trước. Nguyên nhân được chỉ ra là do tỉnh có độ mở kinh tế cao, có nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu chịu tác động suy giảm của kinh tế thế giới, làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Nhưng liên tiếp trong quý II và quý III vừa qua, nền kinh tế Vĩnh Phúc đã có dấu hiệu phục hồi, bật tăng trưởng dương. Đây là tín hiệu vui để tỉnh Vĩnh Phúc càng thêm nỗ lực, quyết tâm trong quý 4/2023.

Danh thắng Tây Thiên thu hút đông đảo du khách thập phương về dự lễ hội hàng năm và chiêm bái.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm tốc độ tăng GRDP của tỉnh đạt 1,69%,và 9 tháng đầu năm tăng 2,1%; GRDP theo giá hiện hành tăng 3,1%. Đặc biệt, Vĩnh Phúc là tỉnh duy nhất trong nhóm 5 tỉnh tăng trưởng âm của cả nước trong quý I năm nay đã phục hồi tăng trưởng ở 2 quý vừa qua. Tính chung cả 9 tháng: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,49%; Khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 0,74%; Khu vực dịch vụ tăng 8,43%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,84%.

Ngành công nghiệp

Sang Quý III có dấu hiệu khởi sắc hơn các quý trước, tốc độ tăng trưởng GRDP quý III dự kiến đạt mức tăng khá so với quý trước (tăng 5,3%) nhưng so với cùng kỳ chỉ đạt mức tăng thấp 0,4%; dẫn đến tăng trưởng 9 tháng của ngành không đạt kế hoạch, chỉ đạt -0,74%.

Trong đó,một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, như ngành sản xuất linh kiện điện tử có sự phục hồi vào quý II nhưng lại sụt giảm vào quý III, chỉ số sản xuất tính chung 9 tháng tăng 8,41%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Giá trị tăng thêm (GTTT) 9 tháng đầu năm ước tăng 10,70% so với cùng kỳ, tuy thấp hơn mức tăng những năm trước, nhưng với cơ cấu chiếm trên 48% GTTT ngành công nghiệp toàn tỉnh, ngành linh kiện vẫn là động lực chính đóng góp tới 2,20 điểm % vào tốc độ tăng GRDP của tỉnh.

Ngành sản xuất ô tô (doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của tỉnh như Toyota và Honda) sản xuất 9 tháng đầu năm ước đạt 28,3 nghìn xe, giảm 30,82% so với cùng kỳ (9 tháng năm 2022 đạt 40,9 nghìn xe). GTTT của ngành ước giảm 29,24%, làm giảm 1,14 điểm % tăng trưởng chung.

Doanh nghiệp sản xuất ô tôtrên địa bàn tỉnh chịu tác động suy giảm của kinh tế thế giới, làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn

Ngành sản xuất xe máy: Chỉ số sản xuất của ngành sản xuất xe máy 9 tháng giảm 11,8%; sản lượng xe máy đạt gần 1,17 triệu xe, giảm 9,38% so với cùng kỳ (9 tháng 2022 đạt 1,29 triệu xe). Hiện nay, thị trường tiêu thụ các sản phẩm xe máy trong nước ở giai đoạn bão hòa, một bộ phận người dân có nhu cầu chuyển sang mua ô tô hoặc các sản phẩm xe máy điện đã khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xe máy giảm. GTTT 9 tháng ngành xe máy ước giảm 10,79%, làm giảm 1,06 điểm % tăng trưởng chung.

Ngành xây dựng: Với nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc quyết liệt triển khai vốn đầu tư công, GTTT ngành xây dựng trên địa bàn đạt mức tăng khá, đặc biệt trong ngành xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng (+9,8%) và xây dựng chuyên dụng (+37,65%). Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, xây dựng nhà ở trong dân cư (chiếm 73% tổng GTTT ngành xây dựng) chỉ đạt mức tăng thấp (+2,89%). GTTT ngành xây dựng quý III ước tính tăng 6,12%, tính chung 9 tháng đầu năm ước tăng 5,94%

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản

Giá trị tăng thêm (GTTT) khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản quý III ước tăng 3,27%; tính chung 9 tháng đầu năm tăng 5,49%, đóng góp 0,32 điểm % tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Chăn nuôi lợn qui mô lớn áp dụng công nghệ cao.

Trong đó, ngành chăn nuôi 9 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng 3,94%, riêng quý III do giá các sản phẩm chăn nuôi đã ổn định hơn, người chăn nuôi bắt đầu có lãi, GTTT ngành chăn nuôi quý III tăng 5,0% so cùng kỳ. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 98,5 nghìn tấn, tăng 2,95% so với cùng kỳ, trong đó: thịt lợn hơi tăng 3,19%; thịt gia cầm tăng 3,58%. Các sản phẩm chăn nuôi khác tăng khá: trứng gia cầm tăng 10,14%; sữa bò tươi tăng 7,35%.

Ngành trồng trọt tăng khá (+8,1%), trong đó 6 tháng đầu năm tăng cao 11,76%, quý III chỉ tăng 0,9% do diện tích gieo trồng ngày càng giảm (-332 ha) so với vụ mùa năm 2022.Ngành Lâm nghiệp tiếp tục sản xuất ổn định, tăng 3,28%; sản xuất thủy sản tăng 4,08% so với cùng kỳ.

Khu vực dịch vụ

Quý III, hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. Các chính sách tăng lương từ 01/7, giảm thuế VAT, tăng chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước đang trở thành động lực thúc đẩy tăng tiêu dùng trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng các tháng liên tục tăng so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ.

Ước tính doanh thu 9 tháng của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đãđóng góp nhiều vào tốc độ tăng chung của khu vực dịch vụ. Cụ thể: Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 10,95%, đóng góp 0,62 điểm %; Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,65%, đóng góp 0,16 điểm %; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 32,20%, đóng góp 0,14 điểm %; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 14,94% đóng góp 0,04 điểm %... Tính chung tăng trưởng khu vực dịch vụ 9 tháng đầu năm ước tăng 8,43%, đóng góp 1,71 điểm % tăng trưởng của tỉnh và là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế của tỉnh.


Xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) – xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.

Đáng chú ý, với việc chủ động khai trương Cổng thông tin điện tử - App du lịch thông minh tỉnh Vĩnh Phúc, tổ chức thành công các hoạt động du lịch xuân 2023, khai mạc Du lịch chào hè 2023 với chủ đề “Vĩnh Phúc bốn mùa tình yêu”; song hành với công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; có sự kết nối, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong cả nước… từ đó số lượng khách tham quan du lịch đến tỉnh tăng rất cao, ước đạt gần 7,67 triệu lượt khách, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 54,35 nghìn lượt khách. Doanh thu du lịch ước đạt gần 3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ và đạt 85,7% so với kế hoạch năm. Làm cho dịch vụ du lịch của tỉnh đã có những dấu hiệu khởi sắc rõ rệt.

Điểm sáng về tỷ lệ giải ngân cao và thu hút đầu tư

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn là điểm sáng về tỷ lệ giải ngân cao, tính đến hết tháng 9 toàn tỉnhđã giao chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 hơn 11 nghìn tỷ đồng, giải ngân ước đạt trên 5,6 nghìn tỷ đồng bằng 73,6% so với kế hoạch vốn Trung ương giao. Tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2023 đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (38,8%); cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước (đạt 39,6%) và xếp thứ 12/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, theo đó tỉnh đã tổ chức thành công chuyến xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ với nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và một số tổ chức xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ; tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút các nhàđầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản; tiếp đón và làm việc với hàng chục đoàn các nhàđầu tư từ các nước đến thăm, tìm hiểu môi trường của tỉnh.

Cầu Vĩnh Phú khánh thành chào mừng Quốc khánh (2/9/2023) vừa qua

Do vậy kết quả thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, 9 tháng đầu năm 2023 tỉnh đã thu hút đầu tư đạt hơn 491 triệu USD vốn đầu tư FDI, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 67,7% và đạt 122,8% kế hoạch. Đồng thời, đã thu hút đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng vốn DDI, đạt 206,7% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 4,05 lần so với kế hoạch năm 2023.

An sinh xã hội được chăm lo kịp thời, đầy đủ

Ngoài ra, trong 09 tháng đầu năm, tỉnh Vĩnh Phúc có thêm 03 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu (lũy kế đến nay có 89 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu); 04/9 huyện, thành phố tiếp tục thực hiện duy trìđạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2023 đã lựa chọn được 38phương án sản xuất kinh doanh.

Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm ước đạt 15 nghìn lao động, bằng 88,2% so với kế hoạch và bằng 90,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Lĩnh vực giảm nghèo tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện thông qua các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn, hỗ trợ học nghề, xuất khẩu lao động; chỉ đạo cấp 29.246 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo; hỗ trợ gần 10 tỷ đồng cho cáchộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình khó khăn có khó khăn về nhà ở. Đầu năm 2023, toàn tỉnh có 3.405 hộ nghèo đa chiều, chiếm 0,99% tổng số hộ dân toàn tỉnh; có 5.881 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,71% tổng số hộ dân. Ước đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 0,7%.

Các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác, đúng đối tượng. Thực hiện điều dưỡng người có công (NCC) với cách mạng và thân nhân NCC với cách mạng là 12.832 người. Đời sống của người có công ngày càng được nâng cao, hiện nay 100% hộ người có công trên địa bàn tỉnh có mức sống trung bình trở lên.

Các lĩnh vực bảo trợ xã hội được thực hiện tốt, trong đó có 44 nghìn người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, và có 435 đối tượng được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Tam Đảo - thị trấn bồng bềnh ẩn hiện trong mây luôn là điểm đến hấp dẫn đông đảo du khách

Nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm được tỉnh Vĩnh Phúc đề ra là tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người sản xuất mở rộng sản xuất, sử dụng hết năng lực hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chủ yếu như: Tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế nhất là các chính sách về tài chính, tín dụng trên địa bàn tỉnh; Tháo gỡ khó khăn trong từng ngành, lĩnh vực và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ cấp bách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Phạm Quỳnh

(Nguồn ảnh: Internet)