Xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội tiên phong theo tinh thần nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thứ ba, 08/04/2025 - 15:10

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, "kỷ nguyên vươn mình" với khát vọng lớn lao là xây dựng một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Để hiện thực hóa khát vọng đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt, đồng thời nhấn mạnh vai trò động lực của khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS).

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 57-NQ/TW) là sự cụ thể hóa đường lối chiến lược đó, đặt ra những yêu cầu mới, cấp thiết đối với mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong đó sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là một trong những nhiệm vụ trọng yếu.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội thực sự "tiên phong", đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) cán bộ, sĩ quan "vừa hồng, vừa chuyên" cho Quân đội không chỉ là nhiệm vụ trung tâm của các học viện, nhà trường quân đội mà còn là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định đến sức mạnh chiến đấu, trình độ hiện đại hóa của Quân đội, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc và đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Bài viết này tập trung phân tích yêu cầu và đề xuất giải pháp xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội tiên phong theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực thực hiện các chủ trương lớn, bao gồm cả việc tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng đòi hỏi của kỷ nguyên mới.

Bối cảnh kỷ nguyên vươn mình và yêu cầu cấp thiết xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội tiên phong

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được đánh dấu bằng những mục tiêu phát triển cao, hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trên toàn cầu. Bối cảnh này đặt ra cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đứng trước những yêu cầu mới, cao hơn, đòi hỏi Quân đội nhân dân Việt Nam phải không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, làm chủ nghệ thuật quân sự trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng.

Trong bối cảnh đó, vai trò của công tác GD-ĐT trong quân đội trở nên đặc biệt quan trọng. Chất lượng GD-ĐT phụ thuộc trực tiếp và có tính quyết định bởi chất lượng đội ngũ nhà giáo. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh đột phá về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, coi đây là động lực chính cho sự phát triển nhanh và bền vững. Điều này đòi hỏi đội ngũ nhà giáo quân đội phải là lực lượng đi đầu, tiên phong trong việc tiếp thu, làm chủ và vận dụng sáng tạo những thành tựu mới nhất của KHCN, của chuyển đổi số vào quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH), góp phần đào tạo nên những thế hệ sĩ quan tương lai có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội tiên phong không chỉ là yêu cầu tự thân của ngành GD-ĐT quân đội mà còn là mệnh lệnh của thực tiễn cách mạng, của yêu cầu hiện đại hóa Quân đội và bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt Nghị quyết 57-NQ/TW: Những yêu cầu cốt lõi đối với đội ngũ nhà giáo quân đội tiên phong

Nghị quyết 57-NQ/TW đặt ra các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và giải pháp đột phá về KHCN, ĐMST và CĐS. Quán triệt tinh thần Nghị quyết, đội ngũ nhà giáo quân đội tiên phong cần đáp ứng những yêu cầu cốt lõi sau:

Thứ nhất, tiên phong về bản lĩnh chính trị, tư tưởng. Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vững vàng trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình. Chủ động, sắc bén trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng đối vơi hệ thống chính trị nói chung và trong Quân đội nói riêng.

Thứ hai, tiên phong về trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm và làm chủ công nghệ. Không chỉ tinh thông về chuyên ngành quân sự được đào tạo, có kiến thức sâu rộng về khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, mà còn phải nhạy bén, cập nhật, làm chủ những kiến thức mới về KHCN, công nghệ quân sự hiện đại, về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... Năng lực sư phạm phải không ngừng được đổi mới, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, công nghệ mô phỏng, các nền tảng dạy học trực tuyến để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Thứ ba, tiên phong trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Nhà giáo quân đội phải là lực lượng nòng cốt trong NCKH quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Chủ động đề xuất, tham gia và chủ trì các đề tài, dự án nghiên cứu có giá trị lý luận và thực tiễn cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với giảng dạy, giữa lý luận với thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị. Khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động.

Thứ tư, tiên phong về năng lực số và thích ứng với chuyển đổi số. Có kỹ năng sử dụng thành thạo các công cụ, nền tảng số phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và quản lý. Chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số của học viện, nhà trường và toàn quân. Góp phần đào tạo học viên có đủ năng lực số để công tác và chiến đấu hiệu quả trong môi trường số.

Thứ năm, tiên phong về đạo đức, tác phong, là tấm gương sáng cho học viên. Luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh, gương mẫu trong lời nói và hành động, thực sự là hình ảnh tiêu biểu của người quân nhân cách mạng, xứng đáng là  "người kỹ sư tâm hồn" trong môi trường quân ngũ.

Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội hiện nay

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo trong các học viện, nhà trường quân đội đã đạt được những kết quả quan trọng. Đội ngũ nhà giáo cơ bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm từng bước được nâng lên, đóng góp to lớn vào sự nghiệp GD-ĐT của Quân đội.

Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu của Nghị quyết 57-NQ/TW và đòi hỏi của thực tiễn xây dựng quân đội trong kỷ nguyên mới, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Một bộ phận nhà giáo chưa thực sự bắt kịp với tốc độ phát triển của KHCN, công nghệ quân sự hiện đại và yêu cầu chuyển đổi số; "kỹ năng số còn hạn chế năng lực ngoại ngữ, tin học và kiến thức thực tiễn còn hạn chế. Hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo chưa cao"[1].Việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy có lúc, có nơi còn chậm, chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với thực tiễn đơn vị và yêu cầu tác chiến hiện đại. Hoạt động NCKH tuy có nhiều cố gắng nhưng số lượng công trình chất lượng cao, có tính đột phá, ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn chưa nhiều; sự gắn kết giữa NCKH và giảng dạy chưa thực sự chặt chẽ. Cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhà giáo, đặc biệt là nhà giáo giỏi, nhà giáo đầu ngành, chuyên gia KHCN còn cần tiếp tục hoàn thiện để tạo động lực mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, năng lực tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, nhất là trên không gian mạng của một số nhà giáo còn hạn chế.

Một số giải pháp chủ yếu xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội tiên phong theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW

Để xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội thực sự tiên phong, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nhà giáo quân đội trong kỷ nguyên mới. Cấp ủy, chỉ huy các học viện, nhà trường phải xác định xây dựng đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết 57-NQ/TW và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương về công tác GD-ĐT, KHCN và xây dựng đội ngũ cán bộ. Làm cho mọi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ nhà giáo, nhận thức đầy đủ, sâu sắc yêu cầu "tiên phong" trong bối cảnh mới.

Hai là, đổi mới mạnh mẽ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nhà giáo vững mạnh toàn diện. Rà soát, bổ sung quy hoạch đội ngũ nhà giáo gắn với quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng cập nhật kiến thức mới về KHCN, CĐS, phương pháp giảng dạy hiện đại, năng lực NCKH và kỹ năng số. Tăng cường gửi nhà giáo đi đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ sở uy tín trong và ngoài nước. Có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nhà giáo cốt cán.

Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy và NCKH theo hướng hiện đại, thiết thực, hiệu quả. Cập nhật, bổ sung kiến thức mới về KHCN, nghệ thuật quân sự hiện đại, CĐS vào chương trình đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, phương pháp dạy học tích cực. Gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy lý thuyết với huấn luyện thực hành, NCKH với thực tiễn đơn vị. Khuyến khích, tạo điều kiện để nhà giáo tích cực NCKH, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Bốn là, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo phát huy tài năng, tâm huyết. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút nhân tài, giữ chân nhà giáo giỏi, các chuyên gia về công tác tại các học viện, nhà trường quân đội. Có chính sách đãi ngộ xứng đáng dựa trên kết quả cống hiến, nhất là trong giảng dạy, NCKH. Xây dựng môi trường sư phạm dân chủ, đoàn kết, sáng tạo; đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện, phòng thí nghiệm, hạ tầng số.

Năm là, phát huy vai trò tiên phong của nhà giáo trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trang bị cho nhà giáo những luận cứ khoa học sắc bén, kỹ năng cần thiết để chủ động, tích cực tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, đặc biệt là nhận diện, phản bác các luận điệu xuyên tạc về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quốc phòng, an ninh, chính sách KHCN, CĐS của Đảng và Nhà nước ta.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo quân đội tiên phong theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW là một yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược, quyết định trực tiếp đến chất lượng GD-ĐT, trình độ hiện đại hóa và sức mạnh chiến đấu của Quân đội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là trách nhiệm của toàn quân, trước hết là của cấp ủy, chỉ huy các học viện, nhà trường và bản thân mỗi nhà giáo quân đội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp, chúng ta nhất định sẽ xây dựng được đội ngũ nhà giáo quân đội "vừa hồng, vừa chuyên", thực sự tiên phong, gương mẫu, đáp ứng xuất sắc yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trung tá, ThS Nguyễn Công Ước, Thượng úy CN Lê Thị Hương

Đại học Nguyễn Huệ


Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia", Hà Nội, 2024.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Quyết định số 3525/QĐ-BQP ngày 03/8/2023 về phê duyệt Đề án "Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội giai đoạn 2023 – 2030 và những năm tiếp theo".

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

5. Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 về lãnh đạo công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

6. Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, ngày 20/12/2022 về lãnh đạo công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới.