Vụ tấn công cơ sở hạt nhân Natanz: Cơn thịnh nộ của Iran và sự im lặng của Mỹ

Thứ tư, 14/04/2021 - 07:15

Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran hôm 11/4 cho biết cơ sở hạt nhân Natanz của nước này đã bị tấn công khủng bố, dẫn tới sự cố mất điện. Ngày 12/4, Nhà Trắng đã bác bỏ sự dính líu của Mỹ trong cuộc tấn công mang tính phá hoại nhằm vào nhà máy làm giàu urani của Iran.

Sự im lặng của Mỹ

Nhà Trắng hầu như không đưa ra tuyên bố trước công chúng vào ngày 12/4 về sự cố mất điện tại cơ sở hạt nhân Natanz. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki hôm 12/4 cho biết: “Mỹ không tham gia vào vụ tấn công dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi không bình luận thêm về đồn đoán liên quan đến những nguyên nhân hay tác động của sự cố”. Các quan chức Nhà Trắng cũng không trả lời về việc liệu Mỹ có được thông báo trước về vụ tấn công hay không.

Cơ sở hạt nhân Natanz của Iran gặp sự cố hôm 11/4. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, người ở Israel khi vụ tấn công xảy ra, đã tổ chức hai cuộc họp báo trước khi rời nước này hôm 12/4. Tuy nhiên, ông Austin hoàn toàn không đề cập tới Iran trong cuộc họp.

Các quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, họ không biết liệu Iran có xuất hiện ở Vienna (Áo) vào ngày 14/4 hay không, khi các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân sẽ diễn ra theo kế hoạch.

Tại Tehran, các nhà lập pháp đã yêu cầu Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif tạm ngừng các cuộc đàm phán, nói rằng Iran không nên tham gia vào các cuộc đàm phán khi nước này đang bị tấn công.

“Các cuộc đàm phán diễn ra dưới áp lực sẽ không có ý nghĩa gì. Đây là thông điệp mà chúng tôi đã truyền tải rất rõ ràng ngày hôm nay”, Abbas Moghtadaie, Phó chủ tịch Ủy ban chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Quốc hội Iran nói hôm 12/4.

Chính quyền ông Biden đang tìm cách khôi phục một thỏa thuận, do cựu Tổng thống Donald Trump ký 3 năm trước, trong đó Iran chấp nhận các giới hạn đối với chương trình hạt nhân, đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phản đối thỏa thuận ban đầu giữa Mỹ và Iran và tỏ ra tức giận trước các cuộc đàm phán giữa hai nước này.

Ngoại trưởng Zarif cho rằng: “Israel muốn trả thù vì những tiến triển của chúng tôi trong cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Nhưng chúng tôi sẽ đáp trả những người theo chủ nghĩa Zionist (Israel)”.

Tuyên bố của ông Zarif cũng nhấn mạnh nguy cơ leo thang một cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm giữa Iran và Israel.

Đối với Iran, vụ tấn công hôm 11/4 là một dấu hiệu cho thấy chương trình hạt nhân của họ đã bị xâm nhập bởi gián điệp và những kẻ phá hoại. Trong khi Israel thường giữ im lặng trước các cuộc tấn công, các hãng tin Israel trích dẫn các nguồn tin cho rằng, cơ quan tình báo Mossad của Israel đứng sau vụ tấn công cơ sở hạt nhân của Iran.

Một quan chức tình báo cho biết, một thiết bị nổ đã được bí mật mang vào cơ sở hạt nhân Natanz, được kích nổ từ xa và gây ra sự cố mất điện cả hệ thống điện chính và dự phòng.

“Âm mưu của kẻ thù rất hay. Tôi đang xem xét nó dưới góc độ khoa học. Họ đã làm việc với các chuyên gia và lên kế hoạch cho vụ nổ để cả nguồn điện trung tâm và nguồn điện khẩn cấp đều bị hỏng”, Fereydoun Abbasi, người đứng đầu ủy ban năng lượng của Quốc hội Iran nói.

Hình ảnh vệ tinh của cơ sở hạt nhân Natanz. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi cho biết, vụ việc không gây thương vong hay ô nhiễm phóng xạ. Truyền thông Iran sau đó đưa tin rằng ông Kamalvandi bị thương ở đầu, lưng, chân và tay khi đến khu vực Natanz nhưng không nói rõ chi tiết về nguyên nhân vụ tai nạn.

Các quan chức tình báo cho rằng, Iran cần nhiều tháng để khắc phục thiệt hại sau sự cố.

