Xã Cát Thịnh phấn đấu đến năm 2024 hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới

Thứ tư, 03/08/2022 - 10:47

TNV - Với mục tiêu đến năm 2024 hoàn thành toàn bộ 19/19 tiêu chí nông thôn mới, năm 2022 xã Cát Thịnh (Văn Chấn – Yên Bái) phấn đấu có thêm 04 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng sốtiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới lên 16/19 tiêu chí. Đồng thời, phấn đấu đến hết năm 2022 có 02/17 thôn đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới, đó là thôn Hùng Thịnh và thôn Khe Ba.

Cán bộ công chức xã cùng bà con thôn Đồng Hẻo làm đường giao thông

Hoàn thành 4 tiêu chí trong năm 2022

Theo đó, 4 tiêu chí mà xã Cát Thịnh đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2022 gồm: Tiêu chí 2 - Giao thông; Tiêu chí 4 - Điện; Tiêu chí 9 - Nhà ở đân cư và Tiêu chí số 10 - Thu nhập. Được biết, về Tiêu chí – Giao thông, trong 6 tháng đầu năm 2022 xã đã huy động xã hội hóa thực hiện được 5km đường bê tông, dự kiến đến cuối năm xã sẽ bê tông hóa thêm được 6km bằng hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. “Như vậy đến cuối năm nay, cùng với 2 tuyến đường Làng Ca (5km) và Ba Chum (5km) do Nhà nước đầu tư được hoàn thành thì xã sẽ đạt được Tiêu chí – Giao thông” – ông Đinh Trọng Quyết (Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Cát Thịnh) nói.

Xóa nhà dột nát ở thôn Pín Pé.

Cũng theo Chủ tịch xã Cát Thịnh, xã đã có Quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng 4 công trình kéo điện lưới lên 4 thôn vùng cao (Làng Ca, Ba Chum, Pín Pé, Khe Kẹn) trong quý 3/2022; về nhà ở dân cư, hiện xã còn 6 hộ nhà ở dột nát và đã có kế hoạch hoàn thành việc xây nhà mới kiên cố cho 6 hộ này trong năm 2022; đối với Tiêu chí - Thu nhập, nếu đánh giá đầy đủ tổng thu nhập bình quần hiện nay cả xã đạt từ 400 – 500 tỷ đồng/năm chia cho gần 11.000 nhân khẩu sẽ có mức thu nhập từ 40 – 42 triệu đồng/người/năm – đạt chuẩn tiêu chí.

3 tiêu chí còn lại là Tiêu chí 3 – Trường học, Tiêu chí 11 – Hộ nghèo và Tiêu chí 17 – Môi trường, xã Cát Thịnh phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 và 2024.

Hội Phụ nữ xã trồng, chăm sóc đường hoa liên thôn.

Cụ thể, xã đã có phương án GPMB để xây dựng trường THCS Cát Thịnh đạt chuẩn Quốc gia trong năm 2023, nếu được bố trí vốn đầu tư sớm. Ngoài ra, xã phấn đấu giảm 195/611 hộ nghèo toàn xã trong năm 2022 và tiếp tục giảm 120 hộ trong năm 2023, để tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 12% đạt yêu cầu tiêu chí đề ra. Đặc biệt, từ tháng 7/2022 xã triển khai vận động nhân dân xây lò đốt rác, phân loại rác và tự xử lý rác sinh hoạt ngay tại hộ gia đình; đến đầu năm 2023 toàn thể hệ thống chính trị của xã sẽ đồng loạt ra quân, quyết liệttổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành tiêu chí vệ sinh môi trường trong năm 2023 – ông Quyết diễn giải.

Để thực hiện các tiêu chí trên, trong thời gian còn lại của năm 2022 và các năm tiếp theo xã Cát Thịnh sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: Qui hoạch xây dựng Nhà văn hóa đa năng trung tâm xã; Hoàn thiện các hạng mục xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia; Xây dựng bãi xử lý rác thải sinh hoạt tập trung; GPMB mở rộng trường THCS Cát Thịnh; Xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trạm điện hạ thế kéo điện đến các thôn vùng cao; Xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp nhà văn hóa thôn đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; Hỗ trợ vốn cho các mô hình phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, chăn nuôi đạt hiệu quả nhằm tạo thêm nhiều việc làm mới và nâng cao thu nhập cho người dân -Chủ tịch xã Đinh Trọng Quyết cho hay.

Hộ ông Nghị, thôn Văn Hưng (người mặc áo kẻ) nuôi ba ba gai cho thu nhập trên 01 tỷ đồng/năm

Đề xuấtvề giải pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch xã Cát Thịnh kiến nghị các công trình nên giao về xã làm chủ đầu tư theo qui định, nhân dân vừa giám sát vừa thực hiện, cơ quan chuyên môn cấp trên hỗ trợ về kỹ thuật; các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông…. cần được quan tâm đầu tư và có kế hoạch giải ngân sớm; mặt khác, cần tăng cường nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để tạo động lực cho Nhân dân hăng hái tham gia hưởng ứng và cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.

4 bài học kinh nghiệm

Nhìn lại chặng đường 10 năm nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với xuất phát điểm ban đầu chỉ có 4/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, và đến hết năm 2021 xã Cát Thịnh đã có 12/19 đạt chuẩn nông thôn mới, ông Hà Biên Cương (Bí thư Đảng ủy xã) cho biết: Tuy xã Cát Thịnh chưa về đích nông thôn mới, nhưng phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực, diện mạo nông thôn và đời sống của nhân dân có bước chuyển biến rõ rệt như về kiên có hóa đường giao thông nông thôn, kéo điện tới các thôn bản xa xôi, xây dựng các công trình nước sạch, trạm y tế, chợ trung tâm, xây dựng cơ sở vật chất trường học, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi đảm bảo phục sản xuất.

Trồng hoa ban ở thôn Làng Lao – Công trình chào mừng Đại hội Đoàn các cấp nhiệm kì 2022 – 2027 của Đoàn xã Cát Thịnh.

Bên cạnh việc thẳng thắn chia sẻ về những mặt làm được và những tồn tại, hạn chế, theo ông Hà Biên Cương để đạt mục tiêu đưa xã Cát Thịnh về đích xây dựng nông thôn mới (NTM) trong năm 2024, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân toàn xã cần quán triệt sâu sắc 4 bài học kinh nghiệm sau:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giáo dục, thuyết phục để tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã nhận thức rõ và thấy được tầm quan trọng của phong trào xây dựng NTM - đây là một chương trình lớn mang tính tổng hợp về tinh kế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, do đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của toàn thể cán bộ và nhân dân. Từ đó hiểu rõ nội dung, cách làm, nghĩa vụ và trách nghiệm của từng khối, từng bộ phận và mỗi cá nhân trong xây dựng NTM, để xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước. Có sự phân công nhiệm vụ đối với từng khối, bộ phận, cá nhân; tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, đánh giá phân loại và thi đua khen thưởng kịp thời.

Hai là, thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của cấp trên về quy trình triển khai xây dựng NTM; thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo, Ban quản lý từ xã đến thôn. Xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm cho từng bộ phận, từng thành viên; phân cấp quản lý cụ thể, rõ ràng, không để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; tập trung lãnh đạo với phương châm “dễ làm trước khó làm sau”, không nóng vội.

Đưa điện về bản, thắp sáng đường quê ở thôn Hùng Thịnh.

Ba là, thực hiện trước chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, con em thành đạt xa quê và các doanh nghiệp có tiềm lực, tâm huyết với quê hương, với nông thôn; khai thác các nguồn thu tại địa phương tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng thuộc nhóm không có hỗ trợ của Nhà nước.

Bốn là, phát huy tốt quy chế dân chủ công khai, minh bạch, kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh, uốn nắn những lệch lạc tạo niềm tin cho quần chúng Nhân dân đồng thuận chung tay xây dựng NTM./.

Được biết, xã Cát Thịnh là 1 trong 15 xã của huyện Văn Chấn thuộc diện xã 135 đặc biệt khó khăn. Với địa bàn trải rộng gần 17.000 ha, có nhiều thôn bản (17 thôn bản), trong đó có 7 thôn vùng cao đặc biệt khó khăn, qui mô dân số gần 11.000 người (cao gấp 3 – 4 lần dân số nhiều xã trong huyện và lân cận) trong khi số lượng công chức xã vẫn duy trì như các xã khác, nên khối lượng công việc rất nhiều dẫn đến việc tiếp cận của người dân trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế. Đây là những thách thức và khó khăn rất lớn mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong xã phải nỗ lực vượt qua.

Từ năm 2017 – 2022, riêng Đoàn xã đã tích cực triển khai các hoạt động chung tay xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào thanh niên nông thôn thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác trong phát triển kinh tế, nhất là các tổ hợp tác; xây dựng các mô hình hỗ trợ thanh niên thoát nghèo bền vững. Tổ chức ngày chủ nhật xanh giúp hộ gia đình bà cháu Trần Thu Thủy thôn Văn Hưng khởi công xây dựng ngôi nhà nhân ái do đoàn từ thiện Cát Linh tài trợ.

Với tinh thần tình nguyện, tuổi trẻ toàn xã thường xuyên tham gia vệ sinh môi trường, làm đường giao thông nông thôn; vận động nhân dân hiến đất mở đường nối hai khu dân cư ở thôn Ba Chum với chiều dài 1.800m do huyện đoàn Văn Chấn tổ chức. Huy động 15 ĐVTN tình nguyện trong vòng 7 ngày, kết hợp cùng bà con nhân dân san tạo, mở rộng sân vận động thôn Đá Gân.

Đồng thời, phối hợp với sinh viên Học viện nông nghiệp Việt Nam tặng quà 30 em học sinh và 15 hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thôn Đồng Hẻo; phối hợp với Chi đoàn Sở Y tế tặng 15 chiếc chăn cho 15 hộ và hỗ trợ kinh phí cho 20 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thôn Làng Lao và Pín Pé. Đón đoàn Thiện tâm từ Hà Nội tặng quà 30 hộ dân, 33 em học sinh nghèo vượt khó tại thôn Ngã Ba, Làng Ca. Đón đoàn tình nguyện Công an thành phố Hải phòng thăm, tặng quà (tiền, gạo, mì tôm, quần áo) cho 20 hộ dân thôn Ba Chum.

Phạm Quỳnh