Xây dựng nhân cách thanh niên Việt Nam thời kỳ mới

Thứ năm, 09/01/2020 - 16:34

TNV - Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, dân tộc ta luôn khẳng định vai trò to lớn của thế hệ trẻ gắn với vận mệnh thiêng liêng của Tổ quốc. Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục nhân cách cho thanh niên Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết trong việc xây dựng thế hệ thanh niên đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề bồi dưỡng, giáo dục và đào tạo các thế hệ thanh niên thành những lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng. C.Mác đã khẳng định: " Do những quy luật phát triển khách quan của xã hội, thanh niên bao giờ cũng giữ vai trò quan trọng trong việc kế thừa và phát triển những thành tựu của người đi trước" (1) ; Ph. Ăng Ghen cho rằng thanh niên “họ là đội quân xung kích của giai cấp vô sản quốc tế và đội hậu bị của Đảng (2) ; còn theo V.I.Lênin “ Thanh niên là nguồn sinh lực chiến đấu của cách mạng” (3) .

Kế thừa những tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển sáng tạo các luận điểm mác-xít về vai trò thanh niên, nhân dịp Hội nghị thanh niên Việt Nam ngày 17/8/1947, Bác đã gửi thư : " Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên ”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên là đào tạo thanh niên thành lớp người kế tục cách mạng, vừa “hồng”, vừa “chuyên” và xây dựng chiến lược trồng người toàn diện. Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần dặn toàn Đảng, toàn dân ta trong Di Chúc “ Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm quan trọng và rất cần thiết” .

Ở thời đại nào thanh niên cũng được quan tâm một cách đặc biệt. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập của dân tộc, thanh niên nước ta có một lòng yêu nước nồng nàn, trung hậu, dũng cảm, có mục đích sống và lý tưởng cách mạng cao đẹp. Với nhân cách thời đại mình, họ đã đáp ứng được tiếng gọi của non sông, yêu cầu của lịch sử. Thanh niên Việt Nam hiện nay đang sống trong một thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là thời đại đòi hỏi thanh niên phải trở thành những con người đủ trí tuệ, bảnlĩnh, có sức khỏe, đạo đức và lòng nhiệt huyết, xã hội đòi hỏi nơi họ sự thay đổi và thích nghi với cái mới góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời đại mới vừa có những thuận lợi và thách thức. Với lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, tuổi trẻ được kế thừa những giá trị tốt đẹp của dân tộc, những giá trị tinh hoa, ưu tú thời đại. Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường, sự ra đời của Internet và mạng xã hội… đã và đang tác động đến tâm lý, nhận thức của giới trẻ. Chủ nghĩa cá nhân – kẻ thù nguy hiểm nhất của đạo đức cách mạng đang trỗi dậy. Hiện nay, một bộ phận thanh niên có những biểu hiện đáng lo ngại về mặt đạo đức, lối sống; nhận thức lệch lạc về các giá trị sống căn bản, ảnh hưởng đến xã hội, làm xấu đi hình ảnh thế hệ tương lai. Đây là những vấn đề mà Đảng, Nhà nước và gia đình phải kịp thời hỗ trợ, giáo dục nhân cách để thanh niên Việt Nam đủ tầm vóc gánh vác trọng trách của đất nước.

