Vụ đảo chính Myanmar tạo thế khó cho Mỹ trong sứ mệnh “bảo vệ dân chủ”

Thứ năm, 04/02/2021 - 07:40

Vụ đảo chính quân sự ở Myanmar vào hôm 1/2/2021 là một phép thử quan trọng về mức độ đi xa tới đâu của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tái xác lập vai trò của Washington đối việc bảo vệ các “giá trị dân chủ” của họ.

Giới phân tích cho rằng phản ứng ban đầu của chính quyền Mỹ trước sự kiện này cho thấy họ ý thức được về các giới hạn của mình trong việc tác động lên các sự kiện ở nước ngoài, đặc biệt là trước một đối tượng cứng rắn như quân đội Myanmar.

Tổng tư lệnh quân đội Myamar - Min Aung Hlaing, và 3 nhân vật quân sự khác của nước này vốn đang đối diện các lệnh trừng phạt cá nhân dưới đạo luật Magnitsky do vai trò của họ trong vấn đề người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty.

Mỹ thận trọng

Các lệnh trừng phạt mới nhằm vào quân đội Myanmar (còn được gọi là Tatmadaw tại nước này) nếu được thực hiện thì có thể cắt đứt hoàn toàn các ảnh hưởng ít ỏi mà Mỹ có ở quốc gia Đông Nam Á này, và đẩy Myanmar vào vòng tay ngoại giao của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2/2 đã xem xét kỹ phương án trừng phạt này. Họ coi vụ tiếm quyền của quân đội Myanmar là một cuộc đảo chính, và đây là cơ sở cho việc xem lại viện trợ nước ngoài cho quốc gia Đông Nam Á này.

Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cho thấy Myanmar nhận 216 triệu USD viện trợ Mỹ trong năm 2019.

Tuy nhiên giới chức Mỹ chưa quyết định về việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Trong thông cáo hôm 1/2, Tổng thống Biden mới chỉ ám chỉ về việc áp dụng trở lại các lệnh trừng phạt từng được gỡ bỏ khi Myanmar chuyển đổi sang nền dân chủ trong thập kỷ qua.

Cụ thể, ông Biden nói như sau: Mỹ đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt “dựa trên tiến bộ hướng tới dân chủ”, nhưng “việc đảo ngược tiến bộ đó sẽ khiến cần phải xem xét lại ngay các luật trừng phạt của chúng ta, tiếp đó là hành động thích hợp”.

Tổng thống Biden nói thêm: “Mỹ sẽ đại diện cho nền dân chủ bất cứ nơi đâu dân chủ bị tấn công”.

Tuy vậy trên thực tế, Mỹ chưa có hành động cụ thể.

Chiến thuật “lạt mềm”

Ông Biden từng làm phó tổng thống Mỹ thời Obama từ năm 2009-2017. Ông ý thức rõ sức mạnh của thuyết phục.

Thách thức hiện nay đối với ông Biden là cân nhắc duy trì đường dây liên lạc với Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing vì nếu đóng cửa đối thoại với ông này thì rất có thể điều này sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho Trung Quốc - đối tác chiến lược nhất và là nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Myanmar.

Học giả Hunter Marston ở Canberra (Australia) nói: “Cuộc khủng hoảng này là thách thức lớn đối với chính quyền Biden vốn nhấn mạnh rằng các giá trị của Mỹ về dân chủ và nhân quyền sẽ nổi bật trong chính sách đối ngoại của họ. Chúng ta sẽ chứng kiến đội ngũ của ông Biden cân bằng khéo léo thế nào các giá trị này với các lợi ích địa chiến lược của mình... Các lệnh trừng phạt rộng hơn rõ ràng sẽ hạn chế ảnh hưởng của Mỹ trong cuộc cạnh tranh [với Trung Quốc – PV]”.

Peter Mumford - trưởng bộ phận thực tiễn Đông Nam Á của hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho rằng việc phương Tây có áp đặt lệnh trừng phạt hay không phải được cân nhắc dựa trên thực tế mới ở Myanmar so với tình hình đất nước này một thập kỷ trước.

Theo Mumford, tình hình hiện nay khác trước nhiều, việc trừng phạt sẽ tùy thuộc nhiều vào các mối quan hệ thương mại và đầu tư của phương Tây với Trung Quốc, Nhật Bản, và ASEAN. Chính quyền Biden và các nước phương Tây khác phải tính toán đến các yếu tố chính trị này nếu muốn trừng phạt Myanmar.

Kênh ngoại giao

Mumford cho rằng những lời kêu gọi trừng phạt ngay sẽ “gia tăng nếu như xảy ra tình huống bất ổn xã hội lan rộng ở Myanmar và quân đội ra tay trấn áp dữ dội”.

Nhưng ngoài trừng phạt, thì Tổng thống Mỹ Biden còn có những lựa chọn nào nữa?

Học giả Marston đánh giá cao vai trò của các quan chức Mỹ như đặc phái viên phụ trách châu Á của Nhà Trắng Kurt Campbell và Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, ông Jake Sullivan trong xử lý vấn đề này.

Nhà nghiên cứu Marston nói: “Nhiều nhân vật trong chính quyền Myanmar có thể hỗ trợ liên lạc trực tiếp với các lãnh đạo quân sự cao cấp ở hậu trường... Dù nhiều vị trí lãnh đạo đã thay đổi trong 6 năm qua, vẫn còn những nhân vật có ảnh hưởng sẽ sẵn lòng lắng nghe Campbell và Sullivan, dựa trên niềm tin được xây dựng trong những năm khó khăn của quá trình chuyển tiếp ở Myanmar (2010-2012). Cả hai ông từng làm việc gần gũi với những người đó”.

Nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore - Bilahari Kausikan, viết trên tờ Nikkei Asia rằng Campbell ý thức được sự vô dụng của việc cô lập Myanmar, rằng 2 thập kỷ trừng phạt đã không thay đổi được hành vi của quân đội Myanmar.

Một lựa chọn khác là hợp tác với ASEAN để buộc các vị tướng Myanmar khôi phục lại chính quyền dân sự một cách nhanh chóng, dù khối này có đặc thù là không can thiệp vào các công việc nội bộ như thế này.

Chủ tịch ASEAN hiện nay - Brunei, đã công bố thông cáo 4 đoạn nhân danh 10 nước ASEAN, trong đó nhấn mạnh cam kết của khối đối với dân chủ, chế độ pháp quyền, quản trị tốt, và việc bảo vệ nhân quyền. Thông cáo kêu gọi “theo đuổi đối thoại, hòa giải, và quay trở về trạng thái bình thường”, vì lợi ích của nhân dân Myanmar.

Chính phủ các nước Singapore, Philippines, và Indonesia đã ra các thông cáo riêng bày tỏ “quan ngại” về cuộc đảo chính và kêu gọi các bên kiềm chế.

Thế nhưng, tại Thái Lan, Phó Thủ tướng đồng thời là cựu tướng quân đội nước này - Prawit Wongsuwon, cho rằng việc quân đội Myanmar nắm quyền là vấn đề nội bộ của Myanmar. Campuchia cũng có quan điểm tương tự./.

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịchNguồn: SCMP