Văn hóa dân tộc Việt Nam, trong đó có Võ học và Võ đạo, sản sinh trên nền tảng giá trị lịch sử, phong tục tập quán, địa lý và tâm thức dân tộc. Võ học và Võ đạo Việt Nam hình thành lên triết lý sống “Nhân Văn và Thượng Võ”, là kim chỉ nam để dân tộc ta trường tồn và phát triển. Võ cổ truyền Việt Nam hình thành và phát triển gắn liền với truyền thống lao động cần cù, tính hiếu học và tinh thần thượng võ của dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của Lịch sử, Võ cổ truyền Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thức và cách thức khác nhau, được truyền bá và lưu giữ từ đời này qua đời khác trong mỗi gia đình, dòng tộc cũng như các võ đường, lò võ trên các vùng miền của đất nước. Cũng qua những thăng trầm của sự phát triển đó, Võ cổ truyền Việt Nam đã thấm sâu vào máu thịt, vào tư tưởng, vào hành động của mọi người, trở thành một mảng văn hóa tinh thần đầy tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam. Nhân dân ta đã dùng võ để rèn luyện thân thể, nâng cao khả năng tự vệ, tôi luyện ý chí sắt đá và ứng dụng trong các trò chơi, lễ hội để tăng cường sự giao lưu trong cộng đồng.
Anh Thăng (st)