Xã Quy Mông phấn đấu trở thành làng nghề chế biến đao riềng

Thứ tư, 03/02/2021 - 12:16

TNV - Giai đoạn 2020-2025, xã Quy Mông quy hoạch phát triển vùng trồng đao riềng ở các thôn Thịnh Bình, Thịnh An, Thịnh Lợi; khuyến khích nhân dân ở các thôn này chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất vườn hộ, đất soi bãi trồng thành vùng tập trung, duy trì diện tích đao riềng toàn xã ổn định 70 ha. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở chế biến miến đao, tăng thêm giá trị thu nhập và việc làm cho lao động nông thôn; khi có nhiều hộ chế biến miến đao sẽ thành lập làng nghề chế biến bột đao và miến đao; nâng cấp sản phẩm OCOP miến đao Quy Mông từ 3 sao lên 5 sao.

Đất phù sa màu mỡ ven sông rất phù hợp cho cây đao riềng phát triển

Do nằm ven con sông Hồng chảy qua với chiều dài gần 10 km, nên hàng chục héc-ta diện tích đất nông nghiệp ven sông thuộc xã Quy Mông (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) hàng năm được bồi đắp lớp phù sa màu mỡ, thích hợp cho các loại cây trồng sinh trưởng, đặc biệt rất phù hợp cho cây đao riềng phát triển.

Đất phù sa màu mỡ ven sông rất thích hợp cho cây đao riềng phát triển.

Ông Nguyễn Tiến Chiển (Bí thư Đảng ủy xã Quy Mông) cho biết, theo các cụ cao niên trong xã kể lại, cây đao riềng gắn bó với bà con trong xã từ nhiều đời nay. Từ năm 2008 trở về trước, người dân trong xã sử dụng giống đao riềng địa phương, tuy chất lượng bột tốt, nhưng do năng suất thấp (đạt 40 – 45 tấn/ha), giá trị thu nhập không cao, nên diện tích đao riềng của xã chỉ ổn định từ 10 – 15 ha/năm.

“Năm 2008, Trung Tâm khuyến nông tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện Dự án khoa học đưa giống đao riềng DR1 thay thế cho giống đao riềng địa phương. Sau 01 năm trồng  thử nghiệm cho thấy giống đao riềng DR1 phù hợp với khí hậu, đất đai xã Quy Mông, đặc biệt năng suất cao hơn 1,5 lần so với năng suất giống đao riềng địa phương (đạt từ  65 – 70 tấn/ha). Do vậy từ năm 2009 đến nay, nhân dân xã Quy Mông đã mở rộng diện tích trồng đao riềng trên đất soi bãi, đất vườn hộ, đất lúa kém hiệu quả bằng giống đao riềng mới DR1; đến năm 2020, toàn xã phát triển vùng trồng đao riềng đạt 60 ha. Thu nhập từ trồng đao riềng hiện nay (với giá bán củ 1.500 – 1.700 đồng/kg ) đạt 100 – 115 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí thu lãi từ 60 – 70 triệu đồng/ha”, ông Chiển nói.

Bà con phấn khởi thu hoạch đao riềng.

Cũng theo ông Chiển, từ năm 2010 trở về trước nhân dân xã Quy Mông chủ yếu thu hoạch củ đao riềng rồi bán cho các cơ sở chế biến bột đao ở các tỉnh dưới xuôi và xã Giới Phiên (TP Yên Bái) làm miến. Năm 2011, do củ đao riềng bị ép giá xuống thấp, làm người trồng đao xã Quy Mông một năm thất thu. Qua phen sóng gió, một số hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến bột đao vừa tăng thêm giá trị thu nhập cho người trồng đao, tạo thêm việc làm cho người lao động, vừa tránh được nỗi lo bị tư thương ép giá củ đao. Đồng thời một số hộ liên kết thành lập Hợp tác xã chế biến miến đao từ nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ của địa phương.

100% đao củ được chế biến tại địa phương

Đến nay, toàn xã có 4 cơ sở chế biến bột đao đều được đầu tư liên hoàn từ khâu sàng rửa củ, xay xát, lọc-lắng bột và làm dịch vụ chế biến bột đao cho 100% sản lượng đao củ thu hoạch hàng năm của xã. Bên cạnh đó, trong xã còn có 01 Hợp tác xã chuyên chế biến sản phẩm miến đao Quy Mông với sự tham gia liên kết của 7 hộ dân; năm 2020 sản phẩm miến đao Quy Mông được UBND tỉnh Yên Bái đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và đang từng bước vươn ra thị trường các tỉnh, thành phố lân cận.

Mở rộng diện tích trồng đao riềng trên đất soi bãi, đất vườn hộ, đất lúa kém hiệu quả.

Ông Phí Đắc Hùng ở thôn Thịnh An 65 tuổi quê gốc ở tỉnh Hà Tây trước đây và cũng là hộ đầu tiên trong xã mở xưởng chế biến bột đao cho biết, từ những năm 1982 gia đình đã đầu tư máy nổ chế biến bột đao để xuất về xuôi nhưng quy mô còn nhỏ, chủ yếu phục vụ cho sản lượng đao củ của gia đình và một số bà con thân cận; đến năm 2001 có điện lưới quốc gia mới mở rộng quy mô dịch vụ chế biến cho các hộ dân trồng đao trong xã bằng dây chuyền máy điện với công suất trung bình trên dưới 200 tấn bột mỗi năm.

Vụ chế biến bột đao tập trung vào khoảng 3 tháng cuối năm, nên cả gia đình gồm 4 người lớn đều tập trung vào công việc. Với phí dịch vụ chế biến 100.000 đồng/tạ, trừ chi phí (điện, sửa chữa…) mỗi năm chừng 50 triệu, gia đình còn thu về 150 triệu đồng từ làm dịch vụ chế biến bột đao cho bà con trong xã, đấy là chưa nói đến khoản để ra cũng khoảng 150 triệu đồng nữa từ chăn nuôi lợn, gà và trồng 01 mẫu đao riềng của gia đình – ông Hùng kể.

Ông Phí Đắc Hùng ở thôn Thịnh An là hộ đầu tiên trong xã mở xưởng chế biến bột đao.

Được biết, nhờ nguồn thu nhập ổn định và tương đối cao này gia đình ông Hùng đã xây được ngôi nhà khang trang từ năm 2009, cuộc sống gia đình riêng của cả 4 người con kinh tế đều ổn định, trong đó 2 người con được ông bà hỗ trợ mua đất lập nghiệp ở thành phố Đà Nẵng.

Vừa luôn tay đảo gạn bột trong bể lắng, chị Vũ Thị Huệ (33 tuổi) ở thôn Thịnh Hương vừa nói, trước gia đình có 3 sào đất chuyên trồng ngô, sau thử trồng đao riềng thấy có hiệu quả gấp 3 lần nên đầu năm 2020 đã thuê thêm 5 sào đất nữa để trồng đao riềng. “Trồng ngô mỗi năm 2 vụ, mỗi sào sau khi trừ chi phí (phân, giống, cày bừa) chỉ thu về gần 2 triệu đồng/năm; trong khi mỗi sào trồng đao riềng thu về 5 triệu đồng (sau khi đã trừ các chi phí) mà vẫn thu thêm được 01 vụ ngô với chi phí cày bừa, phân bón, làm cỏ như nhau” – chị Huệ kể tiếp.

Ổn định vùng trồng đao riềng, hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến miến đao

Từng là phó phòng Nông nghiệp được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Quy Mông từ tháng 6/2020, nên ông Chiển nắm rất chắc về hiệu quả kinh tế của việc trồng và chế biến củ đao riềng, ông Chiển phân tích: Nhờ phát triển dịch vụ chế biến đao củ thành bột đao, các hộ trồng đao đã tăng thêm thu nhập từ 55 – 60 triệu đồng/ha, nâng mức cho thu nhập người trồng đao đạt 155 – 160 triệu đồng/ha. Ngoài thu nhập từ trồng đao riềng, hàng năm bà con còn trồng xen được 1 vụ ngô xuân trên diện tích đao riềng mới nảy mầm, với năng suất trung bình 5,5 tấn ngô hạt/ha, giá ngô hạt hiện nay 6.500 đồng/kg, người nông dân có thu nhập thêm 35 triệu đồng/ha. Như vậy tổng thu nhập 1 ha trồng đao đạt từ 180 – 190 triệu đồng/ha, trừ chi phí cho lãi từ 100 – 110 triệu đồng/ha; hiệu quả gấp 3 lần trồng ngô, lúa.

Vợ chồng chị Huệ gạn lắng bột tại cơ sở chế biến bột đao của gia đình ông Hùng.

Trên đường đưa chúng tôi đến thăm Hợp tác xã sản xuất miến duy nhất của xã, ông Chiển tâm sự, giai đoạn 2020-2025, xã quy hoạch phát triển vùng trồng đao riềng ở các thôn Thịnh Bình, Thịnh An, Thịnh Lợi; khuyến khích nhân dân ở các thôn này chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất vườn hộ, đất soi bãi trồng thành vùng tập trung, duy trì diện tích đao riềng toàn xã ổn định 70 ha. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn, hướng dẫn người trồng đao ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; xây dựng vùng nguyên liệu củ đao đạt tiêu chuẩn VietGap. Mặt khác, thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã liên kết trong trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm bột đao ổn định giá cả, đầu ra cho người trồng đao.

“Hiện nay, số lượng bột đao được sử dụng để chế biến ra sản phẩm miến tại xã còn thấp (chiếm khoảng 3%), xã đã đề nghị huyện Trấn Yên và Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ vốn vay ưu đãi để một số hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở chế biến miến đao, liên kết với Hợp tác xã Việt Hải Đăng cùng sản xuất và tiêu thụ, tăng thêm giá trị thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Khi có nhiều hộ làm miến đao sẽ thành lập làng nghề chế biến bột đao và miến đao, nâng cấp sản phẩm OCOP miến đao Quy Mông từ 3 sao lên 5 sao. Xã phấn đấu từ năm 2021 – 2025 có thêm hơn chục cơ sở sản xuất miến, đưa tỷ trọng bột đao vào chế biến miến trên địa bàn xã đạt 50%, tương đương với hơn 200 tấn bột mỗi năm” – ông Chiển thông tin thêm.

Xưởng xay xát đao riềng của hộ Vũ Văn Thanh (thôn Thịnh An) hoạt động từ năm 2010 với công suất 100 đến 120 tấn bột/vụ.

Xưởng sản xuất miến của Hợp tác xã Việt Hải Đăng nằm sâu trong khu dân cư, ven mấy hồ nước trong xanh, đồi keo tươi tốt, có nguồn nước giếng đá sạch và khí hậu vô cùng trong lành rất thích hợp cho việc chế biến và phơi phóng sản phẩm. Con ngõ nhỏ hẹp, nền đất đỏ dài hơn 150m dẫn vào xưởng sản xuất miến ngày nào đã được xã quan tâm hỗ trợ nhân lực, vật liệu mở rộng và đổ bê tông vững chắc giúp xe tải nhỏ thuận tiện ra vào tiêu thụ sản phẩm từ tháng 9/2020. Ngoài ra, Hợp tác xã còn được Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái hỗ trợ 01 máy ép sợi miến, bộ nồi đun nước nóng, 100 tấm phên phơi miến từ năm 2015 khi mới ngày đầu hình thành Tổ hợp tác sản xuất miến.


Đóng gói miến đao Quy Mông – sản phẩm OCOP 3 sao

Được biết, Hợp tác xã Việt Hải Đăng thành lập năm 2017, đến nay đã sản vụ được 4 vụ miến, mỗi vụ khoảng 6 tháng, sản lượng miến mỗi vụ còn hạn chế chủ yếu cung cấp cho người tiêu dùng địa phương. Chị Phùng Thị Tuyền (Giám đốc Hợp tác xã) cho hay, lượng miến sản xuất đã tăng dần qua từng năm nhất là khi miến đao Quy Mông được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao; so với những năm đầu mới sản xuất đến nay sản lượng miến chế biến mỗi ngày đã tăng gấp 3 lần, tuy vậy lượng miến sản xuất hiện nay mới đạt già 1/3 công suất hiện có, do chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ ổn định và thiếu vốn đầu tư mua bột đao dự trữ cho sản xuất./.


Bà con địa phương đến tận nơi sản xuất mua miến về dùng.

Xã Quy Mông có hơn 300 hộ sinh sống ở 3 thôn (trong tổng 10 thôn với 1.440 hộ toàn xã) có nguồn thu nhập chính từ trồng đao riềng, chế biến bột đao và làm miến đao. Tính đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 2,26% (bình quân chung của huyện là 4,5%). Xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới năm 2019; phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023 và xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh