Trong một show diễn gần đây của nhà thiết kế Đinh Văn Thơ, lấy bối cảnh Đại nội Huế mang đậm dấu ấn lịch sử, kiến trúc và văn hóa của Triều Nguyễn, vợ chồng Lương Thế Thành - Thúy Diễm đã xuất hiện với vai trò mở màn trong xuất hiện trong trang phục áo dài lấy cảm hứng từ Long Bào và Phượng Bào của vua và hoàng hậu thời Nguyễn.
Nhà thiết kế sử dụng các chi tiết như biểu tượng rồng và phượng, phụ kiện, những gam màu đặc trưng của tầng lớp quý tộc nhằm tạo nên sự độc đáo và ấn tượng cho bộ trang phục. Cả hai đã có sự kết hợp ăn ý trong màn catwalk đôi và hoàn thành tốt vai trò mở màn cho bộ sưu tập này. Cặp đôi diễn viên tuy không chuyên ở lĩnh vực người mẫu nhưng luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả sau những màn trình diễn catwalk.
Từ cánh trái sân khấu, Minh Tú xuất hiện trên chiếc xe kéo được điều khiển bởi phu xe do diễn viên Quốc Cường hóa thân và cô trình diễn bộ áo dài được lấy cảm hứng từ trang phục của những người phụ nữ trong cung đình đại nội Huế. Sự xuất hiện đặc biệt của cả hai, khiến khách mời bất ngờ và thích thú với sự đầu tư của nhà thiết kế. Minh Tú thể hiện thần thái của sự quyền lực, nghiêm trang của người phụ nữ thời phong kiến thông qua bộ trang phục.
Bộ trang phục gợi nhớ nét đặc trưng trong nữ ý của quý tộc triều Nguyễn với chi tiết đặc trưng áo cổ dựng, khăn vành và họa tiết tứ linh. Bên cạnh đó, thiết kế còn làm toát lên vẻ đẹp sang trọng của phụ nữ thế kỷ 19. Với nguồn cảm hứng phong phú, nhà thiết kế cũng là người thiết kế bộ áo dài mang tên "Con rồng cháu tiên" được Minh Tú sử dụng vào năm cô tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế và thắng giải trang phục dân tộc đẹp nhất.
Trong show diễn, nhà thiết kế Đinh Văn Thơ cũng giới thiệu các tà áo dài cận và hiện đại sau phần trình diễn áo dài trong giai đoạn Triều Nguyễn. Bộ sưu tập ở thời kỳ cận đại, đây là giai đoạn áo dài được thay đổi nhiều nhất để tôn lên đường cong người phụ nữ. Sau thời kì cận đại, bộ sưu tập chiếc áo dài đã có sự chuyển biến phù hợp để hình thành nên chiếc áo dài hiện đại từ năm 1970 trở về sau.
Lấy bối cảnh phố xá mang màu sắc xưa cũ đầy hoài niệm, các người mẫu xuất hiện trên sàn catwalk trong tà áo dài ráp lăng - chít eo thời kỳ 1940 - 1970. Giai đoạn này là sự thay đổi rõ rệt nhất của chiếc áo dài như sườn áo được may có eo, vạt áo cắt hẹp hơn, phần áo ôm khít cơ thể, cổ áo cao hơn… Đi kèm với những phụ kiện như trang sức vòng kiềng, vòng ngọc trai, bóp cầm tay đã tái hiện phần nào hình ảnh thanh thoát, sang trọng của người phụ nữ trước thập niên 70.
Bộ sưu tập áo dài của những năm 70 cho đến nay, áo dài không có sự thay đổi nhiều về kỹ thuật may lại mang đến tinh thần hiện đại hơn cho những người phụ nữ. Giai đoạn này văn hóa Châu Âu du nhập vào nước ta và làm cho trang phục cưới cũng trở nên hiện đại. Nhưng đến sau thập niên 80 đến nay lại có xu hướng quay về truyền thống với việc sử dụng phổ biến chiếc dài áo để tôn lên vẻ đẹp truyền thống của cô dâu Việt.
Trương Thị May đảm nhiệm vai trò vedette cho bộ sưu tập cũng như là show diễn. Cô xuất hiện trong tà áo dài cưới nhẹ nhàng nữ tính với điểm nhấn là phần voan cưới dài khiến cô trở nên càng lộng lẫy trong màn kết của chương trình. Cô cũng là cái tên luôn đồng hành trong suốt hành trình sự nghiệp của nhà thiết kế Đinh Văn Thơ và anh cũng thường xuyên để cô đảm trách vai trò vedette hoặc mở màn của show.
Lan Anh