Lãnh đạo Tỉnh ủy tặng quà trung thu cho các cháu vùng đồng bào DTTS&MN xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo
65 công trình hạ tầng được phê duyệt
Cụ thể, dự án được triển khai đầu tư trên địa bàn 11 xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số và miền núi với 65 công trình hạ tầng được phê duyệt trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn có trị giá hơn 300 tỷ đồng. Dự án này được thực hiện tích hợp lồng ghép theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, còn có Dự án phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi hiện đang được UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, củng cố phát triển các trường phổ thông có học sinh bán trú vùng đồng bào DTTS&MN lồng ghép trong Đề án “Phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”.
Được biết, từ 2019 đến nay, Vĩnh Phúc đã tổ chức 10 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, chính sách dân tộc cho 2 nhóm đối tượng 3 và 4 theo quy định, kinh phí thực hiện là 765 triệu đồng. Thông qua các lớp bồi dưỡng nhằm trang bị, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa các dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc các cấp.
Năm 2023 tỉnh dự kiến tổ chức 11 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ theo dõi, phối hợp triển khai Chương trình thuộc các Sở, ngành, các huyện, thành phố liên quan và các cán bộ triển khai thực hiện Chương trình tại cơ sở. Đồng thời, tổ chức 01 đoàn công tác gồm các cán bộ các Sở, ngành, huyện, thành phố và cán bộ các xã thuộc Chương trình đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại một số tỉnh về công tác quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình với kinh phí thực hiện năm 2023 là 700 triệu đồng từ ngân sách tỉnh.
Giao thông nông thôn xã miền núi Hợp Lý, huyện Lập Thạch được đầu tư giúp bà con thuận lợi sản xuất
Đối với Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Hiện nay, 100% các trạm y tế huyện, xã vùng DTTS&MN của tỉnh đã đạt chuẩn; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư đầy đủ; số lượng, chất lượng đội ngũ y bác sỹ cơ bản đủ, đáp ứng yêu cầu, phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Giai đoạn 2021-2025 tỉnh tiếp tục đầu tư, trang bị các phương tiện, thiết bị hiện đại để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Mặt khác, tỉnh cũng chú trọng triển khai tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực quản lý dân số, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ-trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số. Kinh phí cho các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, thực hiện các nội dung trên của năm 2023 là 1.600 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp
Đặc biệt, trong năm 2022-2023 tỉnh Vĩnh Phúc đã lựa chọn 8 địa điểm vùng DTTS&MN để thực hiện mô hình thí điểm “Làng văn hóa kiểu mẫu” gắn với việc thực hiện Dự án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp... góp phần bảo tồn, khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương,
Ông Vũ Chí Giang (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) cho biết, thực hiện Dự án truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tăng cường phối hợp thực hiện các nội dung về tuyên truyền, truyền thông vận động nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN tham gia tổ chức, triển khai thực hiện các Chương trình MTQG,.. Qua đó, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng các hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cũng như năng lực kiểm tra, giám sát, đánh giá tổ chức thực hiện Chương trình… cho người dân vùng DTTS và miền núi.
Con em đồng bào DTTS huyện Tam Đảo được học tập ở những ngôi trường khang trang
Đáng chú ý, để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS&MN, năm 2022 tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ tạo mặt bằng, cấp đất ở cho 02 hộ (huyện Bình Xuyên), kinh phí 410 triệu đồng từ ngân sách huyện. Năm 2023, tiếp tục giải quyết hỗ trợ trực tiếp đất ở cho 03 hộ tại huyện Tam Đảo; hỗ trợ thủ tục, chia tách, chuyển nhượng, cấp giấy CNQSD đất cho 74 hộ; hỗ trợ đào tạo nghề (thay thế hỗ trợ đất sản xuất) cho hơn 200 đối tượng; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi (thay thế hỗ trợ đất sản xuất) cho hơn 129 đối tượng với nguồn kinh phí gần 13.000 triệu đồng.
Về hỗ trợ nước sinh hoạt: đến năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%. Hiện nay, UBND tỉnh đang nghiên cứu phương án đầu tư cho các xã, thị trấn vùng nông thôn các công trình cấp nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.
Tiếp đến là Dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị: Năm 2023, Vĩnh Phúc dự kiến đầu tư 01 mô hình trồng cây ăn quả, 02 mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện gặp một số khó khăn liên quan đến việc quy hoạch, quy mô diện tích sử dụng quỹ đất, khó khăn trong việc lựa chọn đối tượng tham gia mô hình từ hộ gia đình ở vùng DTTS. Hiện nay, tỉnh đang rà soát các mô hình đủ điều kiện để phê duyệt danh mục dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc.
Người Sán Dìu huyện Tam Đảo thường xuyên sinh hoạt múa hát Sọong cô để giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống
Cũng theo Phó Chủ tịch tỉnh Vũ Chí Giang, để thúc đẩy tinh thần khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng DTTS và miền núi: Năm 2023 tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ quy trình thủ tục, sản xuất kinh doanh, chế biến tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP đối với 12 sản phẩm; kinh phí thực hiện năm 2023 là 2.000 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Giai đoạn 2021-2025 tỉnh Vĩnh Phúc có 11 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc và thiểu số và miền núi (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ), tỉnh không có xã Khu vực II, không có xã khu vực III và thôn ĐBKK.
Toàn tỉnh có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm dân tộc Kinh và 40 dân tộc thiểu số. Số lượng người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là 55.383 người, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là các dân tộc: Sán Dìu, Cao Lan, Dao, Tày, Mường,.. Các dân tộc đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS&MN năm 2023 của tỉnh đạt khoảng 77,6 triệu đồng/người; vượt mục tiêu so với kế hoạch, tăng hơn 1,2 lần so với năm 2020. Dự kiến đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS&MN giảm còn 1,02% (của toàn tỉnh dự kiến 0,66%), vượt mục tiêu so với kế hoạch.
Phạm Quỳnh