Vĩnh Phúc vượt qua khó khăn, tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước, tạo đà cho năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8 - 9%

Thứ năm, 09/01/2025 - 16:32

Năm 2024 vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ cương vị chủ chốt vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Đảng phải xử lý kỷ luật dẫn tới thiếu cán bộ quản lý, đến quý IV bộ máy lãnh đạo mới được cơ bản kiện toàn, đã ảnh hưởng lớn đến tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao năm 2024.

Tuy nhiên, với tinh tần quyết tâm vượt qua khó khăn, ước GRDP cả năm của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tăng 7,52% so với năm 2023, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (6,8-7%), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng từ 7,5-8,5%). Tạo tiền đề thuận lợi để tỉnh Vĩnh Phúc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,0 đến 9,0% so với năm 2024. 

Vĩnh Phúc vượt qua khó khăn, tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước, tạo đà cho năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8 - 9%- Ảnh 1.

Tỉnh Vĩnh Phúc kí thỏa thuận hợp tác toàn diện về chuyển đổi xanh giai đoạn 2025 – 2030 với Tập đoàn Vingroup.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, quy mô GRDP của tỉnh theo giá hiện hành ước đạt khoảng 173,14 nghìn tỷ đồng, tăng 15,66 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10% so với năm 2023. Giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt 141,3 triệu đồng/người/năm, tăng 8,7%, tương đương tăng khoảng 11,3 triệu đồng so với năm 2023. Tổng thu ngân sách năm 2024 ước đạt 31.486,9 tỷ đồng, tăng 3,5% so với dự toán và tăng 4,1% so với năm 2023, trong đó thu nội địa ước đạt 26.025,3 tỷ đồng, tăng 4,0% so với dự toán, tăng 1,6% so với năm 2023. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 20.910 tỷ đồng, bằng 97,7% dự toán được giao và giảm 5,6% so với năm 2023.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 11,43%

Cụ thể, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quý I, song từ quý II đến cuối năm các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã có xu hướng khả quan hơn góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 11,43% so với năm 2023, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,56%.

Đặc biệt, sản lượng sản xuất một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều tăng, cá biệt có một số sản phẩm tăng rất cao so với với năm 2023 như: máy tính xách tay tăng 53%; bộ phát wifi ước tăng hơn 3 lần; thức ăn gia súc tăng 19,9%; gạch ốp lát tăng 15,68%; xe máy tăng 7,88%. Bên cạnh đó cũng còn một số sản phẩm có sản lượng sản xuất giảm so với năm trước như ô tô giảm 1,54%; điện thoại di động giảm 3,72% và quần áo các loại giảm 2,49% so với năm 2023.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh tiếp tục ổn định, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 84,14 nghìn ha, đạt 100,7% kế hoạch, giảm 0,4% so với năm 2023; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt hơn 136 nghìn tấn, tăng 4,59%, sữa bò tăng 2,8%, trứng gia cầm tăng 10,16% so với năm 2023; sản lượng giống thủy sản ước đạt 3.229 triệu con các loại, tăng 1,87% so với năm 2023. Năm 2024, toàn tỉnh trồng được 602 ha rừng tập trung.

Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vận tải, du lịch, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2024 đã có sự phục hồi tốt, đáp ứng nhu cầu đời sống của Nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,8% so với năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,57 tỷ USD tăng 7,89%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 18,56 tỷ USD tăng 20,1%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ đạt 8,41 nghìn tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm 2023; số lượng khách tham quan đến tỉnh đạt 10,5 triệu lượt, tăng 13% so với năm 2023 và tổng doanh thu ước đạt 4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2023.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Một số nhà đầu tư chiến lược đã có các đề xuất hỗ trợ, hợp tác với tỉnh như: Tổ hợp Samsung Việt Nam, Signetics Hàn Quốc, Công ty Cổ phần T&Y SuperPort, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ… Kết quả thu hút đầu tư vốn FDI năm 2024 đạt 637,3 triệu USD, vốn đầu tư DDI đạt 5.776,5 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ước đạt 1.550 doanh nghiệp, tăng 1,8% so với năm 2023, với số vốn đăng ký khoảng 13 nghìn tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh có 17 khu công nghiệp đã được thành lập, có 09 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, trong đó 2 khu có vốn đầu tư FDI và 7 khu có vốn đầu tư DDI. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng; dự kiến đến hết năm 2024 toàn tỉnh có 200 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 13 thôn đạt chuẩn nông thôn mới thông minh, 42 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 12 đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu, 01 huyện đạt nông thôn mới nâng cao. 

Vĩnh Phúc vượt qua khó khăn, tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước, tạo đà cho năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8 - 9%- Ảnh 2.

Sản xuất gạch ốp lát trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng 15,68%, góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 11,43% so với năm 2023. Ngoài ra, sản phẩm gạch ốp lát cùng với các sản phẩm: máy tính xách tay, bộ phát wifi, thức ăn gia súc và xe máy, còn là những sản phẩm có sản lượng tăng rất cao so với năm 2023.

Vĩnh Phúc vượt qua khó khăn, tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước, tạo đà cho năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8 - 9%- Ảnh 3.

Tuyên dương học sinh và giáo viên là người DTTS có thành tích xuất sắc.

Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực văn hóa – xã hội cũng đạt được kết quả tích cực. Các di tích lịch sử, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị, trong đó đã tu bổ xong 3 di tích, phê duyệt dự án tu bổ 10 di tích, phê duyệt chủ trương tu bổ 2 di tích. Công tác xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" tiếp tục được triển khai, các khu thiết chế văn hóa thể thao tại các "Làng văn hóa kiểu mẫu" đã phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho Nhân dân.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Hai năm liên tiếp, tỉnh Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục đạt được ở mức cao, mở rộng ở nhiều đối tượng học sinh, năm học 2023-2024 tỷ lệ học sinh đạt giải tại kỳ thi chọn chọn học sinh giỏi quốc gia đạt 90,82%. Chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác dạy và học.

Các bệnh viện, đơn vị y tế tiếp tục nâng cao chất lượng khám, điều trị cho Nhân dân. Một số đơn vị đã triển khai kỹ thuật mới, một số Bệnh viện tuyến tỉnh đã triển khai kỹ thuật vượt tuyến, chuyên sâu. Thuốc và vật tư y tế được đảm bảo, chất lượng thuốc được chú trọng. Các chỉ tiêu lĩnh vực y tế đều đạt, vượt mục tiêu đề ra, cụ thể: số bác sỹ/vạn dân đạt tỷ lệ 16,9 bác sỹ/vạn dân (kế hoạch 15 bác sỹ/vạn dân); số giường bệnh/vạn dân đạt tỷ lệ 43,6 (kế hoạch 40 giường/vạn dân)…

Ước năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 20 nghìn lao động. Các chế độ, chính sách bảo trợ xã hội được sửa đổi mở rộng về đối tượng, tăng về mức hưởng. Tỷ lệ hộ nghèo ước còn 0,44%, giảm 0,17% so với năm 2023. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,8% tăng 0,76% so với năm 2023; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội 45,52% tăng 0,2% so với năm 2023 và tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp 39,5% vượt 1,87% so với năm 2023.

Khơi thông các nguồn lực nhất là các động lực mới để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng

Với mục tiêu tổng quát là khơi thông các nguồn lực nhất là các động lực mới để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,0 đến 9,0% so với năm 2024. Tổng thu ngân sách phấn đấu đạt 27.026 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 22.026 tỷ đồng. Thu hút đầu tư đạt 600 triệu USD vốn FDI và 3.000 tỷ đồng vốn DDI. Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 0,3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo phấn đấu đạt 82%...

Trong đó, về phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc ưu tiên giữ vững sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đôn đốc, kiểm tra các cấp, các ngành tổ chức, thực hiện đề án và quyết liệt xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong tất cả các ngành, các lĩnh vực.

Đặc biệt chú trọng việc sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực hiệu quả; tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại lâu năm trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công và dự án đầu tư trực tiếp tránh gây thất thoát, lãng phí, phát huy hiệu quả đầu tư, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm… của tỉnh. 

Vĩnh Phúc vượt qua khó khăn, tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước, tạo đà cho năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8 - 9%- Ảnh 4.

Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc triển khai “Mô hình Thanh niên xung kích xây dựng thôn, làng Xanh - Sạch - Đẹp”, tại thôn Làng Hà, xã Hồ Sơn, huyện TamĐảo - một điểm nóng và nhức nhối về ô nhiễm môi trường.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, ứng dụng kĩ thuật cao, kĩ thuật mũi nhọn để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ Nhân dân.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên, ứng dụng kĩ thuật cao, kĩ thuật mũi nhọn để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ Nhân dân.

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhất là sản xuất công nghiệp tạo động lực cho tăng trưởng, thu ngân sách của tỉnh. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công làm động lực thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư thực chất hơn, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm vào các đối tác tiềm năng, trong đó chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ "xanh", thân thiện với môi trường, ứng dụng nền tảng số, ít phát sinh khí thải nhà kính, có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; các ngành công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp công nghệ số; công nghiệp sản xuất vật liệu mới…

Quyết liệt đôn đốc chủ đầu tư các khu đô thị hoàn thiện hạ tầng, xây dựng chế tài mạnh xử lý đối với các dự án đô thị chậm bàn giao. Ưu tiên nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng quản lý và khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn.

Về phát triển văn hóa - xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu nâng cao thành tích thi chọn HSG quốc gia, thi Olympic khu vực và quốc tế. Chuẩn bị các điều kiện và triển khai có hiệu quả công tác tuyển sinh đầu cấp. Kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với các cơ sở giáo dục đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch. 

Vĩnh Phúc vượt qua khó khăn, tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước, tạo đà cho năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8 - 9%- Ảnh 6.

Du khách đổ về Danh thắng Tây Thiên. Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đón10,5 triệu lượt, tăng 13% so với năm 2023 và tổng doanh thu ước đạt 4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2023.

Mặt khác, nâng cao toàn diện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến; phát triển kỹ thuật chuyên môn, đảm bảo cho người dân được tiếp cận đầy đủ, thuận lợi các dịch vụ khám chữa bệnh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến Trung ương. Triển khai các kỹ thuật chuyên sâu lĩnh vực: Tim mạch, Ung bướu - Y học hạt nhân, Huyết học, ứng dụng công nghệ gen, tế bào gốc và mô phôi, Hỗ trợ sinh sản, Mắt và các kỹ thuật cao tại các bệnh viện tuyến tỉnh.

Thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội. Tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Đẩy mạnh phát triển đối tượng và đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Phạm Quỳnh