XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI: Cần bắt đầu từ những người nông dân giỏi

Thứ hai, 08/08/2016 - 15:10

TNV - Xã Cộng Hòa là một trong ba xã nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đến nay (tháng 7/2016), về cơ bản là xã đạt chuẩn nông thôn mới với 37/39 đạt chỉ tiêu, còn 02 chỉ tiêu chưa đạt là: Chợ và chuẩn hóa trình độ cán bộ xã.

Tuy nhiên, ở xã Cộng Hòa có những điều đáng để nhiều địa phương đạt chuẩn nông thôn mới cũng phải suy ngẫm, học hỏi. Đó là việc cân nhắc chưa xây dựng chợ, tránh gây lãng phí như ở một số địa phương; không phát sinh nợ đọng trong kiến thiết xây dựng nông thôn mới; 80% số hộ chăn nuôi lớn trong xã có bể chứa biogas, đảm bảo hợp vệ sinh; dáng dấp về làng quê truyền thống với những mái nhà tươm tất ẩn mình giữa màu xanh trù phú của cây trái vẫn còn đậm nét và đặc biệt có nhiều hộ nông dân giỏi áp dụng khoa học kỹ thuật, nắm bắt nhu cầu thị trường vào thâm canh sản xuất, phát huy thế mạnh nuôi tôm và ngan đen của địa phương vào phát triển đời sống.

Nuôi tôm chưa năm nào chịu mất trắng

Trong khi đa phần các hộ nuôi tôm trong xã và ở cả nhiều địa phương lân cận cũng như  xa xôi khác đều rơi vào cảnh bấp bênh: năm thì được mùa, năm thì mất trắng. Nhưng gia đình ông Hà Công Định, hộ đầu tiên trong xã thuê máy múc đầm nuôi tôm kể từ năm 1990 đến nay, chưa năm nào chịu cảnh mất trắng.

Ông Hà Công Định (mặc áo trắng) và ao nuôi tôm của gia đình.

Ông Định chia sẻ bí quyết thành công là phải dành toàn bộ tâm trí và tình cảm của mình cho con tôm; ao nuôi phải được vệ sinh, khử trùng kỹ càng trước khi nuôi; lựa chọn con giống tốt; khi trời mưa nồng độ a – xít nhiều nên phải kịp thời tháo nước mặt ao nuôi tôm; đặc biệt nguồn nước ao nuôi tôm cần kiểm tra thường xuyên, tuyệt đối không để bị ô nhiễm.

Theo ông Định, tôm nuôi bị chết thường do các nguyên nhân sau: Đáy ao bẩn do dư thừa thức ăn và tồn đọng phân tôm, làm tôm dễ mắc bệnh vàng mang, tiêu chảy, thiếu ô – xy. Ngoài ra, con tôm còn hay mắc phải một số bệnh khác như: Đỏ thân, đốm trắng…

Hiện, gia đình ông có 11 ao nuôi tôm với tổng diện tích 13 ha. Tại khu vực nuôi tôm, con trai ông đang tháo nước 01 ao nuôi tôm để chiều xuất bán. Ông cho biết các ao nuôi tôm được xuống giống nuôi theo hình thức cuốn chiếu gối đầu nhau, nên tháng nào ông cũng có ao xuống giống và tháng nào cũng có tôm xuất bán. Không xuống con giống ồ ạt cùng một thời điểm và cũng không xuất bán cùng một lúc, ông đã giải quyết được bài toán về vốn, bài toán về phân tán rủi ro – đây cũng là bí quyết thành công của gia đình ông.

Phát triển nuôi lợn và giống ngan đen địa phương cho hiệu quả cao

Ngoài nghề chính là trồng rừng, làm nông nghiệp và đi biển, thì với địa hình là vùng đồi núi, đất đai rộng rãi nên có đến gần 30% hộ dân trong xã sinh sống chính bằng nghề chăn nuôi lợn để tăng gia, cải thiện đời sống; hàng năm bình quân mỗi hộ xuất bán từ 4 - 5 tấn lợn hơi, có một số hộ xuất bán vài chục tấn/năm. Điều đáng nói là lợn ở xã Cộng Hòa đều là giống lợn lai có ưu điểm dễ nuôi, sức đề kháng cao, chất lượng thịt ngon và dễ tiêu thụ. Mặt khác lợn được nuôi sạch theo phương thức bán công nghiệp, nên vừa tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, vừa tiết kiệm chí phí chăn nuôi và cho hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.

Nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ mỗi hộ xây bể chứa bioga 5 triệu đồng, nên đến nay hầu hết số hộ chăn nuôi lợn trong xã đã xây dựng được bể chứa biogas, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế hộ gắn với gìn giữ môi trường, lại có nguồn chất đốt ổn định dùng cho nhu cầu đun nấu.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hà Văn Tô, 70 tuổi ở thôn Giữa xã Cộng Hòa đúng lúc trời đổ mưa. Mời chúng tôi món cháo hoa truyền thống lúc nào cũng có trong bếp của người miền Đông tỉnh Quảng Ninh, ông Tô cho biết năm ngoái (2015) gia đình xuất bán hơn 100 con được trên 7 tấn lợn hơi; từ đầu năm 2016 đến nay (hết tháng 6), ông xuất bán được 04 lứa lợn, mỗi lứa chục con. Ngoài ra, ông còn nuôi giống ngan đen địa phương, chất lượng đặc biệt thơm ngon lại cho giá trị kinh tế cao, vừa để cải thiện sinh hoạt vừa để bán nâng cao thu nhập.

Con trai ông Hà Văn Tô và khu vực bể chứa biogas của gia đình.

Cách gia đình ông Tô không xa là hộ gia đình ông Hà Văn Tuấn – một hộ nông dân giỏi chăn nuôi lợn và ngan đen. Ông Tuấn nhẩm tính từ đầu năm đến hết tháng 6 vừa rồi, ông đã xuất bán được hơn 02 tấn lợn hơi và thu gần 40 triệu đồng từ bán ngan đen.

Giống ngan đen địa phương.

Để đảm bảo chất lượng thịt của giống ngan đen và gà địa phương cung cấp ra thị trường, thường các hộ dân chỉ duy trì tổng đàn ngan và gà/năm ở mức khoảng  300 con. Sau vài lứa xuất bán, nhiều hộ còn giảm số lượng chăn nuôi hoặc ngưng nghỉ một khoảng thời gian để tiêu độc khử trùng chuồng trại, do vậy rủi ro từ dịch bệnh được hạn chế thấp nhất. Đây quả là kinh nghiệm quí để bà con nông dân tham khảo, phổ biến và học hỏi.

Là những nông dân cần cù, chất phác và có những kinh nghiệm quí áp dụng vào chăn nuôi sản xuất, nên thành quả lao động sung túc mà rất nhiều hộ nông dân ở đây đang có được là điều dễ hiểu và xứng đáng, bởi họ là những nông dân giỏi.

Ngắm nhìn cuộc sống yên bình, nhìn nếp nhà tươm tất với những mảnh vườn cây trái tốt tươi, xinh xắn của những hộ nông dân giỏi xã Cộng Hòa mới thấy hết ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới cần bắt đầu từ những người nông dân sản xuất giỏi đến nhường nào./.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh