TNV - Được biết, hiện ở VQG Ba Vì có 217 khu dấu tích từ thời Pháp thuộc, với kiến trúc độc đáo hòa mình cùng thiên nhiên; và VQG Ba Vì đang nỗ lực đưa các dấu tích lịch sử này vào phát triển du lịch gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và giữ gìn các giá trị lịch sử, tâm linh của núi Ba Vì.
Dấu tích nhiều công trình phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của quan chức cấp cao thời Pháp thuộc
Từ những năm 30 của thế kỷ trước, người Pháp đã “tìm thấy” Ba Vì như là một phát hiện mới của thế kỷ 20. Bởi, Ba Vì có một tiềm năng lớn để trở thành một khu nghỉ mát cao cấp. Trong báo cáo ngày 30/8/1942 của Công sứ tỉnh Sơn Tây Fucat gửi Thống sứ Bắc Kỳ về dự án quy hoạch khu núi Ba Vì đã đánh giá: “… khu núi Ba Vì sẽ trở thành khu nghỉ dưỡng mang lợi ích cao hơn Tam Đảo…”. “Thứ nhất, đường từ Hà Nội lên Ba Vì rất thuận tiện. Khoảng cách từ Hà Nội đến cốt 1.000 chỉ có 67 km. Toàn bộ chỉ có 12 km đường núi. Độ dốc của núi Ba Vì không quá 10% (trong khi đó ở Tam Đảo là 14%, thậm chí 16%). Thứ hai, khí hậu ở Ba Vì không ẩm ướt như Tam Đảo. Nhiệt độ không thay đổi quá nhiều (thấp nhất là 1708 và cao nhất là 2906”.
Thăm quan “Lọng đá” ở động Ngọc Hoa
Do vậy, từ những năm 1932 - 1944 người Pháp đã cho xây dựng nhiều công trình tại đây như: Nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí, nhà thờ, cô nhi viện, trại hè, trường thanh niên, các căn cứ quân sự…
Đặc biệt tại độ cao từ cốt 1.000 – 1.100m, tại sườn tây đỉnh Tản Viên là một hệ thống nhà tù chính trị bí mật được xây dựng kiên cố nhằm giam cầm các nhà cộng sản yêu nước của ta chống lại chế độ thực dân. Nhà tù được bố trí thành 3 khu: Khu 1 là nơi ở cho cai tù; Khu 2, khu 3 là nơi giam giữ phạm nhân. Với tổng thể gần 1.000m2 có thể giam giữ từ 100 – 200 người. Hiện nay, các tài liệu về khu nhà tù chính trị còn hạn chế, Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì đang tích cực tìm kiếm những nhân chứng còn sống và những tài liệu có liên quan để từng bước hoàn thiện các thông tin phục vụ du khách đến tham quan.
Anh Thành - cán bộ VQG giới thiệu khu nhà ngục giam cầm những chiến sĩ cách mạng
nay chỉ còn là những dấu tích lịch sử.
Khu trại hè dành cho con em người Pháp và các quan lại chính quyền thuộc địa nằm ở độ cao 650 – 700m, tổng thể diện tích khoảng 1.200 m2 , bao gồm 4 khu nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố bằng đá có sẵn ở Ba Vì. Nằm giữa một khu rừng tự nhiên với nhiều loài cây gỗ lớn như sồi, dẻ, cà lồ, kháo, đặc biệt trên những thân cây gỗ lớn có nhiều loài phong lan, cây tổ diều tạo nên một sinh cảnh khá độc đáo, hấp dẫn nhiều du khách tới tham quan, chụp ảnh lưu niệm và ảnh cưới.
Ba Vì là nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, có hệ sinh thái rừng nguyên sinh độc đáo và gần Thủ đô Hà Nội. Do vậy, từ những thập niên 30 của thế kỷ trước, người Pháp đã cho xây dựng nhiều công trình phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của quan chức cấp cao thời đó. Được biết, hiện ở VQG Ba Vì có 217 khu dấu tích từ thời Pháp thuộc, với kiến trúc độc đáo hòa mình cùng thiên nhiên; và VQG Ba Vì đang nỗ lực đưa các dấu tích lịch sử này vào phát triển du lịch gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và giữ gìn các giá trị lịch sử, tâm linh của núi Ba Vì.
Hoàn thiện tuyến đường đi bộ trong rừng, tôn tạo cảnh quan đón du khách đến vui chơi cắm trại
Trong năm 2012, VQG Ba Vì đã hoàn thiện tuyến đường đi bộ trong rừng tới những điểm trên, đồng thời tôn tạo cảnh quan, hoàn thiện những cơ sở vật chất để phục vụ đón các đoàn học sinh, sinh viên, du khách đến vui chơi cắm trại.
Cây bách xanh cổ thụ trăm năm tuổi trên đỉnh Tiểu đồng
Ông Đỗ Hữu Thế (Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Ba Vì) đưa tôi đi theo con đường bê tông mới trải ngoằn nghèo dưới những tán cây rừng xanh mướt tới thăm động Ngọc Hoa. Động Ngọc Hoa nằm ở độ cao 350m, cách đường ô tô khoảng 200m. Khom người chui qua một vòm đá nhỏ um tùm dây rừng leo phủ kín là ta nhìn thấy động.
Tại đây, tôi được quan sát một hiện tượng tự nhiên diễn ra cách đây hàng triệu năm về trước, đó là sự trượt gãy của địa chất do quá trình vận động hình thành núi Ba Vì đã tạo ra những hang động kỳ thú. Phía trên động là một phiến đá rộng lớn được tạo hóa sắp xếp trên 3 trụ đá vững chắc tạo nên 1 vòm đá rộng khoảng 15m2. Bên cạnh động đá là hang dơi có cửa hang hình dáng rất “phồn thực”. Hang dơi gồm 4 cửa xuyên vào lòng núi. Đây là nơi sinh sống của khoảng 5-6 loài dơi. Tuy nhiên hang rất sâu và nguy hiểm, hiện nay VQG chưa cho khách vào hang dơi tham quan. Nằm bên trên hang dơi là “Lọng đá”. Tương truyền đây là nơi công chúa Ngọc Hoa (con vua Hùng Vương thứ 18) nhớ nhà thường ngồi nhìn về phía đất tổ Phong Châu.
VQG Bà Vì có đặc trưng là kiểu rừng hỗn hợp cây lá rộng và cây lá kim á nhiệt đới núi thấp
Từ động Ngọc Hoa chúng ta có thể vươn tầm mắt ngút ngàn tới cánh rừng nằm thoai thoải bên sườn núi và những làng mạc chạy xa tít tắp trải dài dưới chân núi. Cảnh sắc ở đây thật say đắm lòng người!
Trong kỳ nghỉ cắm trại và dã ngoại các bạn trẻ sẽ được hướng dẫn viên là những chàng kiểm lâm trẻ tuổi, hóm hỉnh, vui tính và rất giàu kinh nghiệm về lâm sinh, đưa đi thăm các khu rừng cổ thụ, dâng hương tại đền thờ Bác trên đỉnh vua, đền thờ Đức Thánh Tản ở đỉnh giữa, thăm khu nhà ngục giam cầm các chiến sĩ cách mạng, thăm đồn bốt của Pháp ở điểm cao 600-700m, mà hiện nay chỉ còn là những phế tích và được nghe kể về những cuộc hành quân băng rừng của bộ đội ta, cùng những trận đánh xuất quỷ nhập thần.
Bên cây cà lồ cổ thụ
Sau đó để lòng mình hòa quyện với thiên nhiên, các bạn sẽ được trèo gần ngàn bậc thang lên thăm rừng bách xanh cổ thụ trên đỉnh Tiểu đồng. Đây là đặc trưng cho kiểu rừng hỗn hợp cây lá rộng và cây lá kim á nhiệt đới núi thấp cùng sự xuất hiện của loài cây bách xanh nằm trên độ cao từ 1.000m trở lên. Loài cây bách xanh thường phân bố ở những nơi có độ dốc rất lớn, vách đá cheo veo dựng đứng nhưng lại có sức sống rất dẻo dai và mãnh liệt. Nên từ xa xưa cây tùng, cây bách được nhân dân ta ví tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu và khí phách cao thượng của người quân tử.
Bữa chiều vui vẻ, sảng khoái tại cốt 400 trên núi Ba Vì
Và cũng tại đây, các bạn tận mắt được chứng kiến những cây bách xanh cổ thụ hàng trăm năm tuổi mọc lên từ những kẽ đá. Các bạn có thể thỏa thuê ngồi trên những lớp rêu phong êm mượt, mọc trên những phiến đá ngay dưới chân cây bách xanh cổ thụ và tựa đầu vào thân cây xù xì, gân guốc, nghe tiếng gió đại ngàn hòa trong tiếng chim rừng thánh thót và tiếng ve sầu kêu râm ran giữa những ngày hè mát rượi, làm nên những bản hòa tấu diệu kỳ của rừng xanh./.
Dưới đây là một số hình ảnh du khách hành hương về núi Ba Vì dâng hương lên đền thờ Bác và đền thờ Đức thánh Tản Viên:
Đền thờ Bác trên đỉnh vua núi Ba Vì.
Đền thờ Đức thánh Tản Viên (hay còn gọi là Đền Thượng) trên đỉnh giữa núi Ba Vì
Phạm Quỳnh