TNV - Nhìn lại chặng đường 25 năm kể từ ngày tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, với tốc độ tăng trưởng bình quân 13,42%/năm, quy mô kinh tế năm 2021 tăng gấp 69,6 lần và GRDP bình quân đầu người đạt 114,3 triệu đồng/người (khoảng 4.800 USD), cao gấp 52,5 lần so với năm 1997 – đưa Vĩnh Phúc trở thành địa phương có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước, thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Vĩnh Phúc cũng tự hào với truyền thống hiếu học, học giỏi và sự quan tâm, chăm lo của tỉnh, nhiều năm liên tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là đơn vị xuất sắc, nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục đại trà cũng như chất lượng thi học sinh giỏi và chất lượng thi tuyển sinh vào đại học.
25 năm trước, ngay từ ngày đầu tái lập tỉnh, với chủ trương đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển, phải có chính sách ưu tiên cao nhất và giải pháp mạnh mẽ để phát triển GD&ĐT, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Đề án 01 về Phát triển giáo dục, đào tạo của tỉnh đến năm 2000. Đây là Đề án đầu tiên sau tái lập tỉnh, thể hiện sự quan tâm rất lớn của tỉnh đối với sự nghiệp GD&ĐT.
Khánh thành trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc tháng 8/2021. Đây là ngôi trường được đầu tư hiện đại nhất tỉnh Vĩnh Phúc, với khuôn viên 6,56 ha, trị giá đầu tư 473 tỷ đồng.
100% trường công lập từ mầm non đến THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia
Nhờ vậy, đến nay quy mô, mạng lưới trường lớp trong toàn tỉnh đều được phát triển, quy hoạch, bố trí hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Năm 1997 (tính cả huyện Mê Linh nay đã chuyển về Hà Nội), toàn tỉnh có 475 trường thì hiện nay đã nâng lên 508 trường. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non được duy trì ổn định và phát triển đa dạng về loại hình trường, lớp công lập và tư thục. Tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp tương đối cao so với trung bình cả nước; trẻ 5 tuổi được huy động ra lớp vẫn duy trì ổn định hàng năm đạt chỉ tiêu đề ra trên 99%.
Đến năm 2020, toàn tỉnh có 323 cơ sở giáo dục phổ thông, so với năm 1997 tăng 19 trường. Mạng lưới các trường tiểu học được mở rộng xuống các xã, phường; mạng lưới các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông được phát triển, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em trong độ tuổi đi học, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng. Tỉ lệ học sinh phổ thông từ 6 đến 18 tuổi đi học đạt 97,1%, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành trong cả nước .
Trong những năm vừa qua, cơ sở vật chất, các công trình phụ trợ của các trường liên tục được sửa chữa, nâng cấp và xây mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, về cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy và học. Năm học 1997 - 1998, tỷ lệ phòng học kiên cố chỉ đạt 13-14%; đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố của bậc học mầm non đạt 92,6%, cấp tiểu học đạt 96,8%, cấp THCS đạt 98,2%, cấp THPT và GDTX đạt 100%.
Tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức lễ biểu dương khen thưởng các học sinh đoạt giải quốc tế năm 2021
Đặc biệt, giai đoạn 2015-2021, tỉnh đã đưa vào sử dụng 2.035 phòng học và phòng học bộ môn xây mới ; hàng trăm phòng học bộ môn, thư viện, phòng tin học, ngoại ngữ được trang bị hiện đại, phục vụ cho việc dạy học; công tác tu bổ, cải tạo phòng học, khuôn viên nhà trường được thực hiện thường xuyên. Hầu hết các trường được kết nối mạng Internet, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học; nhà vệ sinh và công trình nước sạch học đường được quan tâm xây dựng, sửa chữa. Bên cạnh đó tỉnh cũng đã đầu tư xây mới 4 trường THCS, 4 trường THPT; trong đó Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc được đầu tư lớn, đồng bộ, hiện đại, là điểm nhấn của tỉnh và cả nước về hệ thống trường THPT Chuyên.
Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 100% trường công lập từ mầm non đến THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia , ngành GD&ĐT đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI. Giai đoạn 2021-2025, ngành GD&ĐT đã xây dựng chỉ tiêu đạt chuẩn quốc gia cho các trường trong hệ thống trường công lập theo từng năm, tới từng trường, bảo đảm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu trường học đạt chuẩn quốc gia mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kì 2020-2025 đã đề ra.
Khen thưởng các giáo viên có thành tích xuất sắc trong bồi dưỡng học sinh giỏi đoạt giải Olympic quốc tế
Xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới
Theo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định giúp cho chất lượng giáo dục của toàn tỉnh được nâng lên là chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngày một nâng cao.
Năm 2013, toàn ngành còn khoảng 50 giáo viên mầm non có trình độ đào tạo dưới chuẩn. Mặc dù thiếu giáo viên đứng lớp, song các đơn vị đều tạo điều kiện bố trí, sắp xếp cho giáo viên đi đào tạo đạt chuẩn, nâng chuẩn. Đến năm học 2014-2015, 100% giáo viên toàn ngành đều đạt chuẩn trình độ đào tạo.
Từ năm học 2020-2021, căn cứ Luật Giáo dục 2019, số CBQL, GV chưa đạt trình độ chuẩn đào tạo là 2.782 người, tỷ lệ 18.54% đã được ngành GDĐT chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về thực hiện lộ trình nâng chuẩn được
đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2021 – 2025.
Trong năm 2021, đã cử 100% số giáo viên MN, TH, THCS công lập chưa đi đào tạo sẽ đi đào tạo (881 người) để đảm bảo đến năm 2024 – 2025 có 100% CBQL, GV các cấp đạt chuẩn trình độ đào tạo.
Học sinh Vũ Ngọc Bình (bên trái) lớp 11 chuyên Toán (trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc) đoạt Huy chương Đồng môn Toán học quốc tế năm 2021 và thầy giáo Lê Xuân Đại – người trực tiếp bồi dưỡng kiến thức cho Bình
Để nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho CBQL và giáo viên, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên của ngành có chất lượng cao, Ngành đã xây dựng kế hoạch cử cán bộ, giáo viên đi đào tạo sau đại học. Số cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ thạc sĩ trở lên tăng dần qua các năm. Năm 2008, toàn ngành có trên 400 CBQL, giáo viên đã và đang được đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; năm 2013 con số này đã tăng lên hơn 700 và đến nay là trên 1.000 người.
Đồng thời, Ngành cũng tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Theo đó, 100% CBQL đã được bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, quản lý, xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020.
Bắt nhịp xu hướng hội nhập quốc tế, năm 2014, ngành GD&ĐT chọn cử giáo viên môn ngoại ngữ ở các trường tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở uy tín trong và ngoài nước; tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 100% giáo viên dạy ngoại ngữ ở các bậc học.
Do vậy, chất lượng của đội ngũ giáo viên môn tiếng Anh ngày càng cao. Tính đến tháng 12/2020, toàn tỉnh có 919/970 giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (Khung NLNNVN), chiếm 94,7% (vượt mục tiêu của Đề án ngoại ngữ 6584 là 24,7%). Năm 2020, có 32/45 (71,1%) giáo viên tiếng Anh cấp THPT dự thi và đạt năng lực tiếng Anh quốc tế IELTS 6.5 trở lên; có 05 giáo viên tiếng Anh THPT đạt năng lực tiếng Anh quốc tế Aptis trình độ C1 (bậc 5).
Đáng chú ý, giai đoạn từ 1997 đến trước năm 2015, hầu hết CBQL, giáo viên biết sử dụng máy tính, nhưng chưa sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học. Sở GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng công nghệ thông tin cho hàng trăm CBQL, hàng nghìn giáo viên trên địa bàn.
Đến nay, đa số CBQL, GV đã sử dụng thành thạo CNTT trong công tác quản lý, giảng dạy. Điều này được minh chứng qua thực tiễn hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh phải chuyển từ hình
thức dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến.
Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc tặng xe đạp tiếp sức đến trường cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn Trường THCS Đạo Trù, huyện Tam Đảo
Bên cạnh bồi dưỡng công tác chuyên môn, ngành chú trọng đến việc bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị cho đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục. Vào đầu mỗi năm học, Sở GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị, tạo điều kiện cho CBQL và đội ngũ nhà giáo tham gia các lớp Trung cấp lý luận chính trị, Cao cấp lý luận chính trị.
Chất lượng giáo dục luôn được xếp vào tốp đầu cả nước và phát triển vươn tầm quốc tế
“Sau 25 năm tái lập, chất lượng giáo dục toàn diện đã có những chuyển biến tích cực, là một trong 4 tỉnh thành trên cả nước phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; chất lượng giáo dục tiểu học được giữ vững và có những nội dung đổi mới; chất lượng thi tốt nghiệp THPT Quốc gia luôn đứng trong tốp đầu cả nước , khẳng định vị thế trong toàn quốc về kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với chất lượng cao”- đại diện ngành GDĐT Vĩnh Phúc cho biết.
Cụ thể: Tính đến năm 2021, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được đảm bảo an toàn tuyệt đối cả về thể chất và tinh thần, được học 2 buổi/ngày và được ăn bán trú tại trường; 99% trẻ đạt chuẩn phát triển theo đánh giá cuối chủ đề và cuối giai đoạn; trẻ 5 tuổi ra lớp được đánh giá theo bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi và trẻ em được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1 đạt 100%; 100% nhóm, lớp thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển tình cảm, kĩ năng xã hội, thẩm mỹ và các hoạt động giáo dục kĩ năng sống cho trẻ.
Hà Mạnh Duy – học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc đoạt Huy chương Bạc Olympic môn Sinh học quốc tế, năm 2021
Đối với giáo dục tiểu học: Vĩnh Phúc được Bộ GD&ĐT công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi từ 20 năm trước (tháng 12/2002). Kết quả này đánh dấu bước phát triển về chất của giáo dục Vĩnh Phúc, khẳng định mặt bằng dân trí của tỉnh được nâng cao, tạo tiền đề tốt cho nguồn nhân lực có chất lượng cao. HS được đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành các môn học chiếm tỉ lệ cao. HS lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt: 98,5%.
Giáo dục trung học cơ sở: số lượng HS có học lực Khá, Giỏi đều tăng, số lượng HS có học lực Yếu, Kém đều giảm. Kết quả xếp loại hạnh kiểm Khá, Tốt của HS THCS luôn ở mức cao. Tỉ lệ trẻ trong độ tuổi 11-14 hoàn thành chương trình THCS đạt 99,1%. Giáo dục trung học phổ thông: trong nhiều năm liên tục, giáo dục cấp trung học của tỉnh Vĩnh Phúc luôn được Bộ GD&ĐT xếp vào tốp đầu cả nước (điểm trung bình kỳ thi THPT quốc gia luôn xếp hạng là 1 trong 6 tỉnh cao nhất cả nước). Tỉ lệ HS tốt nghiệp THPT thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ở trong top các trường có tỉ lệ đỗ cao (thường xếp thứ 5,6 trên tổng số các trường thuộc các tỉnh/thành toàn quốc).
Giáo dục thường xuyên: Chất lượng học viên học chương trình GDTX cấp THPT được duy trì ở mức tương đối ổn định. Những năm gần đây, tỉ lệ học viên học chương trình GDTX đỗ tốt nghiệp THPT dao động khoảng từ 93% đến 98%. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của khối GDTX tỉnh Vĩnh Phúc luôn cao hơn tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước.
Đặc biệt, trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc đã phát triển, vươn tầm quốc tế. Với trọng trách được giao là bồi dưỡng các đội tuyển HSG quốc gia, quốc tế, nhà trường đã góp phần đem về cho tỉnh những thành tích rất đáng tự hào, đứng trong tốp đầu của cả nước về thành tích thi HS giỏi quốc gia . Tính từ năm 1998 đến nay, Vĩnh Phúc đã đạt được 1.405 giải học sinh giỏi cấp quốc gia; trong đó có 73 giải nhất; 33 giải khu vực và quốc tế, trong đó có 03 huy chương vàng, 07 huy chương bạc, 15 huy chương đồng và 08 bằng khen.
Xây dựng xã hội học tập và khát vọng cống hiến, phát triển của con người Vĩnh Phúc
Bên cạnh đó, công tác xây dựng xã hội học tập luôn được quan tâm. Vĩnh Phúc là 1 trong 8 tỉnh đầu tiên trong cả nước, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có Trung tâm học tập cộng đồng (TTHT CĐ). Hiện nay, toàn tỉnh có 136 TTHTCĐ; các TTHTCĐ đã phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị tổ chức hàng nghìn chuyên đề, lớp bồi dưỡng tập huấn về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, kiến thức về pháp luật, các vấn đề về xã hội, sức khỏe, đời sống…Nhiều TTHTCĐ có đội ngũ CBQL nhạy bén, nắm bắt nhanh nhu cầu học tập của người dân, tổ chức kịp thời, có hiệu quả các lớp tập huấn chuyên đề đáp ứng nhu cầu người học.
Về công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ: Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 4 toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi vào năm 2012 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 vào năm 2013. Năm 2017 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS) mức độ 2 và chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Đến năm 2020, tỷ lệ người biết chữ trong các độ tuổi 15-35 đạt 99,53%; độ tuổi từ 15-60 đạt 99,32%; 100% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập không mù chữ trở lại; 100% huyện, thành phố đạt xóa mù chữ mức 2.
Tiếp nối những thành tựu của 25 năm vừa qua, trong giai đoạn tiếp theo, ngành Giáo dục Vĩnh Phúc xác định mục tiêu phát triển theo hướng chuẩn hóa, dân chủ hóa, hiện đại hoá, xã hội hoá và hội nhập quốc tế, đáp ứng đủ về đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục tạo đột phá trong hoạt động quản lí giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; nâng cao chất lượng dạy chữ, dạy người hướng đến chân - thiện - mỹ; tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn và văn minh; phát huy ý chí, sức sáng tạo, hun đúc khát vọng cống hiến và phát triển của con người Vĩnh Phúc./
Phạm Quỳnh
Nguồn ảnh: Báo Vĩnh Phúc