Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Hà Nội ngày 5/9/1960
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đã đưa các mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong quá trình ra đời, hình thành và phát triển của mình, công tác xây dựng và chỉnh đốn luôn được Đảng đặc biệt quan tâm, có sự nhất quán trong kế thừa và phát triển đường lối, chủ trương phù hợp với mỗi giai đoạn, thời kỳ, đặc biệt là trong những nhiệm kỳ gần đây.
Qua nhiều kỳ Đại hội của Đảng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn được đặc biệt quan tâm. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 5 đến 12/9/1960 đã đề ra các nhiệm vụ xây dựng Đảng trên 3 mặt: Tư tưởng, chính trị, tổ chức. 3 mặt, 3 trụ cột này về sau đã được duy trì, bổ sung, kế thừa và phát triển cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ Đại hội của Đảng.
Đặc biệt coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện
Trước bối cảnh mới, tình hình mới, cấu trúc công tác xây dựng Đảng đã có sự thay đổi, bổ sung vào năm 2016, khi Đại hội XII của Đảng đưa xây dựng Đảng về đạo đức trở thành một mặt cơ bản trong cấu trúc công tác xây dựng Đảng để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Với việc bổ sung, thêm phạm trù về đạo đức, Đại hội XII của Đảng xác định công tác xây dựng Đảng được thể hiện trên 4 trụ cột là chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Tới Đại hội XIII, cũng xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới về xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng ta đã đưa phạm trù về công tác cán bộ trở thành một mặt quan trọng, cơ bản trong công tác xây dựng Đảng. Theo đó, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản khẳng định yêu cầu "phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ".
Như vậy, cấu trúc công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay bao gồm 5 trụ cột cơ bản là chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đây là sự kế thừa, phát triển về nhận thức trong định hình cấu trúc về công tác xây dựng.
Từ khi bước vào công cuộc Đổi mới năm 1986, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như: Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) năm 1992 về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII) năm 1999 "Một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay"... Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, các hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng, chặt chẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước.
Nếu như Hội nghị Trung ương 4 khóa XI mới chỉ tập trung bàn và ra Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng", thì đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã có sự bổ sung, đổi mới rất căn bản về phạm vi và nội dung, bao gồm toàn bộ các vấn đề "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Quy định số 08 "Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương"; Quy định số 47-QĐ/TW "Về 19 điều đảng viên không được làm" và đặc biệt là việc thành lập, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và đi vào hoạt động rất có hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, được nhân dân tin yêu, đồng tình, ủng hộ, góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế nói riêng của đất nước.
Kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung quan trọng của các nghị quyết Trung ương trước đây, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII đã đề cập nhiều nội dung mới, nổi bật là quan điểm coi "công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng" và "kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn" để xây dựng và chỉnh đốn Đảng; xây dựng và củng cố hệ thống chính trị; xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hội nghị cán bộ toàn quốc qtriệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Nhân tố then chốt, tạo động lực thúc đẩy cả hệ thống
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (ngày 9/12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Công tác xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta".
Theo đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh, hiện nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm: "Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình; công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Hệ thống chính trị ở nước ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh như mong muốn".
Về nguyên nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt. Thực trạng đó đòi hỏi "Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự "là đạo đức, là văn minh"; phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn".
Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong lịch sử Đảng ta, hầu như không có Đại hội nào và không mấy Hội nghị Trung ương không đề cập đến công tác xây dựng Đảng.
Theo GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Điều này được thực tiễn chứng minh và được Đảng ta kế thừa, phát triển và đúc kết thành lý luận.
Thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhân tố then chốt, tạo động lực thúc đẩy xây dựng hệ thống chính trị; đồng thời, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo cơ sở vững chắc củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Đến Hội nghị Trung ương 4/khóa XIII, sau khi thảo luận, cho ý kiến, Trung ương nhận thấy Nghị quyết Trung ương 4/khóa XII vẫn còn nguyên giá trị, vì vậy, Trung ương thống nhất không ban hành nghị quyết mới mà chỉ ban hành Kết luận số 21-KL/TW về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Theo đó, Kết luận số 21-KL/TW đã khẳng định mục tiêu: Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.
Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa "xây" và "chống", xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
GS.TS. Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh, mục đích, ý nghĩa của các chỉ thị, quy định và kết luận của Đảng nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân - nguồn gốc của tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa". Tạo sự thống nhất, đồng bộ trong các hoạt động của Đảng, quy định chế tài cụ thể trong công tác cán bộ (bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức) và những định hướng, cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Như vậy, với những sự bổ sung, kế thừa, hoàn thiện các chỉ thị, quy định và kết luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng qua các kỳ đại hội Đảng, nhất là tại các hội nghị Trung ương lần thứ tư, Đảng ta đã ngày càng khẳng định quyết tâm, quyết liệt, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện, thật sự là đạo đức, là văn minh, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam.
Hải Liên/Chinhphu