95% tổng khối lượng giá trị giao dịch được thực hiện một cách thuận lợi tại xã
Theo đó, hiện toàn tỉnh có 136 Điểm giao dịch tại 136/136 xã, phường, thị trấn (Điểm giao dịch xã); hoạt động của Điểm giao dịch tại trụ sở UBND cấp xã đã tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời tiết giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, hạn chế được tiêu cực phát sinh, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”.
Nhờ có hệ thống mạng lưới Điểm giao dịch xã, đến nay trên 95% tổng khối lượng giá trị giao dịch của NHCSXH với người nghèo và các đối tượng chính sách được thực hiện một cách thuận lợi tại xã. Việc tổ chức giao dịch tại xã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nhiệt tình ủng hộ, qua đó tạo được lòng tin của nhân dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH.
Mặt khác, chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân ngay tại cơ sở. Đặc biệt, Điểm giao dịch xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, là một đặc thù riêng có của NHCSXH, đã và đang phát huy
hiệu quả rất tích cực trong hoạt động chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.
Điểm giao dịch xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô. (Ảnh: TTX).
Bên cạnh đó, NHCSXH Vĩnh Phúc còn ủy thác một số nội dung công việc cho 04 tổ chức chính trị - xã hội (CT- XH) và thiết lập mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các thôn, xóm, tổ dân phố. Phương thức cho vay này đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, thể hiện tính ưu việt riêng có của Việt Nam.
Từ đây, các tổ chức CT-XH đã phát huy thế mạnh rõ rệt trong việc tham gia bình xét, quản lý, đôn đốc, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi của người vay, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đến 30/4/2024, 4 tổ chức CT-XH nhận uỷ thác quản lý 2.212 tổ TK&VV, 83.504 hộ với tổng dư nợ ủy thác là 4.508 tỷ đồng, chiếm 99,18% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh, tăng 150,79% so với 10 năm trước; riêng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh quản lý dư nợ ủy thác là 619,5 tỷ đồng với 10.967 khách hàng đang vay vốn tại 304 Tổ TK&VV, tăng 431,9 tỷ đồng (230,25%) so với 10 năm trước, chiếm tỷ trọng 13,74% trên dư nợ ủy thác cho vay.
Ngoài ra, hằng năm các tổ chức CT - XH đã tổ chức các lớp tập huấn quản lý tài chính cá nhân và hộ gia đình, giúp hộ vay có thêm kiến thức về tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; hướng dẫn các hộ vay vốn, hội viên gửi tiết kiệm tại NHCSXH, tạo nguồn vốn tự có cho gia đình, và giảm nhẹ gánh nặng hoàn trả
vốn.
Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, kết hợp với tư vấn, hướng dẫn các hội viên vay vốn nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Nhờ đó, nhiều hộ vay đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản
xuất, kinh doanh; chú trọng nuôi, trồng cây, con có giá trị kinh tế cao theo hướng trang trại và phát triển các ngành nghề truyền thống, nhất là các sản phẩm OCOP, từng bước cải thiện mức sống gia đình, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Hộ ông Nguyễn Văn Hồng, thôn Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc vay 200 triệu đồng vốn NHCSXH để phát triển chăn nuôi thủy sản. (Ảnh: NHCC).
Điển hình như mô hình hộ ông Nguyễn Văn Hồng, thôn Thụ Ích, xã Liên Châu (Yên Lạc) với 200 triệu đồng vốn vay đã đầu tư thêm một số giống cá chất lượng, ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thuỷ sản, với quy mô 7,5 ha nuôi cá công nghiệp đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 20 lao động thời vụ. Tiếp đến là hộ bà Huế, ông Đông, ông Tranh,.. tại làng nghề rèn truyền thống thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) đều vay 200 triệu đồng đầu tư mở rộng sản xuất, mua máy đột dập, máy búa, mua sắt thép làm dao, nhờ vậy đã mang lại thu nhập cho mỗi hộ từ 15 - 30 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho các thành viên
trong gia đình.
Đặc biệt, hộ Phùng Văn Thắng ở phường Hội Hợp, hộ Nguyễn Thị Duyên (xã Trung Nguyên) trước đây thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình khó khăn, nhưng nhờ vay nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư phát triển vào nghề tiểu thủ công nghiệp, đến nay các gia đình này đã vươn lên thoát nghèo và là hộ có thu nhập khá. Còn nhiều hộ như Nguyễn Thị Vân Tuyết (phường Đồng Tâm) vay vốn chương trình hộ nghèo, Đỗ Thị Hiện (phường Đống Đa) vay vốn chương trình hộ cận nghèo để kinh doanh hàng may mặc, hàng ăn uống – hiện đều có thu nhập ổn định từ kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững,..
Góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội
Theo NHCSXH Vĩnh Phúc, trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH đã khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đời sống nhân dân được nâng lên, điều kiện kinh tế được cải thiện, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Phiên giao dịch xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường. (Ảnh: NHCC).
Cũng trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, tỉnh Vĩnh Phúc đã giải ngân vốn tín dụng chính sách cho 248.319 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt 8.831,1 tỷ đồng, góp phần giúp 26.648 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho 64.119 lao động, 114 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn hòa nhập cộng đồng; 3.426 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí; 727 học sinh, sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.
Cho vay để xây dựng 243.033 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần cải thiện môi trường xanh sạch, không bị ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn; 261 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, 578 căn nhà ở xã hội cho đối tượng người thu nhập thấp, đóng góp tích cực vào việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội.
“Đến cuối năm 2023 toàn tỉnh chỉ còn 2.094 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,61% tổng số hộ; 4.778 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,38% tổng số hộ. 100% các xã trên địa bàn toàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 120 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách, hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ biết cách làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” – ông Tạ Ngọc Thảo, Giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.
Chăn nuôi bò sữa tại thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường từ nguồn vốn vay NHCSXH. (Ảnh: NHCC).
Được biết, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH đạt tối thiểu 30% trên tổng nguồn vốn cho vay của NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục đẩy mạnh triển khai mở rộng cuộc
vận động vì người nghèo, gửi các quỹ, các khoản tiền tạm thời nhàn rỗi vào NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.
Phạm Quỳnh