Vụ việc ô tô bị tàu hỏa đâm dưới góc nhìn của người làm luật

Thứ tư, 12/06/2024 - 02:06

Việc ô tô bị tàu hỏa đâm, chưa biết chủ nhân có được bảo hiểm đền bù hay không vì còn tùy thuộc vào các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng bảo hiểm thân vỏ giữa 2 bên, song chắc chắn thiệt hại nặng nề về tài sản là có và sẽ bị xử phạt hành chính do vi phạm luật giao thông đường bộ và đường sắt.

Vụ việc chiếc ô tô Hyundai Creta màu đỏ đỗ ngay sát đường ray đã bị tàu hỏa đâm gây hư hỏng nặng ở phần đầu vào chiều ngày 5/6 vừa qua đang nhận được sự chú ý lớn từ dư luận. Ngoài các bình luận chia sẻ với chủ xe về những thiệt hại tài sản; những ý kiến về ý thức dừng, đỗ xe khi tham gia giao thông thì vấn đề về bảo hiểm và đền bù cũng được người dân đặc biệt quan tâm.

Dưới đây là một số ý kiến chia sẻ từ các luật sư về vụ việc nêu trên:

Ô tô đỗ sát ngay đường ray tàu hỏa là vi phạm luật giao thông đường bộ và đường sắt

Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng đại diện văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, dừng đỗ xe là một trong những trạng thái khi tham gia giao thông, việc dừng đỗ xe phải tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn của luật giao thông đường bộ, tránh gây ra những va chạm, tai nạn giao thông và không cản trở giao thông đường bộ.

Tại Khoản 4 Điều 18 của Luật Giao thông đường bộ ban hành năm 2008 đã quy định rõ, người điều khiển phương tiện không được phép dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt.

Phạm vi an toàn của đường sắt theo quy định tại Điều 27 Luật Đường sắt sẽ bao gồm khoảng không phía trên, dải đất hai bên và phía dưới mặt đất của đường sắt. Theo nội dung Điều 9 của Nghị định 56 ban hành năm 2018, phạm vi bảo vệ 2 bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường không đào, không đắp tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra là 5,4 m với đường sắt đô thị, 7,5 m với đường sắt tốc độ cao và 5,6 m đối với đường sắt còn lại.

Qua các hình ảnh và video được người dân chia sẻ dễ dàng nhận thấy, chủ nhân chiếc Hyundai Creta trong vụ việc đã đỗ xe ngay sát đường ray, thuộc khu vực cấm dừng, cấm đỗ theo quy định của pháp luật. Đây là hành vi rất nguy hiểm vì hoàn toàn có thể xảy ra tai nạn giao thông. Do đó, chủ xe sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng theo quy định tại Điểm a khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Điểm d khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Trường hợp vụ tai nạn được cơ quan chức năng xác định là nghiêm trọng, có gây thiệt hại đến tài sản của người khác từ 100.000.000 đồng trở lên thì chủ xe có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 260 Bộ Luật hình sự.

Ô tô bị tàu hỏa đâm có được bảo hiểm bồi thường?.

Vụ việc ô tô bị tàu hỏa đâm dưới góc nhìn của người làm luật. Ảnh: Internet

Ô tô bị tàu hỏa đâm gây hư hỏng nặng có thể được bảo hiểm đền bù

Được biết, chủ nhân của chiếc ô tô Hyundai Creta trong vụ việc bị tàu hàng đâm gần đây đã mua bảo hiểm thân vỏ xe. Song, việc chủ xe có được bảo hiểm bồi thường hay không còn tùy thuộc vào các điều khoản nêu trong hợp đồng đã ký kết giữa 2 bên.

Anh Nguyễn Khắc Xuân, giám đốc một công ty chuyên tư vấn về quyền lợi bảo hiểm tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: "Hợp đồng bảo hiểm có 2 nội dung quan trọng nhất để xác định trách nhiệm bảo hiểm. Thứ nhất, điều kiện cần là tổn thất phải do các rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm ghi rõ trong hợp đồng/quy tắc bảo hiểm gây ra. Thứ hai, điều kiện đủ là tổn thất không thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm".

Như vậy, nếu chiếc Creta bị hư hại nêu trên nếu không thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thì chủ xe vẫn có thể được nhận bồi thường từ công ty bảo hiểm.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Vĩnh - chuyên viên tư vấn bảo hiểm lại cho rằng, khả năng chủ xe được bảo hiểm bồi thường trong trường hợp này là khá thấp. Bởi, "nếu xếp vụ tai nạn này vào nhóm sự cố ngoài ý muốn thì có thể vẫn được bồi thường nếu đã mua bảo hiểm thân vỏ. Tuy nhiên khi xét cụ thể hơn, chủ xe đã đậu đỗ ô tô sai quy định nên khả năng được công ty bảo hiểm bồi thường là rất thấp", anh Vĩnh nói.