Từ khóa: Định mức kinh tế - kỹ thuật; giáo dục nghề nghiệp; nhóm nghề Tài chính – Kế toán.
1. Đánh giá thực trạng:
Trên cơ sở Thông tư số 07/2020/TT-BLĐTBXH, ngày 12/10/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực GDNN, ngày 10/6/2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh ban hành Công văn số 20034/SLĐTBXH–GDNN về xây dựng bộ định mức kinh tế - kỹ thuật các nghề trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực GDNN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật nhằm giúp các cơ sở GDNN xây dựng định mức chi phí đào tạo cho từng nghề trình độ sơ cấp theo danh mực nghề phù hợp với chương trình, thời gian đào tạo thực tế tại đơn vị, nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện các chương trình, dự án…, qua đó, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chưa có bộ định mức kinh tế - kỹ thuật đối với nhóm nghề Tài chính – Kế toán trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực GDNN.
Vì vậy, việc xây dựng bộ định mức kinh tế - kỹ thuật nhóm nghề Tài chính – Kế toán trình độ sơ cấp có vai trò rất quan trọng và cần thiết để đóng góp vào thành công chung trong lĩnh vực GDNN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnhký kết hợp tác với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) mở các lớp đào tạo nghề theo bộ định mức kinh tế - kỹ thuật mới
2. Nội dung cơ bản
Việc xây dựng bộ định mức kinh tế - kỹ thuật nhóm nghề Tài chính - Kế toán trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực GDNN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gồm 14 nghề: (1) Marketing thương mại; (2) Kinh doanh xuất nhập khẩu; (3) Tiếp thị số; (4) Tài chính ngân hàng; (5) Nghiệp vụ thư ký văn phòng; (6) Nghiệp vụ văn thư lưu trữ; (7) Kế toán doanh nghiệp; (8) Kế toán tổng hợp; (9) Kế toán thực hành; (10) Nghiệp vụ kế toán ngân hàng; (11) Nghiệp vụ kế toán và khai báo thuế; (12) Quản lý doanh nghiệp; (13) Quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ; (14) Nghiệp vụ bán hàng.
Quy trình thực hiện việc xây dựng bộ định mức kinh tế - kỹ thuật nhóm nghề Tài chính - Kế toán trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực GDNN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gồm 9 bước cơ bản sau:
Bước một, tham mưu thành lập Ban Chủ nhiệm, Tổ thẩm định và Hội đồng thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật.
Bước hai, Ban Chủ nhiệm xây dựng định mức thực hiện xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật theo từng nghề.
Bước ba, tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia độc lập; đồng thời, tiến hành khảo sát tại các cơ sở GDNN, các đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ về bộ định mức kinh tế - kỹ thuật.
Bước bốn, Ban Chủ nhiệm xây dựng định mức hoàn thiện dự thảo bộ định mức kinh tế - kỹ thuật sau hội thảo.
Bước năm, họp Hội đồng thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật (lần 1).
Bước sáu, Ban Chủ nhiệm xây dựng định mức hiệu chỉnh bộ định mức kinh tế - kỹ thuật theo góp ý của Hội đồng thẩm định (lần 1).
Bước bảy, họp Hội đồng thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật (lần 2).
Bước tám, Ban Chủ nhiệm xây dựng định mức hiệu chỉnh bộ định mức kinh tế - kỹ thuật theo góp ý của Hội đồng thẩm định (lần 2).
Bước chín, hoàn tất hồ sơ bộ định mức kinh tế - kỹ thuật trình độ sơ cấp và trình UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt.
Lễ khai giảng lớp đào tạo nghề liên kết giữa Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnhvà Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) theo bộ định mức kinh tế - kỹ thuật mới
3. Kết quả áp dụng
Sau khi áp dụng mô hình “Xây dựng bộ định mức kinh tế - kỹ thuật nhóm nghề Tài chính – Kế toán trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực GDNN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh đã đạt được một số kết quả cụ thể gồm:
Một là, xây dựng Kế hoạch xây dựng bộ định mức kinh tế - kỹ thuật nhóm nghề Tài chính – Kế toán trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực GDNN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (gồm 14 nghề).
Hai là, biên soạn mới bộ định mức kinh tế - kỹ thuật đối với 11 nghề (Marketing thương mại; Tiếp thị số; Nghiệp vụ thư ký văn phòng; Nghiệp vụ văn thư lưu trữ; Kế toán tổng hợp; Kế toán thực hành; Nghiệp vụ kế toán ngân hàng; Nghiệp vụ kế toán và khai báo thuế; Quản lý doanh nghiệp; Quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ; Nghiệp vụ bán hàng) và hiệu chỉnh khung đối với 3 nghề (Kinh doanh xuất nhập khẩu; Tài chính ngân hàng; Kế toán doanh nghiệp).
Ba là, thành lập Ban Chủ nhiệm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật nhóm nghề Tài chính - Kế toán (14 nghề) trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực GDNN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gồm 06 thành viên của nhà trường và doanh nghiệp.
Bốn là, thành lập Tổ thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật nhóm nghề Tài chính - Kế toán (14 nghề) trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực GDNN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gồm 04 thành viên là cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Năm là, thành lập Hội đồng thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật nhóm nghề Tài chính - Kế toán (14 nghề) trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực GDNN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gồm 18 thành viên là cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh; cán bộ, giáo viên, nhân viên các cơ sở GDNN khác và các doanh nghiệp.
Sáu là, xây dựng phiếu lấy ý kiến chuyên gia độc lập về bộ định mức kinh tế - kỹ thuật nhóm nghề Tài chính - Kế toán (14 nghề) trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực GDNN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Bảy là, xây dựng phiếu khảo sát tại các cơ sở giáo dục nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ về bộ định mức kinh tế - kỹ thuật nhóm nghề Tài chính - Kế toán (14 nghề) trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực GDNN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
4. Mức độ lợi ích mang lại
Thứ nhất, về phía học sinh, góp phần đảm bảo tính đúng, tính đủ để hoàn thành việc đào tạo cho người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành.
Thứ hai, về phía nhà trường, làm căn cứ để xây dựng và thực hiện kế hoạch, quản lý kinh tế, tài chính và quản lý chất lượng trong hoạt động đào tạo. Cụ thể, đã mang lại lợi nhuận cho Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh tổng số tiền 130 triệu đồng đối với chi phí thực hiện gói thầu Xây dựng bộ định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực GDNN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhóm nghề Tài chính – Kế toán (14 nghề).
Đặc biệt, trên cơ sở các nghề sơ cấp được duyệt, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục thực hiện hồ sơ mở thành công ngành “Marketing thương mại” bậc trung cấp theo giấy chứng nhận số 37/2023/GCNĐKHĐ-SLĐTBXH ngày 29/12/2023 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, thời phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) mở lớp Marketing thương mại đầu tiên với 34 học sinh theo Quyết định số 33/QĐ-TCKTKTNHC ngày 29/01/2024 của Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh.
Thứ ba, về phía xã hội, việc xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật nhằm giúp nâng cao được hiệu quả hoạt động GDNN; là căn cứ để xây dựng và thực hiện kế hoạch, quản lý kinh tế, tài chính và quản lý chất lượng GDNN chặt chẽ; thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tạo môi trường hoạt động bình đẳng giữa các cơ sở GDNN công lập và ngoài công lập.
5. Phạm vi áp dụng
Mô hình “Xây dựng bộ định mức kinh tế - kỹ thuật nhóm nghề Tài chính – Kế toán trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực GDNN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” đã áp dụng hiệu quả tại trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh và có thể nhân rộng sang tất cả các cơ sở GDNN khác tại TP Hồ Chí Minh.
Ngô Thị Cẩm Loan
Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh