
Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất, đóng vai trò như "bộ máy lọc" của cơ thể con người. Chức năng chính của gan là trao đổi chất và đào thải độc tố.
Tuy nhiên, do hệ thống dây thần kinh cảm nhận đau ở gan khá thưa thớt nên ngay cả khi bị tổn thương, gan cũng ít khi phát ra tín hiệu rõ ràng.
Chính vì vậy, nhiều người thường bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo, dẫn đến việc chậm trễ trong điều trị và bỏ lỡ thời điểm vàng để kiểm soát bệnh.
Bệnh gan không xuất hiện tức thì mà âm thầm tiến triển qua thời gian, đến khi phát hiện thì có thể đã muộn. Những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh mỗi ngày giống như từng nhát dao vô hình, lặng lẽ bào mòn lá gan, thậm chí dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng.

Đừng lầm tưởng rằng tuổi trẻ đồng nghĩa với sức khỏe vững vàng, có thể thỏa sức ăn uống vô độ mà không lo hậu quả. Bởi chính sự chủ quan ấy khiến nhiều người vô tình đẩy gan đến bờ vực suy kiệt, sức khoẻ suy giảm nghiêm trọng.
Vì thế, hãy yêu thương cơ thể mình ngay từ bây giờ bằng cách duy trì lối sống khoa học, bảo vệ gan trước khi quá muộn.
"Sát thủ thầm lặng" gây bệnh ung thư và làm tổn thương gan
Ngay từ năm 1993, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp aflatoxin vào nhóm chất gây ung thư hạng nhất.
Đây là một độc tố có độc tính cực cao, được tạo ra bởi một số chủng nấm mốc như: Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus.
Trong đó, aflatoxin B1 là loại nguy hiểm nhất, có khả năng gây ung thư và độc tính cao. Đáng sợ hơn, aflatoxin không hòa tan trong nước, khó bị phân hủy, thậm chí đun sôi ở 200°C cũng không thể tiêu diệt hoàn toàn.
Nhiều trường hợp ngộ độc nghiêm trọng đã được ghi nhận. Trong một chương trình truyền hình Trung Quốc, một người phụ nữ chia sẻ bi kịch gia đình: cha cô mắc ung thư ruột kết, anh trai bị ung thư não, chồng ung thư gan, còn cô mắc ung thư phổi.
Không ai trong gia đình có tiền sử ung thư, nhưng họ đều tiếp xúc với aflatoxin do sử dụng đũa, thớt không vệ sinh đúng cách, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.
Một vụ ngộ độc khác ở tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) từng khiến 7/9 người trong một gia đình tử vong do ăn món súp chua nhiễm aflatoxin.
Chỉ 1 miligam aflatoxin có thể gây ung thư, trong khi 20 miligam có thể gây tử vong. Những trường hợp trên là hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của aflatoxin.
Để bảo vệ sức khỏe, bạn cần vệ sinh kỹ dụng cụ nhà bếp, kiểm tra thực phẩm trước khi sử dụng và tuyệt đối không ăn thực phẩm bị mốc hoặc biến chất. Một chút bất cẩn có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Những thực phẩm chứa aflatoxin mà người Việt thường dùng
Aflatoxin là một trong những chất gây ung thư nguy hiểm nhất, thường tồn tại trong thực phẩm bị nấm mốc hoặc bảo quản không đúng cách.
Nhiều loại thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm aflatoxin, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Dưới đây là những thực phẩm dễ nhiễm loại độc tố này mà bạn cần đặc biệt lưu ý:
1. Hạt hướng dương
Hạt hướng dương là món ăn vặt phổ biến, đặc biệt trong các dịp lễ Tết. Tuy nhiên, nếu không được bảo quản đúng cách, hạt hướng dương có thể bị nhiễm nấm mốc, dẫn đến sự xuất hiện của aflatoxin cực kỳ nguy hiểm.
Khi ăn, nếu cảm thấy vị đắng hoặc mùi hôi bất thường, bạn nên nhổ ra ngay và súc miệng thật sạch để tránh hấp thụ độc tố.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn hãy ưu tiên chọn mua hạt hướng dương từ nguồn uy tín, bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và kiểm tra kỹ trước khi sử dụng.

2. Đậu phộng (lạc) và ngô bị mốc
Đậu phộng và ngô là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, nhưng nếu bảo quản không đúng cách, chúng có thể trở thành nguồn nhiễm aflatoxin – một chất gây ung thư cực kỳ nguy hiểm. Bởi môi trường ẩm ướt, bảo quản lâu ngày hoặc không được sấy khô đúng cách là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển, tạo ra aflatoxin.
Trước khi sử dụng, bạn hãy kiểm tra kỹ bề mặt và mùi của thực phẩm. Nếu thấy có dấu hiệu nấm mốc, ẩm ướt hoặc mùi lạ, bạn tuyệt đối không tiếc rẻ mà giữ lại.
Chỉ một lượng nhỏ aflatoxin cũng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến gan và sức khỏe tổng thể. Vì vậy, bạn hãy bảo quản đậu phộng và ngô ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc với độ ẩm cao, đồng thời loại bỏ ngay thực phẩm bị mốc để bảo vệ sức khỏe gia đình.
3. Nấm mèo (mộc nhĩ) ngâm nước quá lâu
Nấm mèo (mộc nhĩ) là thực phẩm quen thuộc, giàu dinh dưỡng và được sử dụng trong nhiều món ăn.
Tuy nhiên, nếu bạn ngâm nước quá lâu, đặc biệt là qua đêm hoặc quá 4 giờ, nấm có thể bị nhiễm khuẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển, sinh ra độc tố nguy hiểm như aflatoxin.
Để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên ngâm nấm trong khoảng thời gian vừa đủ, rửa sạch trước khi chế biến và sử dụng ngay sau khi ngâm.
Nếu thấy nấm có mùi lạ, nhớt hoặc đổi màu, bạn tuyệt đối không nên sử dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
4. Đậu nành
Đậu nành và các loại đậu khác như đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ là nguồn thực phẩm quen thuộc, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu không được bảo quản đúng cách, chúng có thể bị nấm mốc và sinh ra aflatoxin gây nguy hiểm cho cả gia đình.
Đặc biệt, một số loại đậu nành được nhuộm màu hoặc xử lý bằng hóa chất để tạo màu sắc đẹp hơn có thể chứa hàm lượng aflatoxin cao hơn bình thường.
Việc tiêu thụ những sản phẩm này không chỉ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính mà còn làm tăng nguy cơ tổn thương gan nghiêm trọng.
Để bảo vệ sức khỏe, bạn nên chọn mua đậu từ nguồn uy tín, tránh sử dụng đậu nành có màu sắc bất thường hoặc có dấu hiệu ẩm mốc, đồng thời bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát để hạn chế nguy cơ nhiễm độc tố.
Bí quyết phòng tránh aflatoxin để sống khỏe, sống thọ
Aflatoxin là một trong những chất độc gây ung thư nguy hiểm nhất, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh bằng những thói quen đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày.
Trước hết, cần tuyệt đối tránh ăn thực phẩm đã bị nấm mốc. Đậu phộng, ngô, hạt dưa nếu có dấu hiệu ẩm mốc thì không nên tiếc rẻ mà giữ lại, bởi nấm mốc có thể đã phát triển bên trong mà mắt thường không nhìn thấy được. Tương tự, trái cây nếu bị thối một phần, tốt nhất nên bỏ cả quả vì vi khuẩn và độc tố có thể đã lan rộng.
Bảo quản thực phẩm đúng cách cũng giúp ngăn ngừa sự hình thành aflatoxin. Bạn cần giữ thực phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để trong môi trường ẩm ướt quá lâu.

Các loại đậu, gạo, ngô không nên trữ dài ngày nếu không có điều kiện bảo quản tốt. Dầu ăn cũng cần đậy kín sau khi sử dụng, tuyệt đối không dùng dầu ăn đã ôi hoặc chiên đi chiên lại nhiều lần, vì đây là nguồn gây hại trực tiếp cho gan.
Bên cạnh đó, nhiều người không để ý đến việc vệ sinh dụng cụ nhà bếp, trong khi đây là nơi dễ nhiễm aflatoxin. Đũa gỗ, thớt nếu bị mốc hoặc xuất hiện vết đen thì nên thay ngay. Sau khi rửa bát đũa, cần phơi khô hoàn toàn để tránh vi khuẩn sinh sôi.
Ngoài việc tránh để thực phẩm nhiễm độc, chúng ta cũng cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Hạn chế ăn đồ chiên đi chiên lại, tăng cường rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để hỗ trợ gan thải độc.
Đặc biệt, bạn nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các nguy cơ bệnh tật. Chỉ với một vài điều chỉnh nhỏ trong thói quen hàng ngày, bạn đã có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, sống lâu và sống khỏe mạnh hơn.
Ứng Hà Chi