Nói tới thanh niên là nói tới lớp người trẻ tuổi, đang trưởng thành, đang vào đời, lập thân lập nghiệp. Để giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên phát triển lành mạnh về nhân cách của mình, xã hội cần hiểu rõ và đánh giá đúng về thanh niên, có như vậy mới định ra được giải pháp đồng bộ và kịp thời để xây dựng nhân cách thanh niên. Đây là câu chuyện không mới nhưng luôn có tính thời sự, đan xen rất phức tạp giữa sự đánh giá của xã hội đối với thanh niên và thanh niên tự đánh giá về chính mình. Sự đánh giá và tự đánh giá này không phải lúc nào cũng thống nhất và đồng thuận. Điều dễ nhận thấy là, ai cũng có một thời từng là thanh niên, đã trải nghiệm đời sống thanh niên, đã đi qua tuổi thanh niên, vậy mà vẫn tồn tại tình trạng người nhiều tuổi hơn thanh niên không hiểu thanh niên, đánh giá sai thanh niên và đã ứng xử với thanh niên không đúng, không thuyết phục và ít cảm hóa được thanh niên, thậm chí lại còn xa cách thanh niên và cũng không được thanh niên tán thành. Đây là một trở ngại phải vượt qua bằng nỗ lực nhận thức, đổi mới nhận thức về thanh niên. Bản thân thanh niên cũng phải tự nỗ lực, tự đổi mới chính mình, đổi mới cả tổ chức và hoạt động của mình cho phù hợp với đòi hỏi mới của thực tiễn.Vậy, thanh niên và nhân cách thanh niên đang đòi hỏi chúng ta phải nhận thức và ứng xử như thế nào?

Với đặc điểm lứa tuổi từ 16 – 30, thanh niên là lớp người trẻ, đang trưởng thành lập thân lập nghiệp. Trong giai đoạn này, tư tưởng của thanh niên rất dễ bị tác động và định hướng. Nền kinh tế thị trường một mặt làm cho con người tự khẳng định mình, khẳng định uy tín, tài năng và sự sáng tạo; song mặt khác lại làm con người bị tha hóa về nhân cách. Nhận thức được tầm quan trọng của nhân cách trong xây dựng và phát triển nguồn lực cho đất nước, tại Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng chủ trương: phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lí tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội,ý thức chấp hành pháp luật,nhất là trong thế hệ trẻ. Việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam được kết tinh thành mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ cụ thể trong Nghị quyết TW 5 khóa VIII, Nghị quyết số 33 khóa XI, trở thành định hướng và quyết tâm chính trị, góp phần xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam trong thời CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Thời gian qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên đã có rất nhiều chương trình, phong trào hướng tới việc rèn đức, luyện tài, xây dựng nhân cách, hình mẫu thanh niên thời kỳ mới như: Phong trào “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” , Cuộc vận động “ Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới ”, Chỉ thị 01 của Ban Thường vụ TW Đoàn về xây dựng lề lối, tác phong cho đội ngũ cán bộ Đoàn...Các phong trào này đã hướng tới từng đối tượng thanh niên, có sự tác động tích cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của thanh niên Việt Nam. Tuy nhiên, các phong trào trên chưa đạt được hiệu quả cao, khi chưa tác động được đến tất cả các đối tượng thanh niên, chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, phẩm chất cho thanh niên.

Để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục nhân cách thanh niên Việt Nam thời đại mới, trước hết Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên các cấp phải xây dựng được hệ thống tiêu chí cụ thể, xây dựng mô hình nhân cách thanh niên cụ thể, có kế hoạch thực hiện trong từng giai đoạn, từng thời kỳ nhất định. Xuất phát từ những đặc điểm trên, tôi đề xuất xây dựng nhân cách thanh niên Việt Nam thời kỳ mới cần xây dựng mô hình, tiêu chí, nội dung, phương thức và các giải pháp sau:

Mô hình xây dựng nhân cách thanh niên thời kỳ mới

Xây dựng mô hình nhân cách thanh niên thời kỳ mới với cốt lõi là lòng yêu nước, học là những con người phát triển toàn diện: Có lòng yêu nước; Có tài năng;  Có sự tự tin; Có tấm lòng, tình yêu thương nhân ái; Có sự kết nối toàn cầu; Có cá tính và bản lĩnh trước những thử thách của xã hội.

Nội dung xây dựng nhân cách thanh niên thời kỳ mới

Dựa vào khái niệm xây dựng nhân cách, mô hình nhân cách để xây dựng nội dung cụ thể về xây dựng nhân cách thanh niên giai đoạn hiện nay.

