TNV - Ngày 22/11, tại Đà Nẵng, Cục CNTT - Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công ty Công nghệ thông tin VNPT - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký thỏa thuận hợp tác về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2024.
Ông Nguyễn Minh Luân - Phó Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT và bà Đặng Thị Oanh - Phó Cục trưởng Cục CNTT Bộ GD&ĐT ký thỏa thuận hợp tác về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục và đạo tạo giai đoạn 2019-2024.
Với mạng lưới rộng khắp và thế mạnh là Tập đoàn công nghệ chủ lực quốc gia, Tập đoàn VNPT đã triển khai Hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu đến trên 13 ngàn cơ sở giáo dục trên toàn quốc phục vụ công tác quản lý và điều hành thống nhất cơ sở giáo dục từ Sở đến phòng và trường. Tập đoàn VNPT đã và đang xúc tiến xây dựng, cung ứng giải pháp toàn diện cho các yêu cầu, nhiệm vụ triển khai theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, cụ thể là xây dựng cơ sỏ dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đáp ứng quy định kỹ thuật được ban hành tại quyết định 1904/QĐ-BGDĐT ngày 04/07/2019 .
Đội ngũ chuyên gia và các kỹ sư CNTT của Tập đoàn VNPT đã chủ công nghệ, từng bước xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh dựa trên khung kiến trúc Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, trong đó, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như Cloud Computing, Big Data, AI, Blockchain… trong các bài toán ứng dụng nghiệp vụ giáo dục cụ thể phục vụ công tác dạy, học và thi trực tuyến.
Với sự hợp tác này, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo và chuyên viên 63 sở GD&ĐT; đại diện Ban giám hiệu và Khoa CNTT, Tập đoàn VNPT và Cục CNTT sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác; tham mưu với Bộ GD&ĐT đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đặc biệt là hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 2019-2024; góp phần đẩy mạnh hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý giáo dục đào tạo, nâng cao hiệu quả, đổi mới phương pháp dậy và học, từ đó xây dựng một nền Giáo dục Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực cho một nền kinh tế tri thức của Việt Nam, bắt kịp với thế giới;
Hai bên cũng đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT; hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở GD&ĐT, góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng GD&ĐT đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng; tập huấn quản lý, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và phổ thông có hiệu quả ở các sở giáo dục và đào tạo.
Nam Anh