WWF kêu gọi giảm rác thải nhựa tại Côn Đảo - “Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương"

Thứ sáu, 25/03/2022 - 09:52

TNV - Côn Đảo, ngày 23/ 3/2022 - UBND huyện Côn Đảo phối hợp Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) để khởi động chuỗi hoạt động giảm rác nhựa trong du lịch tại Côn Đảo, diễn ra từ 21 đến 27/3  cùng thông điệp “Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương".

Hoạt động được triển khai trong khuôn khổ chiến dịch “Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa” được thực hiện với nguồn tài trợ từ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do WWF-Việt Nam phối hợp triển khai cùng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Đây là một trong những nỗ lực thiết thực của UBND huyện Côn Đảo và WWF-Việt Nam với kỳ vọng góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường, đồng thời hạn chế giảm tồn đọng rác thải nhựa tại Khu bảo tồn biển (KBTB) Côn Đảo.

Hoạt động triển lãm diễn ra trong khuôn khổ tuần lễ tại Côn Đảo

Các hoạt động chính trong tuần lễ là:  Tuần lễ giảm nhựa trên phạm vi toàn đảo (từ 21-27/3); Triển lãm “Du hí biển nhựa" kết hợp “Ngày hội Đổi rác lấy quà" tại trụ sở Phòng Tài nguyên và Môi trường (ngày 25-26/3); Lễ ký cam kết Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa (ngày 26/3). Bên cạnh đó, Sổ tay giảm nhựa khi du lịch Côn đảo cũng được phát hành trong thời gian này. Chuỗi hoạt động khởi động này sẽ là bước đầu để mỗi cá nhân, mỗi khách du lịch khi đến Côn Đảo đều có thể đóng góp một phần trách nhiệm của mình trong việc xây dựng hình ảnh hòn đảo thiên đường đẹp xinh, giảm nhựa, sạch và trong lành.

Côn Đảo đang phải hứng chịu nhiều hậu quả do tình trạng rác thải nghiêm trọng.

Với đặc thù nằm giữa biển, Côn Đảo chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ rác nhựa đại dương, nhất là ở các khu rừng ngập mặn, các rạn san hô và các bãi đá. Lượng khách du lịch tăng nhanh chóng nên các bãi rác của huyện rơi vào tình trạng quá tải. Theo số liệu thống kê, lượng CTRSH trung bình phát sinh tại Côn Đảo hiện dao động trong khoảng 17 – 20 tấn/ngày, lượng rác tồn đọng chưa được xử lý hiện nay là trên 70.000 tấn tại bãi Nhát (số liệu ghi nhận tháng 7/2020). Chỉ tính riêng lượng rác thải nhựa từ hoạt động du lịch tại Côn Đảo đã lên đến 221,4 tấn/năm với tỉ lệ phần trăm rác thải nhựa phát sinh tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch chiếm 33,3% so với tổng lượng phát sinh toàn huyện (WWF, 2021). Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những vấn đề đáng quan tâm trong quá trình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương.

Rác thải nhựa tại Côn Đảo

Chính vì vậy, chiến dịch “Côn Đảo - Điểm đến giảm nhựa" nhằm tập trung nâng cao nhận thức của khách du lịch để mỗi du khách trở nên có trách nhiệm hơn khi đến thăm Côn Đảo.Để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể,  doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và du khách trong việc giảm tiêu thụ nhựa sử dụng một lần, xử lý lượng rác thải tồn đọng trong môi trường, tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) và tập trung xử lý chất thải nhựa.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc Chương trình Giảm Nhựa, WWF Việt Nam cho biết: “Là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động tại Việt Nam và Côn Đảo từ những năm 1990, WWF đã có nhiều dự án, hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Côn Đảo. Hiện nay, đứng trước vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương đang ảnh hưởng đến các sinh cảnh quan trọng của Côn Đảo, với mong muốn cùng chính quyền địa phương và các bên liên quan chung tay giải quyết vấn đề này, WWF rất hoan nghênh lãnh đạo UBND huyện Côn Đảo đã cam kết đưa Côn Đảo trở thành điểm đến giảm nhựa, với mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra ngoài môi trường năm 2025, ghi tên mình trở thành Đô thị thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa toàn cầu của WWF trên toàn cầu.”

Ông Huỳnh Trung Sơn, đại diện lãnh đạo UBND huyện Côn Đảo chia sẻ: “ Chúng tôi tin tưởng việc tham gia vào chương trình Đô thị Giảm nhựa sẽ giúp huyện Côn Đảo huy động thêm nguồn lực triển khai các hoạt động cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn và giảm thiểu rác thải nhựa cũng như có cơ hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đô thị khác trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cũng góp phần giúp xây dựng hình ảnh Côn Đảo điểm đến du lịch hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế”.

UBND huyện Côn Đảo đã thống nhất cùng xây dựng kế hoạch mục tiêu đến năm 2025 và triển khai các hoạt động quan trọng hướng tới mục tiêu chung giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến các hệ sinh thái biển tại Côn Đảo.

Bên cạnh việc nâng cao ý thức của khách du lịch, trong thời gian tới, WWF-Việt Nam cùng với UBND huyện Côn Đảo sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện các hoạt động để nâng cao hiểu biết của người dân địa phương như vận động các cơ sở kinh doanh và dịch vụ thương mại giảm sử dụng túi ni lông và nhựa sử dụng một lần.

Về WWF

WWF là một trong những tổ chức bảo tồn độc lập lớn và uy tín nhất thế giới, với hơn 5 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu hoạt động tại hơn 100 quốc gia. Sứ mệnh của WWF là ngăn chặn sự suy thoái của môi trường tự nhiên Trái đất và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hài hoà với thiên nhiên, thông qua bảo tồn đa dạng sinh học thế giới, đảm bảo sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo, và tuyên truyền giảm ô nhiễm và tiêu dùng lãng phí.

Tại Việt Nam, WWF bắt đầu thực hiện chiến lược bảo tồn ở cấp quốc gia từ năm 1985; từ đó phối hợp chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để tiến hành các hoạt động khác nhau liên quan đến lĩnh vực môi trường trên khắp cả nước.

Về dự án “Giảm thiểu rác nhựa đại dương tại Việt Nam"

Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được chính thức phê duyệt theo Quyết định số 1426/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 07 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.

Hoàng Hà