Vĩnh Phúc: Bố trí khoảng 1.000 tỷ đỗng mỗi năm cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Thứ bảy, 08/03/2025 - 09:48

Trong giai đoạn 2025-2030, tỉnh Vĩnh Phúc cân đối tổng mức chi ngân sách trung bình hàng năm khoảng 1.000 tỷ đồng (tương ứng bằng 3% theo nội dung yêu cầu Nghị quyết 57-NQ/TW) cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, nhằm thực hiện mục tiêu đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh Vĩnh Phúc trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Vĩnh Phúc tổ chức

Vĩnh Phúc tổ chức "Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" - Techfest VinhPhuc nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phục vụ vụ có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhưng, theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Phúc ban hành kèm theo Quyết định số 322-QĐ/UBND ngày 26/2/2025 vừa qua dự báo, thì tổng nhu cầu khi phân bổ để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2025-2030 có khả năng hấp thụ khả thi trong quá trình thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW khoảng từ 1.800 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng (trong đó bình quân phân bổ hàng năm khoảng từ 300 tỷ đồng đến 350 tỷ đồng), bằng 30-40% kế hoạch vốn.

Giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học

Đáng chú ý, UBND tỉnh khẳng định sẽ ban hành cơ chế mới về khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm, hàng hóa là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo ra; đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, hoặc hỗ trợ để mua các bí mật công nghệ, học hỏi, sao chép các công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Đồng thời, xây dựng và công bố các danh mục các dự án trọng điểm cần thu hút đầu tư để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ngoài ra, hàng năm tỉnh Vĩnh Phúc cam kết phân bổ kinh phí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đồng thời, cải cách về cơ chế tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030 theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, thanh quyết toán gắn với việc giao quyền tự chủ, phân quyền trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học.

Mặt khác, Vĩnh Phúc cũng có cơ chế, chính sách hấp dẫn về học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên theo học các các khối ngành về toán học, vật lý, sinh học, hóa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt,…để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật trong tương lai phục vụ các ngành kỹ thuật. Triển khai sâu rộng phong trào "học tập số", phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ, kiến thức số trong cán bộ, công chức và Nhân dân.

Đi liền với đó là phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên có trình độ đáp ứng việc giảng dạy lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ then chốt,…tại một số trường cao đẳng, đại học đóng trên địa bàn tỉnh. Có chính sách đặc thù để thu hút, tuyển dụng, giữ chân nhân lực về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị. 

Vĩnh Phúc: Bố trí khoảng 1.000 tỷ đỗng mỗi năm cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số- Ảnh 2.

Các đại biểu tham quan sản phẩm khoa học công nghệ tại Techfest Vĩnh Phúc2024.

Vĩnh Phúc: Bố trí khoảng 1.000 tỷ đỗng mỗi năm cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số- Ảnh 3.

Công nghiệp ô tô – mũi nhọn kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc.

 Trên cơ sở chính sách của Trung ương và tình hình thực tế tại địa phương, giai đoạn 2025-2039 tỉnh Vĩnh Phúc sẽ xây dựng chính sách đặc thù mới để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cùng với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước khởi nghiệp tại tỉnh.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc cam kết thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phấn đấu tất cả các doanh nghiệp FDI hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh hình thành Quỹ nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Cùng đó là ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển một số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh; cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm về chuyển đổi số; cơ chế ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế trong nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, phát triển, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.

Chú trọng giữa chủ động đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với các Viện, trường để thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh với hàng năm xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động quản lý khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Đặc biệt, triển khai xây dựng mô hình Trung tâm giám sát điều hành thông minh nhằm tăng cường quản lý công việc, nâng cao hiệu lực quản trị, hiệu quả điều hành của các cấp chính quyền. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng trên các nền tảng số và không gian mạng, an toàn dữ liệu hợp pháp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và chủ quyền an ninh dữ liệu quốc gia. Ứng dụng công nghệ số trong bảo đảm an ninh trật tự, chỉ huy, điều hành tác chiến trong quốc phòng an ninh. Ngăn chặn hiệu quả tội phạm lĩnh vực chuyển đổi số, chống lừa đảo trực tuyến đối với người dân.

Đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Đối với đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: Chú trọng phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng mới, năng lượng sạch và bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển khoa học, công nghệ, các ngành công nghiệp chiến lược của tỉnh. Quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh, nhất là đất hiếm để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cụ thể trong giai đoạn 2025-2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung vào triển khai một số nhiệm vụ như: Xây dựng đề án phát triển năng lượng mặt trời đối với cơ quan, công sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030. Khẩn trương thực hiện các nội dung của Đề án phát triển Trung tâm ứng dụng và Đổi mới sáng tạo đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định số 905/QĐ- UBND ngày 27/4/2023. 

Vĩnh Phúc: Bố trí khoảng 1.000 tỷ đỗng mỗi năm cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số- Ảnh 4.

Viettel Vĩnh Phúc tiên phong trong ứng dụng chuyển đổi số.

Vĩnh Phúc: Bố trí khoảng 1.000 tỷ đỗng mỗi năm cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số- Ảnh 5.

Đoàn viên thanh niên tỉnh Vĩnh Phúc tham quan trải nghiệm các sảnphẩm công nghệ cao. (Ảnh: Trần Linh)

Hình thành, phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trên các lĩnh vực (nếu đủ điều kiện). Hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng hoặc thành lập một khu vực để triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng mô hình trải và thực nghiệm.

Ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, mua, thuê các sản phẩm, dịch vụ số; chính sách đặc biệt để đào tạo, phát triển, thu hút tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển sản phẩm công nghệ số, công nghiệp an ninh mạng. Ứng dụng các nền tảng số quốc gia, vùng, bảo đảm hoạt động thống nhất, liên thông của các ngành, lĩnh vực trên môi trường số. Thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế số trên các lĩnh vực.

Phát triển hạ tầng viễn thông, Internet đáp ứng yêu cầu dự phòng, kết nối, an toàn, bền vững, mạng cáp quang băng thông rộng tốc độ cao, mạng thông tin di động 5G, 6G và các thế hệ tiếp theo. Phát triển hạ tầng vật lý số, hạ tầng tiện ích số; tích hợp cảm biến, ứng dụng công nghệ số vào hạ tầng thiết yếu.

Xây dựng đề án dữ liệu và chuyển đổi số các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng Internet vạn vật (IoT).

Hoàn thành và phát huy hiệu quả Trung tâm dữ liệu tỉnh kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia. Xác lập quyền sở hữu, kinh doanh dữ liệu và phân phối giá trị tạo ra từ dữ liệu. Xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên dữ liệu lớn đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh.

Triển khai số hóa các dữ liệu trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc để kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia; trong đó tập trung nội dung cụ thể số hóa về thông tin để từng bước xây dựng thành phố thông minh tại hai Thành phố trên địa bàn tỉnh là Vĩnh Yên và Phúc Yên - kế hoạch của UBND tỉnh nêu rõ.

Phạm Quỳnh

Nguồn ảnh: Sưu tầm dùng để minh họa