Vĩnh Phúc: Đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn

Thứ sáu, 20/10/2023 - 10:35

TNV - Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Vĩnh Phúc xác định mục tiêu đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn, đồng thời thông qua triển khai thực hiện Chương trình OCOP để phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Sản phẩm OCOP “Nấm đùi gà” của Công ty TNHH nấm Phùng Gia, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên

Tập trung phát triển các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực có lợi thế ở mỗi địa phương

Trong đó, mục tiêu cụ thể là sẽ tập trung phát triển các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực có lợi thế ở mỗi địa phương. Phấn đấu toàn tỉnh: Phát triển mới từ 70-80 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 03 sao trở lên; phát triển nâng cấp sản phẩm để có 02-03 sản phẩm đạt 05 sao cấp quốc gia.

Mặt khác, tỉnh cũng chú trọng hoàn thiện các tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Củng cố, kiện toàn các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP; phấn đấu thông qua Chương trình OCOP phát triển mới từ 15 - 20 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác). Gắn với đào tạo, tập huấn kiến thức phát triển sản phẩm, quản lý sản xuất, kinh doanh cho 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP.

“Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa” và các sản phẩm chế biến từ “Đông trùng hạ thảo” của HTX nấm Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo

Bên cạnh đó, thực hiện và đưa các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP thành hoạt động thường xuyên hàng năm; hình thành từ 10-12 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại (Big C, Coopmart...), khu du lịch (Tam Đảo, Tây thiên.), khu đô thị trên địa bàn tỉnh, trung tâm hành chính cấp tỉnh, huyện.

Về giải pháp thực hiện, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về: Ứng dụng khoa học & công nghệ, công nghệ cao, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng; Quảng bá sản phẩm; Đăng ký nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu sản phẩm (Đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, tem nhãn, bao bì, mã số, mã vạch,...) cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Ưu tiên phát triển các sản phẩm đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ

Theo đó, ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hàng hóa đối với các sản phẩm OCOP.Hỗ trợ các Chủ thể cóđề tài, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP, nhất là ứng dụng các công nghệ sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Các đề tài/dự án dựa trên nhu cầu cụ thể của các tổ chức kinh tế (ưu tiên các hợp tác xã và các doanh nghiệp nhỏ và vừa có địa chỉ ứng dụng cụ thể).

Ứng dụng khoa học quản lý trong quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP. Đặc biệt ứng dụng triệt để các nội dung của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) vào tổ chức sản xuất hàng hóa, dịch vụ trong Chương trình OCOP.

Sản phẩm OCOP của Công ty cổ phần thực phẩm DBFOOD ở phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên: “Bột sữa gạo lứt”

Cùng với đó, xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy hoạch nông lâm nghiệp, thủy sản để tạo ra các vùng sản xuất tập trung đối với từng nhóm sản phẩm, làm cơ sở để phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực theo Bộ tiêu chí Chương trình OCOP.Quy hoạch, bảo tồn, phát triển các vùng sản xuất với các cây, con đặc sản để tạo ra các sản phẩm OCOP đặc trưng của các vùng miền.

Thực hiện tốt quy hoạch tổng thể, định hướng phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, trong đó chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP thuộc nhóm sản phẩm Dịch vụ, du lịch, lễ hội như: Du lịch lễ hội truyền thống; du lịch sinh thái; du lịch làng ngề; du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn;...

Sản phẩm Tacumin của Công ty cổ phần ong Tam Đảo, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên

Ngoài ra, tỉnh cũng chú ý xây dựng hệ thống tư vấn hỗ trợ, đối tác thực hiện Chương trình, gồm: Các cơ quan quản lý chương trình các cấp; các cá nhân, pháp nhân có kinh nghiệm và năng lực tư vấn toàn diện các nội dung thực hiện của chương trình OCOP.Các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm; các viện, trường đại học, nhà khoa học; hiệp hội chuyên ngành; các tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm; ngân hàng, quỹ đầu tư; đài phát thanh, truyền hình; nhà báo...

Với quan điểm nguồn lực lớn nhất tham gia Chương trình OCOP là từ cộng đồng, do đó các phương pháp huy động nguồn lực từ cộng đồng như tiền vốn, đất đai, sức lao động, nguyên vật liệu, công nghệ,... được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm triển khai trong suốt quá trìnhhình thành các tổ chức kinh tế, dưới dạng góp vốn, triển khai các hoạt động theo Chu trình OCOP thường niên; kết hợp với huy động nguồn lực từ các tổ chức tín dụng,nguồn vốn ngân sách Nhà nước để kịp thờihỗ trợ cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP.

“Trà hoa vàng Tam Đảo núi” của Công ty TNHH Tân Đại Dương Vĩnh Phúc, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo

Trước đó, giai đoạn 2018-2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 112 ý tưởng sản phẩm của 67 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình, trong đóđã có 65 chủ thể được hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, phát triển và tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo quy định của Chương trình.

Được biết, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 105 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; dự kiến trong năm 2023 này sẽ có thêm từ 30 – 35 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.

Phạm Quỳnh