Xã biên giới đặc biệt khó khăn Lóng Phiêng phấn đấu đạt 17 tiêu chí nông thôn mới trong nhiệm kỳ 2020 - 2025

Thứ bảy, 09/05/2020 - 10:35

TNV - Là xã vùng biên đặc biệt khó khăn, nhưng nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ xã Lóng Phiêng (Yên Châu – Sơn La) mạnh dạn đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó có một số chỉ tiêu cốt lõi như: Thu nhập bình quân đầu người tăng trên 2 lần so với năm 2020; giá trị sản phẩm đạt 70 triệu đồng/ha đất trồng trọt; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 100%, tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội 21,3 %, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 3% /năm và đạt 17 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Diện tích trồng cây ăn quả tăng gần 3 l ần

Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ xã khóa VII nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ: Nhiệm kỳ 2015 – 2020, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Trong đó, tổng sản phẩm năm 2020 ước đạt 121 tỷ đồng, tăng 228%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 23 triệu đồng/người/năm, tăng 12 triệu đồng so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân mỗi năm giảm 2,7% (tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 còn 29,6%); tỷ lệ hộ khá, hộ giàu tăng qua các năm đạt 40%; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, xã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp&PTNT, các Ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Sơn La và nhiều tỉnh, thành...

Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, hàng năm diện tích cây trồng kém hiệu quả được bà con hăng hái chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Năm 2016, diện tích cây ăn quả là 310 ha, đến năm 2020 là 1.140 ha, tăng gần 4 lần. Nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ đã phát huy được kết quả và đang được nhân rộng; tiêu biểu như: mô hình trồng nhãn ghép, nhãn rải vụ kết hợp chăn nuôi lợn của HTX Phương Nam, mô hình trồng mận hậu của HTX Tiến Đạt,...;

5 năm qua, xã đã huy động 10,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, hoàn thành xây dựng 19 công trình. Trong đó, xây mới 2 nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới; nâng cấp 02 tuyến đường bê tông gần 6 km vào bản Nà Mùa và Pa Sa; làm mới 5,524 km đường bê tông; 09/12 bản có đường ô tô cứng hóa đến bản; 12/12 bản có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dùng điện lưới quốc gia đạt 99%, tăng 25% so với năm 2016; 4/12 bản có hệ thống điện điện thắp sáng dọc đường. Huy động xã hội hóa xây dựng 2 lớp học và các công trình phụ trợ tại 2 điểm trường mầm non; xây dựng 01 nhà cho hộ nghèo bản Tà Vàng; hỗ trợ xây dựng 02 nhà cho gia đình chính sách bản Yên Thi, Cò Chịa.

... về thăm quan mô hình trồng nhãn ghép, nhãn rải vụ của HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng.
Đây là HTX ứng dụng thành công khoa học công nghệ vào sản xuất.

Là xã vùng biên thuộc diện đặc biệt khó khăn 135, nhưng nhờ biết khơi dậy tiềm năng lợi thế địa phương, tạo điều kiện thuận lợi bà con đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nên mấy năm nay tại xã đã có 01 doanh nghiệp, 03 hợp tác xã, 109 hộ sản xuất, kinh doanh, vận tải và cơ sở sơ chế nông sản hoạt động cho kết quả với giá trị sản xuất ngành dịch vụ năm 2020 ước đạt 15 tỷ đồng; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã, đưa các nông sản thế mạnh địa phương (mận hậu, nhãn, xoài…) tiếp cận với thị trường, giúp bà con yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.

Tính đến tháng 11/2019, xã Lóng Phiêng phối hợp với các ngân hàng tạo thuận lợi để nhân dân tiếp cận các nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế với tổng dư nợ Ngân hàng NN&PTNT là 50 tỷ đồng, số hộ vay là 178 hộ; dư nợ Ngân hàng CSXH là 33,4 tỷ đồng, số hộ vay là 801 hộ; tạo nhiều việc làm cho bà con, góp phần cải thiện đời sống. Hỗ trợ 1,1 tỷ đồng giúp 38 người có công với cách mạng, sửa chữa, làm mới nhà .

Nhờ vậy, trong 5 năm qua, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp hàng năm đạt 99,5%; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xoá mù chữ. Các chỉ tiêu về y tế cơ bản đạt và vượt: Tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt 100%, tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ hàng năm đạt 95%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88 %. Các thiết chế văn hoá, thể thao, sinh hoạt cộng đồng được đầu tư và phát huy hiệu quả tích cực, 11/12 bản có nhà văn hóa, có 16 đội văn nghệ bản, trường học.



Mô hình mận chín sớm của vợ chồng anh Phạm Văn Tính ở bản Yên Thi. Nhờ phát triển cây ăn quả
trên đất dốc, mấy năm nay gia đình anh thu đều hơn 01 tỷ đồng/năm.

Trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới được giữ vững; kịp thời ngăn chặn ngay từ cơ sở các vấn đề phát sinh, không để xảy ra “ điểm n óng ”; chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự; kiềm chế, đẩy lùi tệ nạn ma tuý, hạn chế việc phát sinh người nghiện mới; trong nhiệm kỳ đã đấu tranh, bắt 17 đối tượng phạm tội về ma túy, lập hồ sơ giáo dục tại xã 58 đối tượng.

Định hướng phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao

Theo Bí thư Đảng ủy Phạm Văn Tiến, kết quả nổi bật của xã trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 là hình thành được vùng trồng cây ăn trái tập trung có diện tích lớn, chất lượng thơm ngon và tổng đàn lợn xuất chuồng gần 1.000 tấn/năm, đứng thứ 2 toàn huyện với nhiều hộ chăn nuôi lợn qui mô lớn (vài trăm đến vài ngàn con/năm/hộ).

Gia đình chị Vì Thị Tuyết ở bản tái định cư Quỳnh Phiêng khôi phục lại nghề sản xuất miến dong
truyền thống. Hiện cả bản có 62/67 hộ sản xuất với sản lượng gần 30 tấn/năm, mang lại
nguồn thu đáng kể để cải thiện đời sống.

Đồng thời, xã cũng tập làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn hệ thống tổ chức đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt các chi bộ, chú trọng phát triển đảng viên trẻ, đảng viên nữ, đảng viên là người dân tộc thiểu số. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 53 đảng viên, sáp nhập 2 chi bộ trường mầm non; đội ngũ cán bộ xã được đào tạo theo hướng chuẩn hoá; tập trung kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại, nên đã kịp thời xử lý kỷ luật 16 đảng viên, ổn định tình hình, củng cố niềm tin trong cán bộ và nhân dân.

Bên cạnh kết quả được, Đảng bộ xã cũng thắng thắn nhận ra những hạn chế, như: Kinh tế phát triển khá nhưng chưa toàn diện, bền vững; sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư theo chiều sâu; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn chậm; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, giảm nghèo thiếu bền vững. Việc buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy vẫn còn diễn ra…

Chăn nuôi lợn qui mô lớn trên 3.000 con mỗi năm (tương đương với 350 tấn) của hộ sản xuất
kinh doanh giỏi cấp toàn quốc Trần Như Kiên thuộc bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng.

Nguyên nhân là đường giao thông đến một số bản chưa được cứng hóa, đường vào khu kinh tế, vùng sản xuất chủ yếu là đường đất; thời tiết diễn biến phức tạp; dịch hại xảy ra trên cây trồng; sức cạnh tranh của nông sản còn yếu; trình độ dân trí giữa các bản không đồng đều, đất canh tác ít; một số chi bộ chưa chủ động, sáng tạo; chất lượng tham mưu và trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức,.. chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ xã đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó có một số chỉ tiêu cốt lõi như: Thu nhập bình quân đầu người tăng trên 2 lần so với năm 2020; giá trị sản phẩm đạt 70 triệu đồng/ha đất trồng trọt; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 100%, tỷ lệ lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội 21,3 %; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 3% /năm;

Đạt 17 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 100% bản có đội văn hóa, văn nghệ hoạt động thường xuyên;89% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 99% dân số được xem truyền hình, nghe đài phát thanh; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt 34%, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 90% trở lên; bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom đạt trên 90%; tỷ lệ che phủ rừng đạt ổn định 41,7%.

Cùng với mận hậu, nhãn, xoài thì nuôi ong lấy mật là sản phẩm thế mạnh của HTX Tiến Đạt.

Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, Đảng bộ xã xác định 2 giải pháp đột phá là: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh.

Theo đó, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với các cây trồng chủ lực (nhãn, mận hậu, xoài); tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; đầu tư nâng cấp hồ Yên Thi gắn với du lịch và khám phá hang Nậm Rắng.

Thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, các nhóm hộ liên kết sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng vùng cây ăn quả tập trung; xây dựng mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap cho cây nhãn, mận hậu,... giảm diện tích cây ngô thương phẩm,

Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo hướng trồng cỏ và nuôi nhốt; phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, chăn nuôi hữu cơ. Các cơ sở chế biến nông sản, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Phát triển các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân đi đôi với giảm nghèo bền vững.

Là những nông dân tích cực phát triển kinh tế gia đình, nhưng đảng viên Vũ Văn Mạnh
(bên phải) cùng 2 người bạn cùng ở bản Yên Thi đã phấn đấu vào Đảng với suy nghĩ
để trưởng thành hơn, sống có ý nghĩa hơn.

Đồng thời, thực hiện cứng hóa 5 km đường liên bản ( Nong Đúc - Nà Mùa - Cò Chịa ), 5 km đường nội bản ( Tô Buông 3,5 km, Quỳnh Phiêng 0,5 km, Tà vàng 1 km); góp phần phát triển hệ thống giao nông thôn, cứng hóa đường vào khu sản xuất tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phát huy vai trò của các nhóm liên gia tự quản trong quản lý địa bàn, quản lý, giúp đỡ người mắc nghiện; tổ chức cai nghiện ma túy cho toàn bộ những người mắc nghiện, tái nghiện; tăng cường đấu tranh triệt xóa toàn bộ các điểm, đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn.

Mặt khác, cán bộ đảng viên xã Lóng Phiêng kiên trì phương châm “ ớng về cơ sở, dồn sức, dồn lực cho cơ sở”, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sản phẩm, giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã phấn đấu xây dựng Lóng Phiêng trở thành xã phát triển khá so với các xã trong huyện./.

Ngày 7 và 8/5 vừa qua, Đảng bộ xã Lóng Phiêng đã tổ chức thành công Đại hội khóa XII nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đại hội đã bầu 14 đồng chí vào Ban Chấp hành và bầu trực tiếp Bí thư; tiếp đó, Ban Chấp hành họp phiên thứ nhất bầu 5 đồng chí vào Ban Thường vụ, 5 đồng chí vào Ủy ban Kiểm tra, bầu 2 Phó Bí thư và 01 Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra. Đồng chí Phạm Văn Tiến được đại hội tín nhiệm tái cử giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã.

Phạm Quỳnh