Theo Ali Akbar Salehi, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, nguồn điện khẩn cấp đã được khôi phục tại Natanz vào ngày 12/4 và hoạt động làm giàu urani vẫn tiếp tục diễn ra sau vụ tấn công.

“Hành động phá hoại của kẻ thù có thể sẽ lặp lại và hoạt động làm giàu urani không thể bị dừng lại”, ông Ali Akbar Salehi nói với truyền thông Iran hôm 12/4.

Phó Tổng thống Iran Eshaq Jahangiri cho biết, thực thể có trách nhiệm bảo vệ Natanz trước các cuộc tấn công phải chịu trách nhiệm về sự cố vừa qua. Ông Jahangiri nói thêm rằng, các cuộc tấn công có thể tạo ra “hậu quả thảm khốc” đối với danh tiếng, nền kinh tế và an ninh của Iran.

Trên phương tiện truyền thông xã hội, các nhà bình luận bảo thủ kêu gọi cải tổ lãnh đạo Cơ quan Nguyên tử và Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran.

“Vụ tấn công ở cơ sở hạt nhân Natanz có thể là hành động phản quốc có xâm nhập hoặc không. Điều này thể hiện sự thiếu khả năng của các lãnh đạo. Hãy sửa chữa những lỗi lầm đó”, nhà bình luận Seyed Peyman Taheri viết trên Twitter.

Một số quan chức Mỹ hôm 12/4 bày tỏ lo ngại rằng, cuộc tấn công sẽ thúc đẩy chương trình hạt nhân dưới lòng đất của Iran, nơi rất khó tiếp cận. Iran đã đi theo hướng đó cách đây nhiều năm, khi họ xây dựng một nhà máy nhỏ, sâu bên trong một ngọn núi gần thành phố Qom.

Việc rò rỉ thông tin về sự tham gia của Israel trong vụ tấn công làm dấy lên lo ngại rằng, Iran sẽ tìm cách cứu vãn tình hình bằng cách đáp trả quân sự mạnh mẽ hơn bình thường.

“Một khi có sự tham gia của Israel, Iran sẽ phải đáp trả”, Danny Yatom, cựu lãnh đạo của Mossad nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 12/4 với một đài phát thanh do Quân đội Israel điều hành.

Tại Israel, một số người cũng đặt câu hỏi rằng, liệu vụ tấn công có phục vụ mục đích đối nội cho Thủ tướng Netanyahu không, hay chỉ là một mục tiêu của chính sách đối ngoại.

Ông Netanyahu đang phải hầu tòa vì cáo buộc tham nhũng và đang đấu tranh để thành lập một chính phủ liên minh mới sau khi không có đảng nào giành đủ đa số ghế cần thiết trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 3. Một số nhà phân tích cho biết, họ tin rằng một cuộc đối đầu công khai với Iran có thể giúp ông Netanyahu thuyết phục các đối tác liên minh đang dao động rằng, bây giờ không phải lúc để loại bỏ một thủ tướng có kinh nghiệm.

“Ông Netanyahu có thể muốn vừa xây dựng hình ảnh của mình vừa tạo ra một chút khủng hoảng chính sách đối ngoại, sau đó điều này giúp ông ấy giải quyết cuộc khủng hoảng liên minh”, Chuck Freilich, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia ở Israel cho biết.

Theo NY Times, Mỹ và Israel vẫn giữ hình ảnh của những đồng minh thân thiện trước công chúng.

Tại một cuộc họp báo chung ở Jerusalem, Bộ trưởng Quốc phòng Austin hoàn toàn không đề cập đến Iran, trong khi Thủ tướng Netanyahu chỉ nhắc đến vụ tấn công hôm 11/4.

Iran từ lâu đã giữ vững quan điểm rằng, chương trình hạt nhân của họ là hòa bình và nhằm phát triển năng lượng. Tuy nhiên, Israel coi đó là một mối đe dọa hiện hữu.

“Chúng tôi (Mỹ và Israel) đều đồng ý rằng Iran không bao giờ được sở hữu vũ khí hạt nhân. Chính sách của tôi với tư cách là Thủ tướng Israel rất rõ ràng. Tôi sẽ không bao giờ cho phép Iran có được năng lực hạt nhân để thực hiện mục tiêu tấn công Israel. Israel sẽ tiếp tục tự vệ trước sự xâm lược của Iran và chủ nghĩa khủng bố”, ông Netanyahu nói hôm 12/4.

Tại Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Psaki cho biết, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 14/4 theo kế hoạch./.

CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch)Theo NY Times