TNV - Theo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Vũ Thư (Thái Bình) lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16/6, trong 5 năm qua, kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 9,55%, vượt 1,3% so với mục tiêu Đại hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 51,993 triệu đồng, tăng 23,857 triệu đồng so với năm 2015.
Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu
Là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong 5 năm qua ngành nông nghiệp huyện phát triển tương đối toàn diện theo hướng bền vững. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 5 năm (2016-2020) ước đạt 15.522,41 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 2,71%, vượt 0,01% so với mục tiêu Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt Chùa Keo (xã Duy Nhất). Ảnh: Phan Phương
Theo đó, thành tựu nổi bật của huyện là đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa có bao tiêu sản phẩm. Huyện đã xây dựng được 22 cánh đồng mẫu lớn và quy hoạch được 11 vùng, gồm 5 vùng lúa, 6 vùng màu để thực hiện tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Diện tích lúa hằng năm từ 15.800 đến 16.200 ha; lúa chất lượng cao và lúa đặc sản được duy trì và mở rộng. Năng suất lúa bình quân 5 năm đạt 63,8 tạ/ha/vụ, sản lượng lương thực đạt 507,2 nghìn tấn.
Cây màu hè được duy trì ổn định 1.800 ha/năm với các cây trồng chủ lực là ngô nếp, dưa ăn quả, đậu đỗ các loại. Cây vụ đông diện tích duy trì 5.100 ha đến 5.600 ha/năm, chủ lực là các cây ngô, khoai tây, khoai lang, bí xanh, bí đỏ; một số cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân được đưa vào sản xuất như dưa chuột bao tử, ớt, rau cải... Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp từng bước được thực hiện, đáp ứng yêu cầu mùa vụ.
Chăn nuôi phát triển mạnh theo hình thức tập trung; chú trọng nâng cao chất lượng giống, quy trình chăn nuôi tiên tiến. Hiện toàn huyện có 04 tổ hợp tác chăn nuôi, 01 hợp tác xã chăn nuôi; 108 trang trại, trong đó có 86 trang trại nuôi lợn, 06 trang trại gia cầm, 03 trang trại nuôi trâu bò, 13 trang trại tổng hợp và trên 3.538 gia trại gia súc, gia cầm. Mặt khác, khuyến khích các trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; đến nay có 386 hộ chăn nuôi lợn và 01 trang trại chăn nuôi gà đạt tiêu chuẩn VIETGAP, 14 trang trại lợn được cấp chứng chỉ an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, huyện đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án 04/ĐA-UBND về phát triển đàn bò, trong 04 năm thực hiện đề án đã có trên 4.400 con bê con ra đời.
Mùa hoa cải ở xã Hồng Lý. Ảnh: Phan Phương
Nuôi trồng thủy sản được chú trọng, duy trì ổn định diện tích 1.502 ha mặt nước đầm, ao, hồ nội đồng ở các địa phương nuôi thả theo phương pháp truyền thống và 502 ha nuôi theo phương pháp thâm canh và bán thâm canh. Chỉ đạo phát triển chăn nuôi 72 lồng cá trên sông Hồng gắn với bảo vệ môi trường; chuyển đổi ao hồ nuôi cá truyền thống sang nuôi ốc nhồi giống, ốc nhồi thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hệ thống thủy lợi của các xã, thị trấn được thiết kế và xây dựng phù hợp với quy hoạch hệ thống thủy lợi chung của huyện đảm bảo tưới, tiêu cho 100% diện tích đất sản xuất; trong 5 năm, đã đầu tư xây dựng, tu bổ 7,2 km kè, bê tông hóa 26,4 km đê, cứng hóa 31,283 km kênh mương và 61,626 km đường giao thông nội đồng.
Xã Vũ Đoài nuôi cá lồng trên sông Hồng. Ảnh: Phan Phương
Nhờ vậy, phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 100% hộ dân trong huyện được sử dụng nước sạch, là huyện đứng đầu tỉnh về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch. Hệ thống giao thông nông thôn, giao thông thuỷ lợi nội đồng, các công trình phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng. Sản xuất từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; kết cấu hạ tầng được tăng cường; bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Đến hết năm 2019, huyện có 29/29 xã về đích nông thôn mới và đang tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Ngày 04/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg công nhận huyện Vũ Thư đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, sớm hơn 01 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện khóa XV đề ra.
Những kết quả trên chính là tiền đề quan trọng để Đại hội Đảng bộ huyện Vũ Thư lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xây dựng mục tiêu tổng quát là khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời huyện Vũ Thư phấn đấu 30% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao và 10% xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
Nhiệm kỳ 2020 – 2025, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được huyện Vũ Thư xác định là phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả; trọng tâm là cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tích tụ, tập trung ruộng đất; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa với sản phẩm an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị bảo đảm bền vững.
Làng vườn ở xã Bách Thuận. Ảnh: Phan Phương
Trong đó, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái là hướng đi mới của huyện Vũ Thư nhằm kết nối những lợi thế về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với các giá trị văn hóa, di tích lịch sử thành các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.
Để thực hiện nhiệm vụ từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, bên cạnh việc đa dạng các loại hình thương mại dịch vụ; đẩy mạnh hoạt động thu hút các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh thương mại đã được quy hoạch, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân. Huyện Vũ Thư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại, ... tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, dịch vụ, đặc biệt ưu tiên cho du lịch trải nghiệm - di tích lịch sử văn hóa - làng vườn.
Cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: BTB
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn theo hình thức BT, BOT; xây dựng các trung tâm phát triển thương mại dịch vụ; hoàn thành Trung tâm thương mại thị trấn; nâng cấp bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn đặc biệt là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt Chùa Keo. Xây dựng tuyến du lịch Khu lưu niệm Bác Hồ (xã Tân Hòa) - Làng vườn (xã Bách Thuận) - Chùa Keo (xã Duy Nhất) - du lịch sinh thái Hồng Phong và một số điểm du lịch tâm linh khác trên địa bàn huyện.
Đồng thời thực hiện một số vùng trồng hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, rau, củ, quả... có giá trị kinh tế cao; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao và gắn với phát triển các ngành dịch vụ thương mại, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện./.
Phạm Quỳnh