Vở diễn với nội dung khai thác tâm lý, tình cảm, ước mơ và cả những mâu thuẫn đời sống của những người trẻ ở trong gia đình, trên ghế nhà trường và cả bên ngoài xã hội. Điều thú vị là tác phẩm này được dàn dựng không chỉ dành riêng cho đối tượng khán giả trẻ, đặc biệt là lứa tuổi mới lớn, mà còn hướng đến các bậc ông bà, cha mẹ trong gia đình có thể cùng thưởng thức tác phẩm này với các con mình. “Rồi tôi sẽ lớn” được coi là vở nhạc kịch đầu tiên về lứa tuổi dậy thì trình diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ cho đến nay.
Được sân khấu hóa từ kịch bản của nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú, đạo diễn: NSƯT Lê Ánh Tuyết, nhạc kịch “Rồi tôi sẽ lớn” trước hết mang trong mình sứ mệnh chinh phục khán giả trẻ và lứa tuổi học sinh bằng các yếu tố mới mẻ, hiện đại, những trào lưu, xu hướng thịnh hành trong đời sống học đường hôm nay một cách chân thực và sinh động.
Vở diễn tràn ngập âm nhạc sôi động và sâu lắng, những bài hát, điệu nhảy trẻ trung hiện đại được các bạn trẻ yêu thích, sân khấu đầy màu sắc và những câu chuyện gần gũi, thân quen thường nhật. Tới xem vở diễn, mỗi bậc ông bà, cha mẹ cũng sẽ tìm thấy chính mình trong câu chuyện đầy ý nghĩa và xúc động của vở diễn. Bên cạnh hơi thở tươi mới của một vở nhạc kịch dành cho tuổi trẻ, “Rồi tôi sẽ lớn” cũng là tiếng nói đồng cảm với những người làm cha, làm mẹ mong muốn “kết bạn” với con cái của mình, phần nào giải mã những câu hỏi hóc búa trong việc khám phá lứa tuổi đầy “biến động” trên hành trình trưởng thành thông qua nghệ thuật.
Tác giả kịch bản - nhà văn Hoàng Anh Tú cho hay, tuổi dậy thì (từ 9-16 tuổi) luôn là một đề tài nói mãi không hết chuyện. Bởi đó là khoảng thời gian nhạy cảm vô cùng với mỗi đứa trẻ. Từ những thay đổi về sinh lý sẽ dẫn đến những thay đổi về tâm lý. Mỗi đứa trẻ đều trải qua quá trình lột xác như loài sâu bướm. Có rất nhiều những đứa trẻ trưởng thành trong đơn độc không phải vì cha mẹ chúng không quan tâm đến chúng mà là cha mẹ không hiểu con.
Vở diễn RỒI TÔI SẼ LỚN là nơi để lũ trẻ xem và mở lòng ra với cha mẹ. Là nơi cha mẹ xem để xích lại gần con hơn. Nhìn cây sửa đất - nhìn con sửa mình. Và xem kịch để chữa lành những thương tổn trong con cũng như trong chính mỗi bậc cha mẹ. Thông điệp của vở nhạc kịch hướng tới việc hóa giải những mâu thuẫn giữa cha mẹ- con cái ở giai đoạn tuổi dậy thì của con. Không chỉ giúp cha mẹ hiểu những biến động tâm lý của con mà còn giúp chính cách con thấu hiểu lòng cha mẹ. “Các con có yêu cha mẹ mình không?” sẽ là câu hỏi mà mọi cha mẹ đều mong nhận được câu trả lời. Và câu trả lời đó sẽ được lật mở qua từng lớp kịch, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ thêm.
NSƯT Lê Ánh Tuyết – đạo diễn vở nhạc kịch tâm sự: “Đây là vở nhạc kịch thứ hai mà tôi dàn dựng về đề tài tuổi trẻ, sau nhạc kịch “Trại hoa vàng” giành Huy chương Vàng trong Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc 2021 vừa qua”.
Vở diễn được xây dựng với mục tiêu đầu tiên: Các bạn trẻ phải thích xem, bằng cách gắn vào chuyện kịch những yếu tố “thời thượng” nhất của lứa tuổi này, bằng âm nhạc và cuộc sống học đường để khi xem, các em sẽ thấy mình trong đó. Sau đó mới đến những ẩn dụ dành cho cha mẹ, là sáng tạo của những cái bóng - ẩn dụ về con người bên trong, là tiếng nói của trái tim nhân vật. Vở nhạc kịch cũng là một thể nghiệm về hình thức thể hiện tâm lý phức tạp của con người. Hay những biểu tượng ẩn ý về “Khu vườn nói thật”, những màn vũ đạo, những ca khúc đang được lứa tuổi này yêu thích, tạo ra cảm xúc ấn tượng về thị giác, thính giác. Ekip sáng tạo vở diễn hy vọng vở diễn sẽ chinh phục được đối tượng khán giả “khó gần” và rất mới: tuổi mới lớn, NSƯT Lê Ánh Tuyết nói thêm.
Với nhiều thể nghiệm mới mẻ trong sáng tạo nghệ thuật và giải mã tâm lý các nhân vật đa dạng, vở diễn chuyển tải những thông điệp chia sẻ, hàn gắn giữa các thế hệ trong gia đình, để vòng tròn gắn kết tình thân trong mỗi mái ấm ngày càng tròn vẹn hơn, với tình yêu thương và sự thấu hiểu.
Một số hình ảnh trong vở nhạc kịch:
Hoàng Hà