Ảnh minh họa
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ra sức chống phá nhằm phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, gây sự hoài nghi, hoang mang, dao động, mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là đòi hỏi tất yếu khách quan mà còn là vấn đề liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, vận mệnh và lợi ích của quốc gia - dân tộc. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trong đó, sinh viên có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Sinh viên là những người được đào tạo cơ bản, được trau dồi những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lực lượng đông đảo có năng lực trong tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, với chức năng, nhiệm vụ là những cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành nghề khác nhau cho cả nước, sứ mệnh của các trường đại học, cũng như của các khoa đào tạo không chỉ hướng đến việc trang bị tri thức của từng ngành nghề cho người học, mà còn phải trao cơ hội, tạo môi trường cho sinh viên, học viên được rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp; đảm bảo đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao phó trong tương lai. Yêu cầu cách mạng trong bối cảnh mới đặt ra nhiệm vụ cho thế hệ thanh niên sinh viên sau này, không chỉ hoàn thành trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, người lao động; thực hiện sự chỉ đạo, phân công của cấp ủy cấp trên, mà phải phấn đấu để có thể trở thành một trong những đơn vị tác chiến trong cuộc chiến chống "diễn biến hòa bình" đang diễn ra lâu dài và ngày một tinh vi, phức tạp, khó lường.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không chỉ là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các cán bộ, đảng viên, giảng viên các trường đại học mà mỗi học viên, sinh viên cũng không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh mang tính toàn diện và hệ thống này. Bám sát tinh thần của Nghị quyết số 35 - NQ/TW của Bộ Chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp và sắp xếp bài bản các lực lượng tham gia vào công cuộc BVNTTT của Đảng, triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực từ nghiên cứu khoa học đến đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông là những hướng đi hiệu quả đã được nhiều trường đại học triển khai trong thời gian qua.
Những rào cản khi sinh viên tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Khi khảo sát ý kiến của sinh viên một số nhóm trường đại học hiện nay cho thấy không ít sinh viên chưa thực sự tham gia vào các hoạt động BVNTTT được tổ chức tại trường đại học đang theo học, bởi một số rào cản phổ biến:
Một là nội dung, hình thức đấu tranh, phản bác chưa phong phú, sức thuyết phục chưa cao.
Các bài viết về đề tài chống các quan điểm sai trái, thù địch còn thiếu hấp dẫn cả về nội dung và hình thức; nội dung đề tài chưa phong phú và sức thuyết phục chưa cao, dẫn đến việc sinh viên khó duy trì được thói quen cập nhật thông tin từ các nguồn thông tin chính thống.
Về nội dung chống các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, có một số bài viết mang tính cứng nhắc, nặng về lý luận, thậm chí một số bài viết trích dẫn nguyên văn nhiều điều luật dẫn đến chưa phù hợp với đông đảo sinh viên. Một số bài viết mang tính khẩu hiệu, thiếu lập luận căn cứ khoa học, các luận điểm, luận cứ chưa chắc chắn, mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn còn yếu hoặc thực tiễn quá kinh viện, cao và xa so với khả năng nhận thức của sinh viên. Do đó, chưa lôi kéo được sự quan tâm một cách tự giác của sinh viên vào các hoạt động này.
Các hoạt động đấu tranh, phản bác trong sinh viên hiện mới được phát động rải rác theo các đợt phong trào hoặc do cá nhân các giảng viên lồng ghép trong bài giảng của một số môn học có nội dung phù hợp chứ chưa có hoạt động thường kỳ. Do đó ý thức đấu tranh trong sinh viên không cao, đôi khi là trách nhiệm được giao cần hoàn thành và hoàn thành cho đạt chỉ tiêu, hiệu quả vì thế thấp. Chưa kể đến chất lượng yếu do trình độ nhận thức và trình độ lý luận còn non kém.
Hai là, các hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được tổ chức đa dạng nhưng chưa tối ưu hóa được thế mạnh của mạng xã hội trong sinh viên.
