Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BH thất nghiệp) bắt đầu có hiệu lực và được thực hiện từ ngày 01/01/2009. Sau khi chính sách BH thất nghiệp được triển khai, đã khẳng định vai trò giá đỡ an sinh cho người lao động. Theo quy định của BH thất nghiệp, người lao động khi không may bị mất việc làm, người lao động sẽ được trợ cấp, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm mới, ưu tiên trợ cấp khó khăn đột xuất, hỗ trợ về nhà ở cùng nhiều hoạt động trợ giúp khác…
Ảnh minh họa
Đặc biệt, khi xảy ra đại dịch Covid-19, thị trường lao động biến động mạnh với những rủi ro đột biến, chính sách BH thất nghiệp đã đóng vai trò nổi bật trong việc hỗ trợ người lao động bị mất việc làm ổn định cuộc sống trước mắt.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2022, toàn ngành triển khai hỗ trợ, giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng số tiền hơn 47.200 tỷ đồng, bằng 54,3% các gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Chính phủ. Nguồn hỗ trợ này, góp phần giúp hơn 13 triệu người lao động có thêm khoản tiền để trang trải cho cuộc sống trong giai đoạn khó khăn, yên tâm làm việc...
Đối với người lao động bị mất việc làm, tùy theo nhu cầu, nguyện vọng, mà họ nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi công việc. Riêng năm 2022, các cơ quan chức năng của 63 tỉnh, thành phố đã giải quyết cho hơn 977.600 người hưởng BH thất nghiệp.
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2021, 2022 đã hỗ trợ cho trên 13 triệu người lao động, với số tiền trên 31 nghìn tỷ, giảm đóng cho trên 446.000 đơn vị sử dụng lao động, với số tiền trên 9.100 tỷ đồng. Tổng số hỗ trợ qua gói Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là trên 41 nghìn tỷ, đã khẳng định vai trò của chính sách BH thất nghiệp trong bối cảnh bình thường, và trong bối cảnh bất thường như Covid-19.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm đánh giá, khi xảy ra đại dịch Covid-19, thị trường lao động biến động mạnh với những rủi ro đột biến, chính sách BH thất nghiệp đã đóng vai trò nổi bật trong việc hỗ trợ người lao động bị mất việc làm ổn định cuộc sống trước mắt.
Mặc dù chính sách BH thất nghiệp đã thể hiện vai trò là điểm tựa an sinh, tuy nhiên sau thời gian dài, việc thực hiện chính sách này đang bộc lộ một số hạn chế, bó hẹp, nhất là chức năng phòng ngừa lao động bị thất nghiệp còn mờ nhạt.
Đề cập đến vai trò của chính sách BH thất nghiệp, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, qua hơn 10 năm triển khai, chính sách BH thất nghiệp hiện hành không còn đáp ứng được yêu cầu, quy mô của nền kinh tế, đòi hỏi cần phải thiết kế lại đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế, nhất là để quản trị hiệu quả Quỹ BH thất nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới các hạn chế, trong đó có nguyên nhân về tổ chức thực hiện BH thất nghiệp như, còn giới hạn trong phạm vi địa phương nên tính liên kết, liên thông còn yếu; hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm còn chưa phù hợp với chức năng là định chế trung gian tài chính trên thị trường lao động; còn nặng về khâu giải quyết trợ cấp thất nghiệp mà chưa có nhiều hoạt động chủ động, tích cực của chính sách thị trường lao động.
Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Việc làm với trọng tâm là sửa đổi các quy định, chế độ liên quan đến BH thất nghiệp. Theo đó, Bộ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BH thất nghiệp đến nhóm người có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã hưởng lương… Chế độ hỗ trợ cho người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm, cũng được đề xuất bổ sung theo hướng tăng tính hiệu quả.
Hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) định hướng sửa đổi, bổ sung theo hướng tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, đưa ra quy định mức đóng đối với người lao động đóng “tối đa” bằng 1% tiền lương tháng, người sử dụng lao động đóng “tối đa” bằng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp của những người lao động đang tham gia BH thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm…
Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn tất quy trình xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét đưa việc sửa đổi này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Với những quy định mới được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Việc làm hướng đến mục tiêu chủ động phòng ngừa thất nghiệp, hạn chế những “cú sốc” có thể xảy ra đối với người lao động, doanh nghiệp và thị trường…
P/v