10 mục tiêu hoàn thành vượt trước thời điểm triển khai kế hoạch
Theo đó, Chương trình đề ra 16 mục tiêu, chỉ tiêu phải hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt và vượt 15 chỉ tiêu, chỉ còn 01 chỉ tiêu về tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế là chưa đạt; tuy nhiên hiện mục tiêu này của Vĩnh Phúc đang ở mức rất cao: 94,5%, so với yêu cầu tại Quyết định 1719/QĐ-TTg là 98%, nên thời gian còn lại để tỉnh Vĩnh Phúc đạt được mục tiêu này là hoàn toàn khả thi.
Trong số 15 mục tiêu đạt và vượt, có 10 mục tiêu hoàn thành vượt trước thời điểm triển khai kế hoạch (năm 2021). Tiêu biểu như: chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đã vượt mục tiêu so với kế hoạch: năm 2021 là 2,15%, năm 2024 ước giảm còn 0,98% (của toàn tỉnh là 0,46%). Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông: đã đạt 100% từ năm 2016. Tỷ lệ trường lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố và đạt chuẩn: đã đạt 100% từ 2018. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp: đã đạt 100% từ 2016.
Tiếp đến là: Tỷ lệ hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước hợp vệ sinh - đã đạt 100% từ năm 2020 và hiện đang thực hiện mục tiêu cấp nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế cho vùng đồng bào DTTS&MN. Tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh - đã đạt 100% từ 2014. Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường - đã đạt 100% từ 2019; tỷ lệ học sinh tiểu học và trung học cơ sở đến trường - đã đạt 100% từ 2021; tỷ lệ học sinh được đào tạo trình độ trung học phổ thông và tương đương - đã đạt theo yêu cầu 85% từ 2023. Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông - đã đạt 100% từ 2012. Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế: đã đạt 100% từ năm 2017.
Một số kết quả triển khai các dự án, tiểu dự án
Đề cập tới việc thực hiện các mục tiêu cụ thể, các kết quả, đầu ra chủ yếu của các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động của Chương trình, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, với đặc thù là tỉnh có đối tượng, địa bàn khu vực nhỏ, hầu hết các chỉ tiêu cơ bản đã đạt và vượt, nên Chương trình chỉ thực hiện 7/10 dự án, và trong mỗi dự án chỉ thực hiện một số nội dung, tiểu dự án.
Tuy là tỉnh tự cân đối 100% kinh phí từ ngân sách địa phương, nhưng việc bố trí và phân bổ nguồn lực cho Chương trình còn khó khăn, các dự án, tiểu dự án chủ yếu thực hiện lồng ghép với các Chương trình, Đề án khác đang triển khai, thực hiện. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình là rất khó khăn, đặc biệt việc huy động nguồn lực từ cộng đồng, khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mặc dù vậy, kết quả đáng chú ý của tỉnh thực hiện được từ năm 2021 đến nay là hỗ trợ bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi xây dựng 02 mô hình trồng cây ăn quả, 01 hô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên một số cơ chế, chính sách của tỉnh hiện nay đang tạm dừng không triển khai được, do không phù hợp, nên chưa triển khai được nội dung này.
Bên cạnh đó, có 24 sản phẩm thuộc các xã vùng đồng bào DTTS &MN đăng ký tham gia Chương trình; đã khảo sát và lựa chọn được 08/24 sản phẩm tiềm năng để triển khai các bước tiếp theo của Chu trình OCOP. Đây được xem là nhân tố tích cực thúc đẩy tinh thần khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" trong cộng đồng cư dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, tỉnh đã bố trí 1.215 triệu đồng và hàng năm mở các lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho nhóm đối tượng 3 và 4 theo Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, thực hiện lồng ghép với các Chương trình, Đề án khác, đào tạo nghề cho 352 em, hỗ trợ 171 hồ sơ vay vốn giải quyết việc làm trong nước (số tiền là 12.633 triệu đồng), hỗ trợ 35 hồ sơ giải quyết việc làm ngoài nước (số tiền là 3.218 triệu đồng), nhằm bồi dưỡng kiến thức dân tộc và đào tạo dự bị đại học, đại học, sau đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cũng như giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bố trí 1.228 triệu đồng và tổ chức 02 lớp đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ các sở, ngành, huyện; 17 lớp nâng cao năng lực cộng đồng; tổ chức 02 chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Bình, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn cho cán bộ tham gia thực hiện Chương trình.
Cùng đó là hỗ trợ đào tạo nghề, dạy nghề theo kế hoạch giai đoạn là 515 trường hợp; kết quả đã đào tạo, dạy nghề cho 352 người. Hỗ trợ một lần để chuyển đổi nghề, mua sắm máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất; năm 2024 có 49 hộ, các huyện đang tiếp tục hỗ trợ theo kế hoạch năm 2024. Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi: Nhu cầu kế hoạch giai đoạn là 371 hộ; kết quả năm 2023 đã hỗ trợ cho vay 32 hộ, kinh phí 2.570 triệu đồng; năm 2024 hỗ trợ cho vay đối với 50 hộ, kinh phí 4.000 triệu đồng... Báo cáo của UBND tỉnh liệt kê.
Các chính sách hỗ trợ có mức cao hơn so với quy định của Trung ương
Đặc biệt, Vĩnh Phúc đã tổ chức bảo tồn một số lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào tộc Cao Lan, xã Quang Yên, huyện Sông Lô. Triển khai lồng ghép đầu tư xây dựng 03 mô hình làng văn hóa truyền thống: 01 làng văn hóa của đồng bào dân tộc Sán dìu trên địa bàn huyện Tam Đảo; 01 làng văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan trên địa bàn huyện Sông Lô; 01 địa điểm trên địa bàn huyện Bình Xuyên, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Hiện tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai mô hình thí điểm "Làng văn hóa kiểu mẫu" gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp... góp phần bảo tồn, khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương; trong đó từ năm 2022-2023 các xã vùng DTTS&MN được lựa chọn 8 địa điểm để thực hiện mô hình thí điểm "Làng văn hóa kiểu mẫu". Báo cáo nêu rõ.
Đánh giá về những kết quả nổi bật của Chương trình, bà Phùng Thị Kim Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, khẳng định: Đến nay hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành, nhiều chỉ tiêu đã vượt so với kế hoạch, đặc biệt là về giảm tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người.
"Các dự án thành phần của Chương trình đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững của tỉnh. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, vùng nông thôn của tỉnh có mức cao hơn so với quy định của Trung ương; các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội,…được triển khai đồng bộ, đảm bảo mục tiêu thực hiện công bằng xã hội; được đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh tin tưởng và tích cực hưởng ứng thực hiện" – vị Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.
Phạm Quỳnh