Về năng lực (Tài năng) ở mặt xã hội học là tính linh hoạt, năng lực thích ứng và sáng tạo. Và cá thể hóa là bản lĩnh, cá tính trong học tập, nghiên cứu khoa học, tính tích cực, chủ động trong học tập và công tác.

Vềphẩm chất (Đức) là thế giới quan, lý tưởng, lòng yêu nước, lòng nhân ái, lập trường chính trị, ý thức kỷ luật, ý thức tự giáo dục, ý thức phục vụ nhân dân, tính dân chủ và kết nối toàn cầu.

Ph ương thức xây dựng nhân cách thanh niên thời kỳ mới

Đối với các tổ chức Đoàn, Hội, Đội thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo thanh niên thông qua các Luật, Điều lệ, chủ trương, chính sách, quy định… về thanh niên; tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch, đào tạo thanh niên thời kỳ mới.

Đối với gia đình và các tổ chức chính trị xã hội: Tạo ra sự liên hệ phối hợp chặt chẽ giám sát, hỗ trợ quá trình học tập, giáo dục nhân cách thanh niên.

Đối với bản thân mỗi thanh niên phải tích cực tự bồi dưỡng, rèn luyện và phát huy tinh thần tự giáo dục để hoàn thiện về mặt nhân cách

Các tiêu chí xây dựng nhân cách thanh niên thời kỳ mới

Tr ước hết, thanh niên phải có lòng yêu nước, sống có l ý t ưởng, tự tin, hoài b ão . Đây là tiêu chí không thể thiếu đối với thanh niên, lý tưởng, hoài bão chính là động lực và là đích đến trong mỗi hành động, việc làm của thanh niên.

Thứ hai, thanh niên phải có phẩm chất đạo đức tốt, lòng nhân ái lối sống trung thực, văn hóa, lành mạnh Mặt trái của cơ chế thị trường đang tác động trực tiếp đến mỗi thanh thiếu niên Việt Nam, việc giáo dục đạo đức ngay từ nhỏ không còn được coi trọng. Vì thế giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống trung thực, văn hóa, lành mạnh là nội dung vô cùng cần thiết trong giáo dục nhân cách cho TTN.

Thứ ba, thanh niên pha ̉i có phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo, giỏi chuyên môn và có khả năng hội nhập. Cần phải làm cho thanh niên có nhu cầu học tập, phải thực học để thực nghiệp, thực học để có thực tài. Ham học, ham làm, ham tiến bộ, ham làm việc lớn, ích quốc lợi dân chứ không ham làm quan to. Rèn trí thông minh sáng tạo và hình thành năng lực độc lập.

Thứ t ư, thanh niên luôn có tinh thần xung kích, có sự kết nối và bản lĩnh. Thanh niên phải là những người đầu tiên xung kích, bản lĩnh, tình nguyện trên các mặt trận khó khăn, không ngại khó, ngại khổ trau dồi, rèn luyện bản thân. Những khó khăn thử thách, sự kết nối toàn cầu chính là môi trường thuận lợi để rèn luyện thanh niên trưởng thành, phát triển nhân cách toàn diện.

Đề xuất giải pháp xây dựng nhân cách thanh niên thời kỳ mới

Để xây dựng nhân cách thanh niên thanh niên Việt Nam thời kỳ mới, cần có một số giải pháp cơ bản sau:

* Đối với việc tự giáo dục, tự rèn luyện của thanh niên:

Hồ Chí Minh căn dặn thế hệ trẻ không chỉ trông chờ vào giáo dục của nhà trường, của người lớn, bản thân thế hệ trẻ phải còn phải đề cao tự giáo dục cho bản thân, Người khuyên thanh niên: "Chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được" . Thanh niên muốn làm chủ tương lai của nước nhà thì phải "luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng; khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ" . Thế hệ trẻ phải tự bồi dưỡng cho mình những phẩm chất nhân cách, đáp ứng với yêu cầu của xã hội: "Nếu không chịu khó học tập thì không tiến bộ. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình" . Vì vậy, thế hệ trẻ phải thể hiện rõ sự quyết tâm, khó không nản, thắng không kiêu.  Trước hết phải hình thành cho thanh niên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, làm cho mỗi người có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình. Mỗi thanh niên phải xác định rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, cái tiến bộ. Bản thân mỗi người tự giác rèn luyện, biết tự kiềm chế, biết vượt qua những cám dỗ và tiêu cực xã hội, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

* Đối với gia đình: Trước hết gia đình là nơi lưu giữ các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là môi trường đầu tiên hình thành đạo đức cho thanh niên. Do đó trong gia đình, ông bà, cha mẹ phải thật sự mẫu mực, làm gương, mỗi gia đình cần giữ gìn đạo đức, nền nếp gia phong, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, làm cho các giá trị đó ngày càng toả sáng, góp phần bồi dưỡng tình cảm cao đẹp cho thế hệ con cháu.

* Đối với các tổ chức chính trị xã hội, cần phải xác định tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho thanh niên

Tổ chức Đoàn, Hội chú trọng tới công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng cho thanh niên, giáo dục ý thức pháp luật, đạo đức lối sống cho thanh niên thông qua việc giáo dục những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng cho thanh niên thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Chú trọng giáo dục làm cho thanh niên nhận thức đúng các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Phát động các phong trào học tập và nghiên cứu, khuyến khích thanh niên tìm hiểu nâng cao trí tuệ, góp phần nâng cao trình độ, dân trí cho thanh niên.

Đặc biệt, phải đẩy mạnh tuyên truyền về nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thanh niên học và làm theo Bác về mục đích, động cơ, lẽ sống, về nghị lực phi thường vượt qua mọi khó khăn thử thách, đó còn là bài học vì dân, gần dân, thương dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là trí tuệ và nhân cách lớn cho thanh niên noi theo. Nhân cách thanh niên theo đó, phải hướng tới nhân cách văn hóa.

Xây dựng các Câu lạc bộ thanh niên theo sở thích, biểu dương, nhân rộng cách làm hay, những gương thanh niên tiêu biểu và kiên quyết uốn nắn những thiếu sót, những biểu hiện lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống.

* Đối với các cơ quan, chính quyền, địa phương các cấp

Trước hết các cơ quan, chính quyền, địa phương các cấp cần phải xác định rõ tầm quan trọng của việc giáo dục nhân cách cho thanh niên. Có những chính sách, cơ chế hỗ trợ thanh niên, sử dụng hiệu quả nguồn lực con người. Xây dựng thế hệ thanh niên mới chính là giải pháp hữu hiệu để thông qua thanh niên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền địa phương.

Việc giáo dục nhân cách thanh niên trong thời kỳ mới chính là cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh , Chỉ thị 42 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030 và thực hiện kết luận số 07 KL/TWĐTN - BTC ngày 14/02/2019 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành TW Đoàn khóa XI về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ Đoàn giai đoạn 2019 – 2022. ôHoo .

Giáo dục nhân cách cho thanh niên ngày nay là nhiệm vụ quan trọng, cần sự phối kết hợp của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Nhưng, với sự hỗ trợ, dẫn dắt, lãnh đạo của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên các cấp, các ngành thanh niên thời đại mới sẽ có động lực và nền tảng để hoàn thiện nhân cách, trở thành những con người ” vừa hồng, vừa chuyên ”, cống hiến sức trẻ và tài năng để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

(1) : C.Mác – Ăngghen. Bàn về Thanh niên. NXB Thanh niên, HN, 1982, tr.118

(2) : C.Mác – Ăngghen – Sđđ – tr.120

(3) : Lenin – Bàn về Thanh niên – NXB Thanh niên – HN – 1981 – tr 67, 231

Nguy ễn Thị Thu Thủy

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trực Ninh, Nam Định, Nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Nam Định