Các trang mạng xã hội được đa số sinh viên quan tâm, theo dõi và tương tác còn ít các kênh hoặc bài viết liên quan đến nội dung BVNTTT. Do đó khả năng tiếp cận với các luồng thông tin, các luận điệu xuyên tạc và các bài viết đấu tranh, phê phán, phản bác để BVNTTT từ phía sinh viên chưa cao, thiếu chủ động trong đấu tranh, phản bác. Từ đó dẫn đến hoặc thờ ơ chính trị, hoặc ngây thơ, thiếu cảnh giác, dễ bị lôi kéo, kích động.
Các bài viết khi nói về đề tài chống các quan điểm sai trái, thù địch vẫn còn có hình thức trình bày đơn điệu, chỉ duy nhất chữ, để tìm ra một hình ảnh đã rất khó chứ chưa nói đến đồ họa hay video, audio. Các con số vẫn chưa được thể hiện dưới hình thức linh hoạt như biểu đồ, đồ thị, sơ đồ... Hạn chế này không chỉ dẫn đến sự thờ ơ của sinh viên mà còn giới hạn kỹ năng của sinh viên khi cần phát huy khả năng sáng tạo trong đấu tranh, phản bác. Thậm chí là đơn điệu ngay trong những học liệu sinh viên được cung cấp hoặc có thể tìm hiểu để viết bài hoặc đưa ra những bình luận mang tính đấu tranh, phản bác trên mạng xã hội.
Ba là, thiếu cán bộ chuyên trách hoạt động BVNTTT ở các trường đại học
Sử dụng hình thức đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch bằng các bài viết là một trong những hình thức khó, yêu cầu cao về nhãn quan chính trị; nền tri thức văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị; lập luận sắc bén; thuần thục các thể loại tin, bài, bút chiến, phóng sự… đối với người viết. Do đó, để sinh viên có thể tham gia được vào các hoạt động đấu tranh, phản bác bằng các bài viết là rất khó. Rất cần thiết phải thông qua sự tổ chức, dẫn dắt, định hướng, phân công nhiệm vụ của cán bộ chuyên trách hoặc của một bộ phận chuyên trách trong các trường đại học mới có thể huy động tinh thần tích cực và khả năng sáng tạo của sinh viên tham gia, cũng như của nhóm sinh viên nòng cốt.
Đây là yêu cầu khó khăn trong bối cảnh các cơ sở đào tạo đại học phải thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ chính trị thường xuyên khác. Ngay trong hệ thống các cơ quan báo chí của Đảng và Nhà nước ta hiện nay đội ngũ này cũng còn thiếu và yếu. Số lượng cán bộ, biên tập viên viết về tuyến bài đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch vẫn còn ít; những gương mặt xuất hiện liên tục lặp đi lặp lại; chưa có nhiều tên mới xuất hiện trong hoạt động này. Các bài viết cũng đăng theo định kỳ, không tránh khỏi việc lặp lại phong cách ngôn ngữ, giọng điệu thể hiện dẫn đến việc nhàm chán của người đọc và càng chưa đủ thường xuyên tác chiến trên các trang mạng xã hội. Do đó hình thức kết hợp đội ngũ chuyên gia báo chí cùng với giảng viên, sinh viên các trường đại học cũng không dễ để triển khai thực hiện.
Yếu tố cuối cùng nhưng cũng đóng vai trò quan trọng hàng đầu là bản thân ý thức của sinh viên trong tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Một số bộ phận sinh viên còn xem nhẹ, chủ quan, mất cảnh giác, chưa thấy hết bản chất, âm mưu, thủ đoạn và tính nguy hiểm của các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực chống phá trên mạng xã hội. Từ đó chưa ý thức được việc cần thiết phải tự giác, tích cực theo dõi, học hỏi, rèn luyện để có thể tham gia vào hoạt động này dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Chưa kể có một số sinh viên còn mơ hồ về chính trị, thiếu kỹ năng trong tiếp nhận thông tin, thậm chí háo danh hoặc háo lợi mà "vô tình" trở thành nạn nhân của tin giả, của xuyên tạc thông tin hoặc trở thành đối tượng lợi dụng cho các thế lực thù địch.
Một số đề xuất
Để thực hiện được nhiệm vụ lâu dài đó, bên cạnh nguồn lực tiên quyết là nhân lực với trí tuệ, bản lĩnh vững vàng; với nội dung, phương pháp đấu tranh linh hoạt, đúng đắn thì các điều kiện vật chất, kỹ thuật cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trên chiến tuyến không tiếng súng này, thầy và trò các trường đại học muốn chiến đấu và chiến thắng cần từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống "vũ khí" đủ mạnh để trở thành những "chiến sĩ xung kích" năng nổ, nhạy bén, sắc sảo và hiệu quả. Việc tổ chức triển khai các hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong chương trình học cũng như trong các hoạt động ngoại khóa không chỉ hướng tới thực hiện nhiệm vụ chính trị mà đồng thời rất thiết thực hỗ trợ rèn nghề, trau dồi bản lĩnh chính trị cho sinh viên, qua đó góp phần đập tan những âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch đang không ngừng hướng tới thế hệ trẻ Việt Nam.
Bên cạnh những giải pháp về nâng cao trình độ lý luận chính trị, ý thức chính trị và tinh thần đấu tranh cho cả người dạy và người học, việc tăng cường đầu tư vào phát triển điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật nhằm phát huy hiệu quả vai trò của sinh viên và các hoạt động của sinh viên tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thời gian tới cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Các yếu tố cơ bản có thể kể đến, bao gồm: nền tảng kỹ thuật số; cơ sở hạ tầng và các phương tiện kỹ thuật; nguồn kinh phí.
Thứ nhất, tăng cường sức mạnh đấu tranh trên nền tảng kỹ thuật số
Kẻ thù đã và đang tận dụng tối đa những ưu thế của mạng internet và các loại hình phương tiện truyền thông mới. Môi trường mà trong đó sinh viên có khả năng tiếp cận rất nhanh nhạy và có sức hút lớn với thế hệ trẻ. Do đó, để vừa nhanh nhạy nắm bắt thông tin, vừa thuận lợi trong đấu tranh phản bác, chúng ta cũng cần phát huy những điểm ưu việt của các nền tảng kỹ thuật số. Trước mắt, trong điều kiện hiện có của cơ sở đào tạo đại học, có thể khai thác các nền tảng mạng xã hội có sẵn và phổ biến: facebook, zalo, youtube...
Để thực hiện hiệu quả, mỗi đơn vị từ cấp Chi đoàn, Liên chi đoàn và Đoàn trường cần xây dựng tối thiểu 02 trang tin để triển khai các hoạt động, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy và lãnh đạo đơn vị. Văn phòng 35 cùng Đoàn Thanh niên, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban lãnh đạo các trường sẽ viện giữ vai trò quản lý chủ yếu khi triển khai hoạt động của các trang tin.
Trang tin thứ nhất là trang tin nội bộ (có thể là trangweb, blog hoặc nhóm facebook…) với chế độ riêng tư bao gồm các cán bộ, giảng viên của Học viện và các học viên cao học, nghiên cứu sinh, các đảng viên sinh viên và có thể là cả những sinh viên xuất sắc, đối tượng đảng. Trang tin này sẽ là nơi để cập nhật nhanh nhất những bài viết, sự kiện, các thông tin sai trái, thù địch từ nhiều kênh khác nhau để cùng nhận diện, phân tích và đưa ra các phương pháp đấu tranh, phản bác. Đồng thời, cũng là nơi để các thành viên chia sẽ các bài viết hay của mình hoặc của các nhà khoa học, các cách lập luận sắc bén… Từ đó, vừa nâng cao tri thức chính trị, vừa học tập cách viết và cách tư duy chính trị ở từng vấn đề, thậm chí là từng dạng luận điệu. Nội dung và hoạt động của trang tin có tính chất như một diễn đàn khoa học nội bộ. Các bài viết sau khi được trao đổi sẽ được lựa chọn kỹ lưỡng để chia sẻ công khai trên các nền tảng khác.
Trang tin thứ hai là trang công khai, cần có sự quản lý của admin, của đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật để đẩy tin bài, để đánh giá lượng tương tác của cả người xem cũng như của các thành viên. Đồng thời cần không ngừng tăng số lượng thành viên để không ngừng chia sẻ những thông tin chính thống, tích cực và có sức đấu tranh phản bác mạnh mẽ đến đông đảo người dùng internet, sinh viên, gia đình và đông đảo người dân. Lực lượng cốt cán là cán bộ, giảng viên của trường, sinh viên, học viên các khóa. Sức lan truyền và sức nặng của thông tin sẽ càng lớn và giá trị hơn khi các sinh viên, học viên tốt nghiệp ra trường, công tác và vẫn không ngừng tác chiến trên trang thông tin này. Nội dung của trang thông tin công khai phải được kiểm duyệt chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của cấp ủy và lãnh đạo đơn vị, nhưng cần hoạt động đều đặn thường xuyên, theo hướng "mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp", nhất là ở những thời điểm nhạy cảm.
Mô hình hoạt động của hai trang tin trên có thể triển khai ở cấp độ trường hoặc ở cấp độ nhỏ hơn ở từng khoa tùy điều kiện nhân lực cho phép. Trong điều kiện lý tưởng, trên cơ sở 2 trang tin này, có thể nhân bản trên các nền tảng khác như zalo, youtube và thậm chí là những ứng dụng hoàn toàn mới trên nền tảng kỹ thuật số.
Thứ hai, đầu tư và sử dụng hiệu quả lợi thế của cơ sở hạ tầng và các phương tiện kỹ thuật trong đấu tranh phản bác
Song song với việc tác chiến trên không gian mạng, thì vẫn rất cần thiết phải xây dựng không gian thực để chuẩn bị lực lượng đấu tranh, trang bị nền tảng lý luận, kỹ năng để tăng sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch cũng như sức chiến đấu cho thầy và trò các trường đại học. Rất cần thiết phải có một phòng tư liệu thực hành riêng cho hoạt động này. Đây là nơi để cập nhật các tư liệu không thể chia sẻ trên internet hoặc trao đổi trực tiếp khi cần thiết triển khai một sự kiện, một sản phẩm phục vụ nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hoặc là nơi tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng tác chiến; trao đổi xây dựng ngân hàng bình luận sẵn sàng sử dụng khi cần thiết.
Các nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch được lồng ghép trong các bài giảng, các môn học của các giảng viên muốn có hiệu quả và hấp dẫn cũng rất cần có không gian cho giảng viên, cùng các nhóm sinh viên trao đổi, thực hành, thử nghiệm và sáng tạo các sản phẩm phục vụ nội dung này. Các môn học mang tính thực hành ở các ngành học như Xử lý tình huống công tác tư tưởng, Xử lý tình huống trong quản lý hoạt động văn hóa, Dư luận xã hội, Quản trị khủng hoảng truyền thông… có thể sử dụng để thực hành hoặc triển khai bài tập môn học theo nhóm sinh viên. Từ đó, tiến tới thầy và trò các khoa không chỉ viết bài đấu tranh phản bác mà còn có các sản phẩm truyền thông khác như: chuyên san, tạp chí nội bộ, phim ngắn trên youtube, trên tiktok, trên instagram, thậm chí là cả các TVC ngắn trên các màn hình LED di động… Phòng tư liệu thực hành này có thể xem là "trụ sở sản xuất và tác chiến".
Để thực hiện được các mục đích đặt ra kể trên, cần có sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật tối thiểu: bảng truyền thống, màn chiếu, máy chiếu, micro, bục phát biểu, máy quay, máy ảnh, máy tính, tài liệu in, sách báo… Đồng thời cần có cơ chế hoạt động sao cho tận dụng tối đa hiệu suất của phòng tư liệu. Chẳng hạn: khi các nhóm cần sử dụng để thực hành nhiệm vụ các môn học liên quan đến nội dung đấu tranh phản bác có thể đặt lịch mượn phòng; cắt cử nhóm sinh viên trực ban hàng tuần; thiết lập lịch trao đổi cố định song song với lịch họp chuyên môn; tọa đàm nhóm nhỏ với các khách mời, các chuyên gia…
Thứ ba, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí cho triển khai các hoạt động đấu tranh, phản bác
Đây là điều kiện tiên quyết và đóng vai trò quyết định đảm bảo cho các hoạt động đấu tranh phản bác được diễn ra liên tục và có hiệu quả. Rõ ràng, để xây dựng và vận hành được các trang thông tin, phòng tư liệu thực hành và cả chế độ chính sách cho cán bộ, giảng viên thực hiện nhiệm vụ; động viên, cổ vũ sinh viên tích cực… đều cần kinh phí. Trong điều kiện lý tưởng, nếu có thể có được nguồn kinh phí từ các Đề án, Chương trình của Đảng, Nhà nước và các trường, đồng thời có thể huy động các nguồn xã hội hóa, thì nguồn lực tài chính có thể được sử dụng hiệu quả vào các nội dung cơ bản sau:
1. Xây dựng và phát triển nền tảng kỹ thuật số. Trong đó rất cần thiết có đội ngũ admin, hỗ trợ kỹ thuật, phần mềm chuyên nghiệp để không ảnh hưởng đến quỹ thời gian và việc thực hiện nhiệm vụ chính của cán bộ, giảng viên, sinh viên trong các khoa đào tạo.
2. Xây dựng và trang bị phòng tư liệu thực hành. Đầu tư tài liệu, kinh phí học tập, bồi dưỡng. Kinh phí sản xuất các sản phẩm truyền thông đa phương tiện, bài giảng mới liên quan đến nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng. Hỗ trợ sinh viên xây dựng các sản phẩm thực hành có ý nghĩa, hiệu quả.
3. Chế độ phụ cấp hoặc đưa vào danh mục vị trí việc làm với cán bộ, giảng viên tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo các cấp độ cụ thể: cấp khoa, cấp trường...
4. Khuyến khích, khen thưởng các thành viên có lượt tương tác cao, tích cực hoặc có bài viết, sản phẩm chất lượng. Có thể linh hoạt khuyến khích động viên bằng điểm rèn luyện, điểm điều kiện, điểm thi…
Một số giải pháp về điều kiện vật chất kỹ thuật cơ bản và vài ý tưởng triển khai các hoạt động kể trên nhằm phát huy vai trò và tính năng động, tích cực của sinh viên với cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong phạm vi trường đại học riêng lẻ. Cuộc đấu tranh này chắc chắn còn kéo dài và những điều kiện trên cũng cần thực hiện từng bước trong khả năng và điều kiện cho phép của các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên nhận thức được tầm quan trọng của những điều kiện kể trên sẽ là tiền đề để Thầy và Trò các trường đại học có thể triển khai những hoạt động trong điều kiện hiện có trước mắt và hướng tới củng cố, phát huy những điều kiện lý tưởng trong tương lai, nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị quan trọng của các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, cũng như từng bước nâng cao hơn nữa vị thế của cơ sở đào tạo trên mặt trận không tiếng súng này./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018, Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2020), Phương thức, hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, Đề tài khoa học cấp Bộ, Hà Nội.
TS. Lưu Huyền Trang
Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền