Theo số liệu thống kê, tính đến quý 2/2019, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 55,46 triệu người (chiếm hơn một nửa dân số với tỷ lệ 57,65%), trong đó lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37% (lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82%; cao đẳng chiếm 3,82%; trung cấp chiếm 4,65%; sơ cấp chiếm 3,08% trong tổng lực lượng lao động). Như vậy, số lao động chưa qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, chưa được công nhận trình độ (kỹ năng, đào tạo) là: 77,63%.
Đại biểu tham dự hội thảo Xây dựng các đơn vị năng lực cơ bản trong tiêu chuẩn Kỹ năng nghề quốc gia
Quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 56/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG), từng nghề yêu cầu người lao động có các đơn vị năng lực thuộc 3 nhóm, gồm: năng lực cơ bản, năng lực chung, năng lực chuyên môn.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, người lao động rất cần những kỹ năng, năng lực cơ bản, nền tảng để thích nghi với những biến động của thị trường việc làm.
Tham dự hội thảo, đại biểu đã được nghe các tham luận về Chuẩn hóa và công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo quy định của pháp luật hiện hành; Năng lực quan trọng, cần thiết của người lao động tại một số quốc gia; Cấu trúc kỹ năng mềm và phương pháp tiếp cận xây dựng nhóm năng lực cơ bản;…
Đồng thời thảo luận về Năng lực cơ bản cần thiết khi tham gia thị trường lao động; kỹ năng thích ứng trong thời kỳ CMCN 4.0; đóng góp ý kiến cho 6 đơn vị năng lực cơ bản trong tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.
Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia hằng năm góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng cho học viên
Trong đó, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khuyến khích việc công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa vào kỹ năng nghề. Vấn đề đặt ra cho công tác chuẩn hóa kỹ năng nghề cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc thay đổi tư duy tuyển dụng dựa trên năng lực nghề nghiệp thực tế thay vì dựa vào bằng cấp.
Bảo Trâm