Xây dựng pháo đài kiên cố giúp ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy học đường

Chủ nhật, 30/05/2021 - 09:30

TNV - Với thông điệp “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa họa ma túy”, kế hoạch của Bộ GD&ĐT được ví như lá chắn, bảo vệ học sinh trước sự cám dỗ của ma túy.

Những con số báo động…

Ma túy đã và đang trở thành hiểm họa chung của cả nhân loại. Không một quốc gia nào thoát ra khỏi vòng xoáy khủng khiếp của nó và tránh khỏi những hậu quả do nghiện hút hay buôn bán ma túy gây ra.

Hiện nay, ma túy đang len lỏi vào môi trường học đường, tình trạng nghiện ma túy ở lứa tuổi học sinh, trẻ vị thành niên có chiều hướng gia tăng. Những con số thống kê gần đây cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của ma túy với giới trẻ và học sinh sinh viên.

Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 12/2020, Việt Nam có trên 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó tỷ lệ người nghiện dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này thậm chí lên đến 76%.

Trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Đặc biệt ngày nay với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại cao của ma túy tổng hợp, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.

Những con số đáng báo động này cho thấy ma túy đang là hiểm họa đối với thế hệ trẻ ngày nay nói riêng, đối với toàn nhân loại nói chung. Để chiến thắng được tệ nạn này cần phải có sự chung tay giúp sức của nhiều đơn vị, cá nhân cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó nhà trường giữ vai trò đặc biệt quan trọng bảo vệ các em học sinh, sinh viên trước tệ nạn ma túy.

Đại tá Vũ Văn Hậu - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho rằng, hiện nay tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng, nghiện ma túy gia tăng vì tội phạm ma túy đủ độ tinh ranh để biết học sinh, sinh viên đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị kích động, lôi kéo, rủ rê.

“Lực lượng công an đã, đang và sẽ sát cánh với Bộ GD&ĐT, các hệ thống giáo dục từ công tác tuyên truyền pháp luật đến các giải pháp trong phòng ngừa cũng như thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm về sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực trường học…” , Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) thông tin.

Theo Đại tá Vũ Văn Hậu, để ngăn chặn và đẩy lùi ma túy học đường, đầu tiên phải nhận thức và nhận diện đúng, đầy đủ về ma túy. Lúc này, vai trò của nhà trường là cực kỳ quan trọng. Ngoài việc trở thành pháo đài vững chắc ngăn chặn ma túy xâm nhập vào học đường nhà trường cũng cần phải trang bị cho các em đầy đủ kiến thức để nhận diện và “tự có sức đề kháng” đối với ma túy.

“Nhà trường phải trở thành pháo đài ngăn chặn ma túy; học sinh, sinh viên, giáo viên phải là những người nhận diện đúng, nhận thức đầy đủ và tự có sức đề kháng, không bị cám dỗ về ma túy và đặc biệt vai trò của phụ huynh, gia đình là rất quan trọng” , Đại tá Vũ Văn Hậu nói.

“Tấm khiên” hữu hiệu để bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy

Ngày 27/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2021 với những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy (PCMT). Trong đó nhấn mạnh đến công tác phòng ngừa ma túy đối với tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021, tTăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên.

Nội dung của kế hoạch bao gồm 9 nhiệm vụ khác nhau, mỗi nhiệm vụ đều quy định cụ thể, chi tiết như: “Tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Đội của nhà trường trên toàn quốc”; “Triển khai bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh. Nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy dành cho học sinh”.

Đặc biệt ở Nhiệm vụ 7, kế hoạch nêu rõ: “Xây dựng và triển khai Dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước thảm họa ma túy” theo hình thức xã hội hóa. Có thể thấy đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chủ đạo trong kế hoạch của Bộ GD&ĐT; theo kế hoạch nó sẽ được triển khai thực hiện từ Quý II đến Quý IV. .

Có thể nói, với những quy định rất chi tiết, cụ thể từ phân công nhiệm vụ, cách thức thực hiện, thời gian cụ thể…, kế hoạch “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021” được xem như là tấm khiên hữu hiệu để “bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa họa ma túy ”.

PV